Xu hướng du lịch trải nghiệm, dã ngoại

.

Xu hướng du lịch “bụi”, du lịch trải nghiệm, khám phá được nhiều du khách lựa chọn trong thời gian gần đây. Nét độc đáo của loại hình du lịch này là mỗi người được tự do trải nghiệm thiên nhiên và điều kiện sống cơ bản, ít tiện nghi.

Một góc cắm trại dã ngoại của nhóm bạn trẻ Phạm Tùng Dương. Ảnh: NVCC
Một góc cắm trại dã ngoại của nhóm bạn trẻ Phạm Tùng Dương. Ảnh: NVCC

Ở khía cạnh khác, theo nhận định của giới chuyên gia, đây cũng là cơ hội để các địa phương khai thác tối đa tiềm năng, thông qua việc tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.

Nuông chiều cảm xúc bản thân

Tạm xa rời điện thoại để cùng nhau dựng lều, cắm trại, nấu ăn hay ngâm mình dưới dòng suối mát là trải nghiệm thú vị mà anh Phạm Tùng Dương, quản trị viên nhóm Camping in Đà Nẵng (Cắm trại Đà Nẵng) thường xuyên trải qua trong những chuyến “phượt” cùng bạn bè. Anh Dương thừa nhận bản thân là người ưa xê dịch, mê mẩn hoạt động cắm trại và tự chế biến thức ăn giữa núi đồi, những nơi hoang sơ, ít người qua lại.

Đó cũng là cách anh khám phá bản thân và rèn cho mình đức tính nhẫn nại, bình tĩnh và vui vẻ xử lý mọi sự cố bất ngờ xảy đến. “Đáng nhớ nhất là lần mình cùng nhóm bạn cắm trại ở khu vực ven suối xã Hòa Bắc. Khi ấy, vào đến nơi tập kết thì trời tối, chưa kịp dựng lều, cơn mưa núi bất ngờ đổ xuống. Ai nấy đều ướt sũng. Thức ăn mang theo cũng nhũn ra vì cơn mưa kéo dài. Dù vậy, chúng tôi vẫn bình tĩnh phân công người dựng lều, người tìm củi nhóm bếp và tận hưởng cuộc vui giữa núi rừng”, anh Dương chia sẻ.

Trung bình mỗi tháng, Phạm Tùng Dương thực hiện 3 chuyến cắm trại dọc các con sông, suối ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Đây là những nơi có địa hình đẹp, mát mẻ, phù hợp dựng lều và chèo sup thư giãn. Với anh, trải nghiệm thiên nhiên không chỉ dừng ở việc nhìn ngắm và tận hưởng, mà còn thể hiện ở bản thân gìn giữ chúng ra sao.

Vì thế, trong mỗi chuyến đi, anh đều ý thức dọn dẹp rác thải xung quanh khu vực cắm trại. Không chỉ vậy, định kỳ thứ Bảy hằng tuần, Dương và nhóm “Cắm trại Đà Nẵng” tổ chức hoạt động dọn rác thải ở bán đảo Sơn Trà và các khu vực cắm trại dọc sông, suối xã Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang)… 

Trào lưu du lịch cắm trại xuất hiện ở Đà Nẵng khoảng 5 năm trở lại đây, từ đó hình thành nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội, thu hút hàng chục ngàn thành viên tham gia. Thông thường, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, địa điểm cắm trại và lập nhóm nhỏ đi chung dịp cuối tuần, lễ, Tết.

Lý giải về sức hút của du lịch cắm trại, anh Dương cho rằng do áp lực học hành, thi cử hoặc công việc không như ý khiến người trẻ muốn thoát ra, tìm đến một nơi bình yên để nghỉ ngơi, thư giãn. Bên cạnh đó, khung cảnh thiên nhiên đẹp, lãng mạn, mát mẻ cũng là yếu tố thu hút những người trẻ ưa xê dịch và thích nuông chiều cảm xúc bản thân.

Trước nhu cầu ngày càng tăng của loại hình du lịch cắm trại, một số đơn vị kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng nhanh chóng đầu tư những địa điểm glamping - thuật ngữ ghép từ hai từ tiếng Anh là glamorous (sang trọng) và camping (cắm trại) ở khu vực ngoại thành. Là một trong 2 mô hình khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp hữu cơ tại xã Hòa Phú vừa được UBND huyện Hòa Vang cho phép hoạt động thí điểm, Bana Rita Glamping Farm cung cấp dịch vụ trải nghiệm dành cho các hoạt động du lịch cắm trại, dã ngoại kết hợp rèn luyện kỹ năng sống cùng nông dân.

