BẢO VẬT QUỐC GIA

Giữ gìn tinh hoa di sản văn hóa dân tộc

.

Dưới tác động của thiên nhiên và con người, không chỉ di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia bị xâm hại mà nhiều bảo vật quốc gia cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và cần được bảo vệ. Những năm qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để gìn giữ các di sản quý báu, từ đó lan tỏa và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Đài thờ Trà Kiệu là một trong 6 bảo vật quốc gia đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thu hút khách tham quan. Ảnh: Đ.H.L
Đài thờ Trà Kiệu là một trong 6 bảo vật quốc gia đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thu hút khách tham quan. Ảnh: Đ.H.L

Bảo quản bảo vật quốc gia

Bên trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm, những bức tượng đá vẫn nằm uy nghi tưởng chừng như bất chấp thời gian. Nhiều bức tượng có niên đại cách đây hàng thế kỷ được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Đặc biệt, các bảo vật quốc gia trưng bày tại đây luôn được du khách thích thú tham quan và tìm hiểu.

Đứng đăm chiêu trước đài thờ Trà Kiệu có niên đại từ thế kỷ VII-VIII, anh Trường Sơn, một du khách đến từ Hà Tĩnh cho biết: “Tôi yêu thích văn hóa Ấn Độ nên khi đến đây tham quan, tôi cảm thấy rất thú vị. Nhiều bức tượng được làm cách đây từ hàng trăm đến hàng nghìn năm vẫn còn in dấu thời gian cổ xưa của văn hóa Chămpa. Qua đó, tôi hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển của nền văn hóa độc đáo này”.

Để bảo quản và phục dựng tốt các hiện vật trong bảo tàng, đặc biệt các bảo vật quốc gia là một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi áp dụng nhiều kỹ thuật phức tạp và triển khai chặt chẽ các phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối. Ông Nguyễn Bảy, di sản viên phòng Sưu tầm - bảo quản và trưng bày cho hay, công tác bảo quản các bảo vật quốc gia tại bảo tàng được xác định là hoạt động trọng tâm, trong đó công tác bảo quản phòng ngừa là ưu tiên hàng đầu.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường bảo quản đối với 4 hiện vật đang trưng bày và 2 hiện vật lữu giữ trong kho trong môi trường ổn định. Tùy theo chất liệu và hiện trạng cụ thể của từng hiện vật, việc bảo quản được thực hiện theo đúng các nguyên tắc bảo quản phòng ngừa nghiêm ngặt như thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình trạng hiện vật; lau chùi các bục bệ, đai kính bảo vệ; hút bụi. Bên cạnh đó, việc di chuyển, thay đổi vị trí trưng bày, bảo quản trong nội bộ bảo tàng đối với các bảo vật quốc gia phải có sự theo dõi, giám sát của lực lượng bảo vệ và lập thành kế hoạch trình giám đốc bảo tàng xem xét quyết định.

Đơn cử như đài thờ Mỹ Sơn E1 có niên đại từ thế kỷ VII-VIII. Trước đây người Pháp trưng bày sát nền, phần đế áp vào tường nên hiện vật dễ bị phong hóa bề mặt. Tuy nhiên, đến năm 2009, với sự hỗ trợ của dự án FSP do Chính phủ Pháp và Việt Nam tài trợ, đài thờ đã được các chuyên gia Pháp, Campuchia và Việt Nam tiến hành bảo quản, tháo gỡ toàn bộ đài thờ và trưng bày trên bục như hiện nay. “Hiện bảo quản, phòng ngừa là chính, còn bảo quản trị liệu thì phải lập phương án trình cấp sở trở lên. Nước ta đã áp dụng phương pháp scan 3D để đề phòng khi hiện vật xuống cấp có thể phục chế, phục dựng những vấn đề hư hỏng. Các hoạt động bảo quản đều thực hiện theo Luật Di sản văn hóa”, ông Bảy khẳng định.

