Nỗi đau thân phận qua trang sách

.

Tôi đọc thật chậm, nhấm nháp từng truyện ngắn trong tập sách có nhan đề “Người đàn bà và chiếc dương cầm” (NXB Dân Trí, tháng 3-2023) của Vũ Ngọc Giao. Mặc dù, tôi vẫn thường đọc tác phẩm của chị đăng trên các báo Thanh Niên, Văn nghệ, Đà Nẵng cuối tuần, Quảng Nam, Non Nước… và tập truyện này được chọn lựa từ các sáng tác của chị trong những năm gần đây. Vũ Ngọc Giao là một cây bút văn xuôi đầy nội lực; “Người đàn bà và chiếc dương cầm” là tập sách thứ 3 sau tập: “Búp bê Matryoshka” (Tản văn - Truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn 2019) và “Dòng chảy” (Hồi ký, chấp bút, NXB Hội Nhà văn 2022).

“Người đàn bà và chiếc dương cầm” (NXB Dân Trí, tháng 3-2023).
“Người đàn bà và chiếc dương cầm” (NXB Dân Trí, tháng 3-2023).

Vũ Ngọc Giao viết chắc tay, giọng văn nhẹ nhàng nhưng buồn thương day dứt; mỗi câu chuyện có dung lượng vừa phải (khoảng 10 đến 14 trang sách) nhưng chuyển tải thông điệp sâu lắng đến cho người đọc. Không hiếm truyện để lại trong độc giả một nỗi trở trăn, một tiếng thở dài và cả những giọt nước mắt… Đọc và rung cảm cùng 20 truyện ngắn trong tập sách, tôi nhận ra Vũ Ngọc Giao thường đề cập đến 2 mảng chính. Mảng thứ nhất là những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng nhưng đọng lại những dư vị đắng cay.

Những câu chuyện tình buồn vẫn là đề tài muôn thuở để ngòi bút nhà văn tha hồ tung tẩy. Ta đã từng gặp nỗi ám ảnh về những người đàn bà miền núi của Đỗ Bích Thúy, Tống Ngọc Hân…; nỗi trở trăn vì tình ở người phụ nữ thị thành trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, Di Li, Phạm Thị Ngọc Liên… Với Vũ Ngọc Giao, những bi kịch tình yêu thường gắn với không gian bên dòng sông Thu Bồn hay vùng trung du xứ Quảng. Những cuộc tình không thành bởi những cản ngăn của gia đình vì có họ xa (Ngã ba sông), tình yêu đơn phương của người chủ nhà lãng tử dành cho cô gái ngày trước vốn là chủ nhân cũ của ngôi nhà (Đốm nắng cuối cùng), một mối tình sinh viên đang nồng đượm như men say bỗng dưng chia biệt vì người con trai bỏ học về làm lụng nuôi cha (Dốc sông trăng), mối tình tay ba cùng bức thư cuối cùng của người đàn bà có chiếc vòng cẩm thạch (Chạng vạng)…

Mỗi truyện ngắn về tình yêu của Vũ Ngọc Giao là một lát cắt của hiện thực đời sống ở nông thôn bên những triền đồi, dòng sông… êm ả, hiền lành, ít có những xô bồ, đua chen của lối sống thị thành. Không gian ấy thấm đẫm chất thơ, tắm trong ánh sáng huyền hoặc của ánh trăng hoặc ngân rung trong thanh âm trong vắt của tiếng đàn, tiếng sáo. Dù rằng, kết thúc những câu chuyện tình của Vũ Ngọc Giao hầu như không có hậu, có thể là chia ly, là mất mát song ở mỗi truyện ngắn, chị đều lồng vào đó lời nhắn nhủ về sự trân quý hạnh phúc bình dị xung quanh; hãy sống và yêu hết mình dù ngày mai có tan thành cát bụi…

Mảng truyện ngắn thứ hai của Vũ Ngọc Giao viết về những trẻ em, người phụ nữ với số phận hẩm hiu… Đó là một cô gái nghèo, khao khát được một lần cất tiếng gọi cha (Sông góa); là cô bé dị tật bẩm sinh, cậu bé tự kỉ bị cha mẹ bỏ rơi ngoài chợ được ông Lăng nhặt về trong bọc lá chuối (Gò đất hoang)… Nhân vật trẻ em thường không có tên gọi hoặc được người trong xóm đặt cho: Con Lủng, thằng Thêm, Con Lá, thằng Cỏ, con Dứt…

Số phận không mỉm cười bởi các em khi sinh ra đã không được thừa nhận; thân thể không lành lặn nhưng tâm hồn của những đứa trẻ bất hạnh ấy vẫn khao khát những điều ước: được nhìn thấy mặt cha, ước mẹ mình một lần về thăm hai bà cháu, mơ được cắp sách đến trường… Những ước mơ nhỏ bé nhưng đối với các em thật quá xa xỉ. Bên cạnh những trang viết dành cho trẻ em bất hạnh, Vũ Ngọc Giao còn viết về thân phận những người đàn bà gặp những trái ngang quá sức dẫn đến điên cuồng. Đó là Lam - cô chị cả giỏi giang tần tảo nuôi cha, nuôi con giúp em gái mình.

Sau bao cực nhọc tưởng rằng Lam sẽ gặp hạnh phúc, ai ngờ Thân - người yêu của cô ấy chết vì tai nạn… cuối cùng Lam cũng ra đi mãi mãi trong một đêm đầy trăng (Nhặt trăng). Trong truyện “Sông góa”, mẹ con Lủng điên vì thất tình; người đàn bà điên vì người yêu mắc bệnh nan y qua đời, suốt đêm lang thang trong vườn ở  “Tiếng cầu kinh trong mưa”…

Đọc truyện ngắn Vũ Ngọc Giao, thấp thoáng trong ta nỗi đắng đót trước thân phận con người đặc biệt là những bé gái, những người đàn bà trong cõi đời này. Phải có một trái tim bao dung, một trải nghiệm đủ độ dày và một tâm hồn mẫn cảm, Vũ Ngọc Giao mới dệt nên những câu chuyện giàu sức chinh phục đến như vậy.

Mặc dù, truyện ngắn của chị chưa đi hết tận cùng những bi kịch, chưa quay quắt hết cùng nỗi đau của nhân vật; đôi khi ta còn nhận ra một motip quen thuộc trong một số truyện ngắn. Song với tôi, tập truyện đã định hình được phong cách riêng của ngòi bút văn xuôi Vũ Ngọc Giao. Một giọng điệu đằm thắm, ngọt ngào, ngôn từ đậm màu sắc xứ Quảng; đôi truyện phảng phất chút liêu trai ma mị gây tò mò. Tin chắc rằng, truyện của chị ngày một hấp dụ nhiều độc giả tìm đến…

NGUYỄN THỊ THU THỦY

;
;
.
.
.
.
.