Ông Lê Thanh Tuấn, đại diện Bana Rita Glamping Farm cho biết, nông trại có diện tích 50.000m2, trước đây trồng bưởi da xanh theo phương pháp hữu cơ. Năm 2022, khi tham gia Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2025, ông Tuấn mạnh dạn xây dựng dịch vụ glamping kết hợp trải nghiệm trồng, chăm sóc cây xanh, con vật nuôi…

“Nếu đi cắm trại thông thường, du khách phải tự chuẩn bị lều trại, đồ dùng, thực phẩm, thì với loại hình glamping, khách chỉ cần chọn địa điểm, trả tiền để được sử dụng căn lều có trang bị những tiện nghi cơ bản như nệm, gối, đèn pin, kem chống muỗi... Ngoài ra, ở khu vực glamping, du khách có thể thoải mái tham gia các hoạt động ngoài trời mà không phải lo lắng về độ an toàn, cũng như được sử dụng dịch vụ ẩm thực nếu đặt trước”, ông Tuấn nói thêm.

Địa phương đồng hành

Nhận thấy tiềm năng của loại hình du lịch cắm trại, sinh thái, trải nghiệm tại địa phương, UBND huyện Hòa Vang đề ra những chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, khai thác bền vững.
Sau hơn 4 năm gầy dựng khu du lịch sinh thái Làng Toom Sara (xã Hòa Phú) với tiêu chí “xanh, sạch, lành”, bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư L.I.F.E - chủ đầu tư Làng Toom Sara - khẳng định thành công bước đầu của Làng Toom Sara luôn có sự đồng hành của chính quyền địa phương, từ việc cho phép khu du lịch thành lập Làng du lịch cộng đồng Cơ tu “Toom Sara Fest” năm 2020, đến tổ chức biểu diễn các chương trình “Cơ tu show”… “Chúng tôi xem đây là cái bắt tay thật chặt giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương trong việc xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ tại Đà Nẵng”, bà Nam Phương nói.

Mục tiêu của Làng Toom Sara là tạo ra không gian du lịch gần gũi, thân thiện với du khách. Bên cạnh những ngôi nhà xây dựng kiên cố nằm rải rác trong khu du lịch, Làng Toom Sara dành không gian đẹp nhất để dựng hàng chục lều trại phục vụ khách trải nghiệm. Dọc theo lối đi, chủ đầu tư giữ lại dòng suối, hàng cây, vườn chôm chôm, vạt chuối rừng, đồi sim và ưu tiên sử dụng đồ dùng bằng tre, mây, lá, giấy. Ngoài ra, Làng Toom Sara cung cấp dịch vụ làm vườn, trồng cây, trải nghiệm những giá trị văn hóa người

Cơ tu và những tiện nghi vừa đủ.

Cũng theo bà Nam Phương, ngoài các hoạt động hướng về phục dựng văn hóa, con người Cơ tu, Làng Toom Sara dự kiến tổ chức chương trình du ca “Km 432” hướng về các bản làng người Cơ tu vùng cao tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng. Đây là chương trình du lịch tạo giá trị cho cộng đồng với sự đồng hành của các chuyên gia lĩnh vực spa, thẩm mỹ và tất cả bạn trẻ thích du lịch hướng nghiệp, du lịch từ thiện. Ban ngày, du ca “Km 432” sẽ gặp gỡ, truyền nghề cho các bạn trẻ Cơ tu; ban đêm, nhóm sẽ tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ kể về vùng đất, con người Cơ tu.

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương, đã đến lúc các xã phía tây thành phố tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch, nâng cao thu nhập người dân địa phương. Bởi lẽ, loại hình du lịch trải nghiệm, tôn trọng tự nhiên đang là xu hướng du lịch mới, bền vững.

Tại xã Hòa Bắc, loại hình du lịch sinh thái sau thời gian hoạt động dần hình thành các tour du lịch kết nối, các lớp học điền dã cho học sinh dịp cuối tuần. Tham gia tour này, du khách sẽ đến thăm nhà Gươl, tìm hiểu văn hóa - đời sống người Cơ tu (như dệt vải, hát lý, múa tung tung za zá, nghe già làng kể chuyện), sau đó di chuyển về các homestay dọc sông Cu Đê nghỉ ngơi, ăn uống.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí đã thành lập 8 nhóm phục vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, gồm cồng chiêng, ẩm thực, văn nghệ, trekking, đan lát, hát lý, dệt thổ cẩm, thuyết minh với sự tham gia của 62 hộ dân. Các nhóm hoạt động bài bản, có sự hỗ trợ của các chuyên gia về du lịch và nghiên cứu văn hóa Cơ tu.

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn khẳng định, sự ra đời của Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2025 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp tư nhân khai thác mô hình cắm trại, dã ngoại, trekking, tổ chức các trò chơi trên sông và trải nghiệm làm nông nghiệp. Trong quá trình đó, ông Tôn hy vọng huyện sẽ sớm hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm, bảo tồn, sinh thái có sức hấp dẫn với khách nội địa, lẫn khách quốc tế.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.