Vé khứ hồi

.

“Nếu có tấm vé khứ hồi này, bạn sẽ được một lần nữa sống lại bối cảnh trong bức ảnh mà bạn muốn” - chủ tiệm ảnh là người đàn ông tôi không đoán được quốc tịch. Ông ta hơi giống với vị thiền sư người Ấn, tác giả của những cuốn sách tâm linh; nửa khác lại giống các vị học thuyết Trung Quốc thời cổ đại mà tôi được học qua. Ở góc khác, tôi còn thấy ông ta có nét như một vị thánh trong bức ảnh bữa tiệc ly mười hai tông đồ của Thiên Chúa giáo.

Trong ánh nắng ban chiều chập choạng, ông ta ngừng lại một chút, ánh mắt chậm rãi lướt qua số đông đang lắng tai nghe, và ông tiếp tục truyền đi thứ năng lượng của niềm tin tuyệt đối qua giọng nói rõ và chắc: “Nhưng… tôi không thích phải nói từ này với các bạn chút nào cả, cũng không muốn tỏ ra bí ẩn gì, bởi đây là hoàn toàn sự thật, để bước vào không gian trong tấm ảnh, sống lại một lần nữa với những người trong ấy, bạn phải trả một cái giá rất đắt…”. Có một sự im lặng tuyệt đối bao trùm. Tôi ngước nhìn trên cao, nơi này không phải trong khán phòng mà là bầu trời rộng lớn, ở một thành phố khác, đất nước khác.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi chạm vào tấm hình gia đình đã được ép plastic cẩn thận để dưới ốp điện thoại. Phải cẩn thận vì tôi chỉ còn duy nhất bức ảnh này có đủ thành viên trong gia đình gồm bố mẹ và chị gái. Từ khi bố mẹ qua đời, tôi đã luôn mang theo bên mình.

Tôi nhìn ra phía sau lưng người đàn ông, một cánh cửa màu xanh khép hờ. Không có bảo vệ, không có chuông cửa, không có cả khóa thẻ từ…

“Đắt giá, nhưng sẽ đáng, bởi vì tôi sẽ biến giấc mơ của bạn thành sự thật. Vậy bạn có giấc mơ nào muốn quay ngược thời gian trở lại không? Nếu không, tôi chúc mừng bạn. Vì bạn là người sống trọn vẹn với hiện tại, để chẳng phải nuối tiếc vì điều gì. Còn nếu có, cũng chúc mừng bạn, vì đây là cơ hội dành cho bạn trong ngày hôm nay. Xin lỗi quý khách vì sự bất tiện, nhưng cửa tiệm của chúng tôi chỉ đón được duy nhất một vị khách trong ngày…”.

Người đàn ông nói rất chậm. Những ánh mắt chung quanh như càng tròn to lên, háo hức đón từng lời của ông ấy thốt ra, để nuốt vào trọn vẹn, để tin tai mình không nghe lầm: sống lại bối cảnh trong bức ảnh gia đình mà mình muốn!

Nhưng chút lưỡng lự khiến tôi bị chậm mất một nhịp. Đã có vị khách nhanh chân hơn, ít do dự hơn bước vào tiệm ảnh gia đình.

Khi ấy, đồng hồ đã chỉ bốn giờ chiều. Cảm giác như có một lực hút vô hình khiến tôi không muốn rời khỏi nơi này - nơi sẽ biến giấc mơ của tôi thành hiện thực: được gặp lại bố, mẹ mình, dù chỉ một lần.

“Trò lừa bịp đường phố mà em cũng tin ư?” - qua cuộc điện thoại video, chị gái tôi đáp trả rất nhanh, rồi nhận ra tôi đang cần một sự đồng cảm hơn là phán xét, chị dịu giọng hơn: “Chị biết là em rất đang nhớ bố mẹ. Chị cũng vậy… Nhưng mình cũng đâu thay đổi được quá khứ? Vả lại, em còn chưa biết cái giá em sẽ trả là gì mà?”.

Tôi có hơi khựng lại, nhưng chút lăn tăn đó không ngăn được bước chân tôi trở lại vào ngày hôm sau.

Tôi gặp bố mẹ ở bữa cơm chiều. Khi ấy, tôi vừa từ chỗ làm trở về nhà. Hơn sáu giờ chiều mà trời còn nóng như ban trưa.

