Trẻ em là để yêu thương

.

Mấy hôm nay, khu phố tôi ở tối nào cũng rộn ràng khi các bạn nhỏ hăng say tập dượt để chuẩn bị cho hội diễn chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6. Những lời ca tiếng hát hồn nhiên như đưa chúng tôi đến với một thế giới tuổi thơ đầy màu sắc; ở đó chỉ có trang sách hồng, có những vần thơ, có mùa xuân đầy hoa và nắng vàng… Đó mới đúng là thế giới của trẻ thơ chứ không nên và tuyệt đối không phải là những đòn roi cay nghiệt, những trận hành hạ dã man, những giọt nước mắt xót xa và cả những thương tổn không bao giờ lành.

Theo số liệu được đưa ra tại hội nghị Phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngày 4-12-2019), trên thế giới hiện cứ 6 trẻ em thì có 1 trẻ em sống trong khu vực có xung đột, cứ 7 phút qua đi thì có 1 trẻ em bị tước đi cuộc sống của mình vì bạo hành, ¾ số trẻ em bị người thân có những hành vi, hoặc bằng hành động, lời nói, thái độ xâm hại, ảnh hưởng tới thể chất, tinh thần của các em... Những con số đó hoàn toàn biết nói - nói với chúng ta về một thực tế đau xót khi rất nhiều trẻ em đã và đang bị tước đi quyền sống, quyền được yêu thương, chở che và quyền được bảo vệ.

Chúng ta không thể quên hình ảnh thân thể của những bé trai, bé gái còn quá nhỏ đã chằng chịt vết thương, phỏng rộp, bầm tím… hay bật khóc trước tin tức về một bé gái 8 tuổi bị người tình của bố đánh đập đến tử vong… Và còn rất nhiều, rất nhiều vụ án thương tâm khác đã khiến dư luận vô cùng căm phẫn. Mặc dù đã có những bản án thích đáng cho những kẻ độc ác, vô lương tâm, tuy nhiên, dư luận vẫn đau đáu trong lòng một nỗi niềm - làm sao để không còn xảy ra những vụ việc đau lòng, đáng tiếc như vậy nữa? Làm sao để trẻ em khắp nơi đều được thương yêu và bảo vệ?

Tôi đã từng nghe ở đâu đó có người nói rằng, con cái là do cha mẹ sinh ra nên cha mẹ có quyền quyết định việc nuôi dạy trẻ như thế nào, có quyền đánh mắng, làm tổn hại đến trẻ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Cha mẹ có nghĩa vụ thương yêu, nuôi nấng, giáo dục con cái” và “Cha mẹ không được hành hạ con cái…”. Bên cạnh đó, Luật Trẻ em đã cụ thể hóa 25 nhóm quyền của trẻ em. Như vậy, mọi trẻ em đều có quyền được sống trong yêu thương, không chỉ cần được nuôi dưỡng đầy đủ về dinh dưỡng, được học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi mà phải được sống trong một môi trường hòa bình, trong sạch, yên bình. Yêu thương con trẻ cũng là cách để chúng ta học trở thành những người cha, người mẹ tốt.

Trên thực tế, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở khu vực đông dân cư, nhà sát nhà và hàng xóm biết nhưng không báo các cơ quan chức năng để can thiệp ngay từ đầu vì cho rằng đó là việc riêng của mỗi gia đình. Trong khi có thể phía sau cánh cửa của mỗi gia đình là lời kêu cứu yếu ớt của các em nhỏ đang chờ đợi được lắng nghe và giúp đỡ. Luật Trẻ em cũng quy định rất rõ trách nhiệm của cộng đồng trong việc thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền. Chính sự vô tâm, vô trách nhiệm của những người xung quanh đã khiến nhiều vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn, hậu quả đã xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Nếu các vụ việc bạo lực trẻ em đều được thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng hoặc đường dây nóng bảo vệ trẻ em (111) thì có lẽ, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta đã không phải thốt lên hai tiếng: “Giá như!”.

Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có sự quan tâm đặc biệt để các quyền và môi trường sống của trẻ em được bảo đảm như hoàn thiện thể chế pháp lý; có chính sách riêng cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; quy định và triển khai thực hiện các cấp độ bảo vệ trẻ em (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp)… Tuy nhiên, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, có những hình phạt nghiêm minh hơn nữa cho các đối tượng hành hạ, xâm hại trẻ em - dù là người thân trong gia đình, để trẻ em thực sự được an toàn trong chính mái nhà và môi trường học tập, khôn lớn của mình.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trẻ em như búp trên cành…” - những búp non mơn mởn, tươi non, đẹp đẽ, vừa là phần dễ bị tổn thương nhất nhưng cũng chính là phần sáng đẹp, giàu sức sống nhất. Cây có xanh tươi vạm vỡ thì cũng nhờ từ búp mà ra, tương lai của đất nước có phát triển bền vững thì cũng từ sự trưởng thành của thế hệ mầm xanh. Đây đồng thời cũng là trách nhiệm Bác Hồ giao cho hậu thế về việc phải thường xuyên quan tâm, nâng niu, chăm sóc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ thơ. Bởi lẽ, bất cứ trẻ em nào sinh ra cũng cần và đáng để yêu thương.

ĐỖ LAN HƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.