Mong muốn tạo ra sản phẩm bảo đảm sức khỏe và thân thiện môi trường, hai nhóm sinh viên ACIDUS và GPs, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã sản xuất thành công trà và sô-cô-la từ nguyên liệu cây chùm ruột, cũng như sản xuất túi vi sinh từ bột sắn dây.
Nhóm ACIDUS trình bày dự án ứng dụng cây chùm ruột sản xuất trà và cà phê tại cuộc thi ““BIOSTARTUP 2023”. Ảnh: NVCC |
Trịnh Minh Tâm, Trưởng nhóm ACIUDS cho hay, trong những cây thuốc và vị thuốc, cây chùm ruột là loại cây được trồng phổ biến ở nhiều tỉnh, thành nhưng ít được khai thác và thương mại hóa trên thị trường. Vì vậy, nhóm quyết định nghiên cứu cây chùm ruột và nhận thấy vỏ, lá cây chùm ruột có khả năng chống oxy hóa khá cao và là kháng thể của các tế bào ung thư phổi, cổ tử cung.
Từ kết quả đó, nhóm phát triển hai dòng sản phẩm là trà hòa tan từ vỏ cây chùm ruột và sô-cô-la từ lá cây chùm ruột. “Dự án mong muốn hỗ trợ ngăn ngừa một số bệnh hiểm nghèo, góp phần tăng sinh kế cho người nông dân, duy trì nguồn thực vật có hoạt tính quý, phát huy ưu thế gen của cây bản địa.
Nhóm ACIDUS hy vọng sẽ trở thành một trong những thương hiệu đi đầu trong lĩnh vực thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đưa sản phẩm cây thuốc và vị thuốc từ chùm ruột vươn ra toàn thế giới. Hiện tại, nhóm trong giai đoạn điều chỉnh công thức nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng. Nhóm mong muốn được sự giúp đỡ từ các nhà đầu tư để sản phẩm có thể ra mắt thị trường trong tương lai gần”, Tâm bày tỏ.
Theo Nguyễn Thị An Thư, thành viên ACIUDS, để sản xuất hai sản phẩm, nhóm chọn vỏ cây còn nguyên cành, lá tươi, sau đó xay mịn. Đối với sản phẩm trà, nhóm sử dụng cao chiết bột vỏ thân đã xay mịn, sấy thăng hoa trong nhiều giờ (quá trình làm khô sản phẩm bằng nhiệt và gió) sẽ ra bột chiết xuất vỏ thân chùm ruột rồi phối liệu với đường có độ ngọt vừa phải.
Ngoài ra, nhóm đang hướng đến sản xuất trà túi lọc, nhằm giảm chi phí và giúp người tiêu dùng sử dụng thuận tiện hơn. “Với sản phẩm sô-cô-la, từ bột lá xay mịn, nhóm tách thành cao chiết bột lá và mang đi sấy phun (làm biến đổi thức ăn dạng lỏng thành trạng thái khô và rắn) sẽ ra bột tinh chất lá chùm ruột và hỗn hợp trộn đều với bơ và cacao. Để giảm độ ngọt ở sản phẩm sô-cô-la, nhóm quét thêm một lớp kẹo dẻo được ép từ quả chùm ruột nguyên chất làm gia tăng độ chua của sản phẩm.
Toàn bộ quá trình sản xuất trà, sô-cô-la đều sử dụng đường cỏ ngọt và không sử dụng chất phụ gia hay bất kỳ thành phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhóm em rất vui khi sản phẩm đoạt một số giải thưởng quan trọng, như giải Nhì cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Light up your creativity” năm 2022, giải Nhất cuộc thi “BIOSTARTUP 2023”, giải Nhất cuộc thi “Ươm mầm khởi nghiệp” do Chương trình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp “Phát triển kỹ năng thế kỷ 21” tổ chức”, Thư vui vẻ nói.
Tương tự, dự án sản xuất túi vi sinh từ bột sắn dây của nhóm GPs đoạt giải Nhì cuộc thi “Ươm mầm khởi nghiệp” do Chương trình đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp “Phát triển kỹ năng thế kỷ 21” và là sản phẩm được yêu thích nhất ở cuộc thi “BIOSTARTUP 2023” do Liên minh Công nghệ sinh học tổ chức.
Hoàng Thị Ni Na, Trưởng nhóm GPs cho biết, loại túi sinh học này có thể đựng gia vị muối, nước sốt trong gói mì tôm, với ưu điểm nổi trội là có thể ăn được, tan trong nước nóng, tăng sự tiện lợi khi ăn mì và giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường. Nhóm lựa chọn tinh bột sắn vì đây là loại sản phẩm có giá thành rẻ, an toàn, dễ tìm kiếm. Dù vậy, quá trình nghiên cứu, nhóm gặp không ít khó khăn vì đề tài mới lạ, chưa có nhiều thông tin tham khảo.
Từ tinh bột sắn, GPs tiến hành hồ hóa tinh bột cùng với các phụ gia. Quá trình này làm cho tinh bột hút nước, trương nở và lộ ra các liên kết. Nhờ đó, các enzyme có điều kiện tiếp xúc và phân giải tinh bột. Tiếp đến, nhóm phối trộn, tráng, hấp, sấy tinh bột thật khô, tạo cuộn màng và đóng gói ra thành phẩm. Hiện sản phẩm đang trong quá trình nghiên cứu nhằm tìm ra phương án sản xuất tốt nhất. Ngoài ra, nhóm định hướng sản phẩm không chỉ ứng dụng túi gia vị sinh học mà còn sản xuất bao bì đựng thực phẩm thay cho túi ni-lông.
Đánh giá về sản phẩm trà, sô-cô-la làm từ cây chùm ruột cũng như túi gia vị sinh học từ bột sắn dây, TS. Nguyễn Thị Anh Thư, thành viên Ban giám khảo cuộc thi “BIOSTARTUP 2023” khẳng định, đây là những ý tưởng hoàn toàn mới và có tiềm năng phát triển ra thị trường. Tuy nhiên, các nhóm cần hoàn thiện sản phẩm chất lượng hơn và đăng ký bằng sáng chế, bản quyền sở hữu trí tuệ về dự án.
HUỲNH TƯỜNG VY