Tôi mừng rơi nước mắt khi trong căn nhà năm xưa còn cả bố và mẹ. Tôi muốn ôm chặt lấy bố và mẹ, nói rằng “con rất yêu bố mẹ, nhớ bố mẹ, con có nhiều điều lỗi lầm với bố mẹ… Và, hiện tại con vẫn nỗ lực để sống tốt, có phải bố mẹ sẽ vui vì điều đó đúng không?”. Nhưng đó là điều cấm kỵ. Tôi cũng đã ký vào tờ cam kết trước khi bước chân vào tiệm ảnh gia đình này. Tôi chỉ được trở về mà không gây ra bất cứ sự xáo trộn nào.

Mẹ tôi đang loay hoay múc thức ăn từ nồi sang tô, dĩa, rồi đặt lên chiếc mâm tròn inox màu trắng quen thuộc. Tiếng va chạm lanh canh này đã trở thành nỗi nhớ không tên của tôi từ khi bố mẹ qua đời, giờ tôi được nghe lại. Mẹ tôi đặt dĩa rau cải thìa lên mâm, không quên làu bàu: “Mùa nắng, rau củ quả lên giá, riết thứ gì cũng đắt đỏ, không biết ăn gì luôn…”.

Tôi bất giác chạm tay vào túi tiền của mình. Từ lâu lắm, tôi thèm cảm giác này: đưa hết số tiền trong túi cho mẹ. Chỉ để nhận lại niềm vui long lanh trong khóe mắt mẹ, và thanh âm như reo lên: “Ở đâu con có nhiều vậy?”. Đó là trải nghiệm tôi có được đúng một lần, khi mẹ còn sống.

Lần ấy, sau khi tham gia một lớp kỹ năng, nói về lòng biết ơn đấng sinh thành, tôi đã thực hành. Nhưng việc thực hành đó chẳng thể đi vào lối sống ngay được. Cả khóa học mà khi kết thúc tôi đã vỡ òa ra nhiều thứ đến nghẹn ngào không cầm được nước mắt trước những người lạ, vậy mà tôi quên ngay sau đó.

Những năm đầu mới đi làm, tôi không dư dả nhiều. Mức lương chỉ đủ trang trải và chiều chuộng chút nhu cầu của bản thân. Mẹ chưa bao giờ hỏi tiền tôi, nhưng tôi biết mẹ luôn phải cân đo đong đếm để cả nhà có được bữa cơm dinh dưỡng. Mỗi sáng mẹ đi chợ ở khu chợ tạm gần nhà, hỏi giá món này món kia, và số tiền còm cõi trong túi không cho phép mẹ mua những thứ muốn mua. Nếu như sớm nhận ra điều này, tôi đã dè sẻn chi tiêu hơn, để dành chút tiền mỗi tháng đưa mẹ, có phải khi ấy mẹ sẽ thoải mái hơn không?

Trong lúc ăn cơm, thỉnh thoảng tôi lén nhìn bố. Người đàn ông mà đến tận lúc qua đời, tôi chưa có một lần nói chuyện với người, như một đứa con trưởng thành. Bố có cô độc không khi sống ở kiếp người buồn bã này? Tại sao bố chỉ im lặng? Những người đàn ông tôi gặp, họ có nhiều thú vui hơn bố. Họ có bạn bè, họ có những ngày cuối tuần chỉ dành cho bản thân, họ có những buổi cà phê, những tách trà, họ chơi chim, nuôi cá, chăm bonsai mua vui tuổi già. Họ còn giải phóng được cảm xúc qua lời nói. Chỉ có bố, cả ngày cặm cụi làm những món hàng mỹ nghệ, rồi đem bán, rồi lại về làm… Thỉnh thoảng bố có chơi cờ với bạn hàng xóm, nhưng cả con tướng, con chốt cũng lặng câm bên bàn cờ.

Sao không một lần con gái có ý định rời những cuộc vui bên ngoài, thu mình về gian phòng làm việc đầy những mạt cưa của bố, để hỏi chuyện như những người lớn biết yêu thương? Điều đơn giản đó mà con chưa một lần thực hiện.

Ngoài vài câu ca thán của mẹ, bữa cơm diễn ra trong thinh lặng. Tôi ăn rất chậm, cảm nhận được vị ngọt của những hạt cơm thơm mềm, vị thanh mát của món rau, vị đậm đà, béo béo của món cá – món ăn mà cả nhà tôi ai cũng thích. Mẹ có tài kho cá rất ngon. Sau này, hai chị em tôi đều hỏi nhau tại sao ngày đó không đứa nào học được bí quyết kho cá ngon của mẹ. Bất cứ loại cá nào qua tay mẹ kho xong đều có nước kho rất hấp dẫn, sánh sệt, thịt cá thấm tháp, dậy mùi đến nỗi kéo xệch bước chân của chị em tôi xuống bếp.