Bên cạnh đó, Bảo tàng điêu khắc Chăm còn phối hợp với các lực lượng thuộc Công an thành phố, Công an phường Bình Hiên để thực hiện các biện pháp phòng chống trộm cắp, phá hoại và các nguy cơ gây hại khác. Bảo tàng cũng lắp đặt hệ thống camera theo dõi tại vị trí phòng trưng bày và kho bảo quản đặc biệt, nơi có các bảo vật quốc gia nhằm kiểm tra, giám sát thường xuyên, phát hiện ngăn chặn kịp thời các hoạt động trộm cắp, phá hoại và các nguy cơ gây hại ảnh hưởng đến các bảo vật quốc gia.

Điểm đến văn hóa đặc sắc

Bên cạnh 6 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại Bảo tàng điêu khắc Chăm, thành phố Đà Nẵng còn có hai di tích quốc gia đặc biệt gồm Thành Điện Hải và Danh thắng Ngũ Hành Sơn cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Thành Điện Hải được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 25-12-2017. Thành này trước đây được gọi là Đồn Điện Hải, được xây gần mép nước tả ngạn sông Hàn năm 1812 dưới thời vua Gia Long. Đến năm 1823, đời vua Minh Mạng, đồn được chuyển đến xây kiên cố ở vị trí hiện nay và đến năm 1835 được đổi tên là Thành Điện Hải. Vào năm 2018, thành phố đầu tư hơn 185 tỷ đồng để tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải trong hai giai đoạn. Dự kiến sau khi hoàn thành giai đoạn hai của dự án vào năm 2024, Thành Điện Hải sẽ trở thành điểm nhấn cảnh quan trong quảng trường trung tâm thành phố, tái hiện sinh động thành quách xưa với câu chuyện lịch sử hào hùng.

Trong khi đó, Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt vào ngày 24-12-2018. Đến tháng 4-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Trên cơ sở đó, Đà Nẵng đã lập đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh này và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các nhà nghiên cứu, chuyên gia, người dân… Dự kiến, sau khi trùng tu, di tích cấp quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ trở thành điểm đến văn hóa tâm linh đặc sắc tại Đà Nẵng.

Hiện nay, thành phố đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ du khách như khu trưng bày, quảng trường, vườn dạo, khu lễ hội với nhiều hoạt động hỗ trợ phục vụ di tích. “Sau khi được phê duyệt, thành phố sẽ chỉ đạo quận phân kỳ đầu tư. Khu công viên sẽ được sắp xếp lại bài bản, trật tự, hợp lý hơn. So với các di tích khác, di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn gắn với tâm linh nên mang tính chất thiêng liêng khiến du khách ấn tượng.

Để phục vụ tốt khách tham quan, Ban quản lý luôn bảo đảm an ninh trật tự và môi trường sạch sẽ. Thời gian qua, Ban quản lý cũng đã nâng cấp bãi đỗ xe, lắp đá chống trượt trong động âm phủ. Bên cạnh đó, phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng, Sở Văn hóa - Thể thao hỗ trợ chuyên môn để thực hiện công tác bảo tồn di sản. Hiện Ban quản lý đang xin chủ trương thành phố cho phép bảo tồn và phát huy giá trị của Ma Nhai”, ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn giải thích.

Theo ông Hiền, khó khăn hiện nay trong công tác bảo tồn di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn là các hộ dân nằm đan xen trong khu di tích. Do đó, thành phố và quận Ngũ Hành Sơn cần sớm giải tỏa và quy hoạch lại khu vực này để người dân ổn định cuộc sống và bảo đảm điều kiện tự nhiên của khu di tích. Qua đó, lập lại trật tự văn hóa văn minh đô thị để xứng tầm với di tích quốc gia đặc biệt. 

Có thể thấy, việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia và các di tích quốc gia đặc biệt là rất quan trọng và bức thiết. Bên cạnh bảo tồn và gìn giữ di tích, thành phố cũng cần xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình quảng bá giá trị di sản văn hóa lịch sử tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Nhờ đó, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và hiểu biết sâu hơn về những tác phẩm có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ và nhân văn sâu sắc.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.