Trong một chương trình về sách thiếu nhi, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi về vấn đề bạo lực học đường cho các diễn giả. Dưới cái nóng hừng hực mùa hè, đôi mắt các bậc làm cha làm mẹ khao khát được chia sẻ những nỗi lo của họ. Từ bao giờ cánh cổng của một số trường chẳng còn là nơi an toàn trọn vẹn, nơi các bậc phụ huynh yên tâm gửi gắm con mình nữa? Giờ đây họ nơm nớp lo những gì xảy ra bên trong lớp học, liệu con mình có bị ăn hiếp không, có đang bị những cảm xúc tiêu cực vây lấy không?.
Họ giật thót khi đọc tin tức trên báo đài về những nạn nhân của bạo lực học đường, những câu chuyện thương tâm khiến chẳng ai có thể ngoảnh mặt làm ngơ. Và lo lắng nhìn những vết bầm trên tay, chân con, hoài nghi không biết liệu thực sự chỉ là té ngã như chúng nói hay trò đùa ác nghiệt của bạn bè chung lứa. Họ chăm chú quan sát từng nét mặt của con, lo lắng tổn thương có thể bén rễ từ bên trong. Bên cạnh bạo lực nóng còn có cả bạo lực lạnh. Sự tẩy chay cũng là hạt giống của tiêu cực, chúng âm thầm tàn phá tinh thần của những đứa trẻ chỉ mới chập chững học cách lớn lên.
Nhưng dù cố gắng thế nào đi nữa, vòng tay của các bậc phụ huynh vẫn phải dừng lại trước cổng trường. Đâu ai có thể đồng hành suốt ngày cùng con, ngồi học cùng con, theo dõi con cả ngày. Các con cần tự do. Và các con còn non nớt. Các con cần sự quan tâm đầy đủ.
Cha mẹ nào cũng muốn biết các dấu hiệu bất thường của con. Thời đại công nghệ thông tin, họ học cách tìm đọc các tài liệu trên mạng để mong phát hiện tình trạng sức khỏe tinh thần của con càng sớm càng tốt. Họ đặt câu hỏi cho các diễn giả ở chương trình về sách thiếu nhi ấy, rằng làm sao chọn sách cho con thật sự phù hợp. Họ đặt niềm tin vào sách, mong sách sẽ giải đáp những câu hỏi của con. Mong sách sẽ dìu dắt tâm hồn con, vun đắp và giúp con mạnh mẽ hơn. Sách sẽ là người bạn thủ thỉ kề cạnh, người thầy hiền hòa chỉ bảo, thậm chí người anh hùng khoác áo choàng vung tay che chở cho con.
Có thật sự như thế không? Có thật sự sách làm được tất cả những điều đó không? Nói một cách công bằng nhất, sách chẳng thể thay thế gia đình và các mối quan hệ xung quanh. Sách chỉ hỗ trợ, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn những đứa trẻ. Sách như vitamin cho tinh thần, nhưng để hấp thụ được còn phụ thuộc vào những chất khác nữa. Ví dụ như những lời tâm sự, những cử chỉ quan tâm của phụ huynh.
Biết rằng điều này chẳng dễ dàng đâu. Khoảng cách thế hệ luôn là vấn đề nan giải. Guồng quay cuộc sống càng khiến những phụ huynh khó sắp xếp được thời gian ở cạnh con. Họ chẳng thể hiểu nổi game có gì thú vị mà con cái cắm mặt vào, họ không hình dung được công nghệ hiện đại có thể đưa con họ đi đến tận Bắc Cực chỉ bằng vài cú nhấp chuột tìm thông tin. Cũng như những đứa trẻ chẳng thể hiểu vì đâu ba mẹ cứ hay cằn nhằn, chúng cũng thấy những thú vui của phụ huynh đầy buồn chán. Hai thế hệ, hai luồng tư tưởng như lửa với nước, xung đột dễ gây ra căng thẳng.
Điều đó khó nhưng không hẳn không thể. Người diễn giả đã đặt câu hỏi ngược lại cho mọi người, rằng họ có bao nhiêu thời gian dành cho con. Họ đã thật sự chọn sách cho con, tự mình đọc hết và nói cho con biết cuốn sách thú vị tới thế nào chưa? Họ có cùng con đọc, hay đọc cho con nghe chưa? Họ có thật sự lắng nghe những đứa trẻ chưa? Nhớ thật kỹ lại xem, trong một lúc vô tình nào đó, khi con có điều muốn nói, ta đã lờ đi và đáp rằng ba mẹ đang bận không?
Những dấu hiệu thật ra vẫn đang hiển hiện xung quanh, chẳng hề che lấp khó đoán như ta nghĩ. Trẻ luôn muốn được quan tâm. Thậm chí khi trẻ cố chứng tỏ mình chẳng cần ai lại là lúc chúng cần ba mẹ nhất. Một ánh mắt, một lời khẩn cầu, một status bất thường… đều có thể là dấu hiệu.
Trẻ luôn tìm cách nói những điều khúc mắc trong lòng, chỉ là chúng chưa tìm được cách mở lời. Hãy giúp các con thấy điều đó dễ dàng hơn. Một cuốn sách đọc cùng các con, một trò chơi gia đình, một món ăn các con thích, một buổi làm vườn chung… không khí thân mật luôn gợi mở trò chuyện.
Yêu thương là con đường hai chiều, ta hãy kiên nhẫn phát tín hiệu và chờ đợi. Ở đầu dây bên kia, biết đâu đứa trẻ đã hồi hộp chờ cuộc gọi này từ rất lâu rồi.
PHÚC GIANG