Vậy mà, biết bao nhiêu nồi cá kho của mẹ cạn sạch, mẹ vẫn không nhận được bất cứ câu ngợi khen nào của hai chị em và cả bố tôi. Nếu có, hẳn mẹ sẽ hạnh phúc lắm. Không có, nhưng mẹ vẫn cần mẫn vào bếp mỗi ngày để bố con tôi có mâm cơm nóng thơm ngon. Tôi không tin nổi người ta có thể làm rất tốt công việc của họ cả một đời mà không có bất cứ một lời động viên hay khen ngợi nào!

Thỉnh thoảng mẹ than thời tiết gì mà hai cái chân mỏi như chân đi mượn, tôi cũng chỉ nghe vậy. Khi ấy, cái việc chạm tay vào thân thể mẹ hình như là rất kỳ cục, nên tôi không làm bao giờ. Nếu như bàn tay tôi chạm vào những nơi mỏi mệt ấy của mẹ, có phải mẹ sẽ rất hạnh phúc không?

Cái ý nghĩ ấy vừa chạy qua khỏi đầu tôi thì trùng hợp mẹ cất tiếng than: “Ôi cái lưng của tôi sao thế này?”. Lúc ấy, tôi cũng vừa rửa xong chén, và quên mất lời cam kết, liền nói với mẹ: “Để con xoa bóp cho mẹ đỡ mỏi”. Vừa dứt câu, tôi liền chạm bàn tay vào bờ vai mỏi mệt bao nhiêu năm của mẹ, nó khòm hẳn xuống, đưa về phía trước, nhô ra xương vai dưới làn da trắng xanh. Nhưng cũng chính khoảnh khắc những ngón tay tôi chạm vào ấy, có một lực đẩy rất mạnh tưởng như hất tung tôi lên không. Tôi có cảm giác thân thể mình vừa tan thành thành mây khói.

Khi tôi tỉnh dậy, nhận ra ông chủ tiệm ảnh đứng ở vị trí soát vé, và tôi thì nằm trên chiếc giường trắng, đúng với tư thế lúc mới vào. Đầu óc tôi hơi choáng, nhưng tôi ngay lập tức nhớ ra “cái giá rất đắt” mà ông ta đề cập lúc ban đầu. Tôi hỏi ông ta xem tôi sẽ phải trả gì? Ông ta lúc này mặt nhìn lạnh hơn, nhưng giọng thì vẫn đầy nội lực: “Này cô gái, cô phải hỏi điều đó trước chứ? Lỡ như đó là thứ quý giá nhất với cô lúc này thì sao?”. Tôi chỉ biết câm lặng. Rồi tự trấn an mình sẽ không sao đâu.

“Thứ cô phải trả đó là sẽ mất đi ý thức biết trân trọng những người thân yêu bên cạnh mình – điều mà cô chỉ nhận ra từ khi cha mẹ cô qua đời”. Ông nhún vai nói thêm: “Cô thấy đấy, mọi bài học trong cuộc đời này, đều ít nhiều phải trả giá. Bài học càng quan trọng thì cái giá phải trả càng đắt!”. Ông ta nói xong và tiến lại gần tôi, hai bàn tay ông đưa lên như chuẩn bị một hành động phép thuật nào đấy…

Tôi giật mình thức giấc bởi một lực sốc mạnh. Vừa lúc ấy, giọng nói trong trẻo của cô tiếp viên hàng không vang lên: “Kính thưa các vị khách quý, máy bay chúng ta chuẩn bị hạ cánh, nhiệt độ dưới mặt đất đang là 18 độ”. Tôi không nhìn rõ mặt cô tiếp viên, nhưng đoán được cô ấy đang cười qua giọng nói dễ nghe: “Thời tiết hiện rất đẹp. Chúc quý khách có chuyến đi như ý!”.

Người bạn thân đi cùng quay sang hỏi tôi, “ổn chứ?”. Tôi gật đầu, khẽ chạm tay vào bức ảnh gia đình để ở ốp lưng điện thoại. Chỉ là một giấc mơ thôi mà!

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.