Việc khai thác tiềm năng từ bảo vật quốc gia không chỉ tạo giá trị kinh tế, phát triển du lịch mà còn từng bước đưa cổ vật đi vào đời sống thực, giúp công chúng hiểu rõ hơn về những cổ vật cha ông để lại.
Phiên bản tượng bồ tát Tara/ Laksmindra Lokesvara chất liệu đồng, có niên đại cuối thế kỷ IX-X, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2012 và được trưng bày tại vị trí trang trọng tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: TƯỜNG VY |
Điểm đến độc đáo
Đến tham quan tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, em Huỳnh Văn Thiện (lớp 7, Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu) hồ hởi nói: “Dịp này, em cùng các bạn đến xem trực tiếp những bảo vật quốc gia chứ không phải qua sách vở, trang mạng. Được ngắm nhìn các cổ vật em thấy thú vị, những cổ vật quá đẹp và hoành tráng. Đồng thời, có cơ hội dung nạp kiến thức khi nghe cô chú thuyết minh giới thiệu về nguồn gốc, chất liệu, thời gian tìm kiếm và quá trình công nhận bảo vật”.
Bà Trần Thị Chiêm, Trưởng phòng Giáo dục và Truyền thông, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho hay, từ khi 6 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia, số lượng khách đến thưởng lãm tại bảo tàng tăng lên đáng kể. Từ năm 2011-2019 tăng từ 171.255 lên 286.938 lượt khách. Theo thống kê năm 2022 có 44.784 khách nội địa và quốc tế.
Từ đầu năm 2023 đến nay bảo tàng đón hàng nghìn lượt khách theo các tour và tự túc. Đồng thời, bảo tàng đón tiếp nhiều đoàn đến từ Tổng Lãnh sự Italia tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu cấp cao Hội Liên hiệp Phụ nữ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, đoàn Ủy ban Văn hóa, giáo dục Quốc hội… “Để giúp khách tham quan hiểu rõ về những hiện vật cũng như bảo vật quốc gia, bảo tàng cung cấp miễn phí tài liệu giới thiệu chung về lịch sử, khái quát và thông tin về bảo vật.
Đồng thời, bảo tàng có bộ phận hướng dẫn viên tại điểm hỗ trợ tiếng Việt, Anh, Pháp cho các nhóm học sinh, sinh viên, đoàn khách độc lập, gia đình từ 5 người trở lên. Nội dung thuyết minh do cán bộ có chuyên môn của bảo tàng xây dựng, căn cứ trên các hồ sơ hiện vật và tài liệu nghiên cứu có độ tin cậy cao và sự tham vấn ý kiến chuyên môn của các học giả uy tín về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật Champa. Song song, hằng năm, bảo tàng thông tin và quảng bá đến các đơn vị lữ hành về những cổ vật được trưng bày, khung thời gian sự kiện nếu có và giới thiệu điểm đến bằng hình thức online tại thị trường các nước như Ấn Độ, Pháp…”.
Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm chia sẻ, hiện nay, bảo tàng đang lưu giữ hơn 2.000 hiện vật và trưng bày thường xuyên hơn 400 hiện vật tiêu biểu và đặc sắc nhất. Trong đó, có 6 cổ vật được công nhận bảo vật quốc gia gồm Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Đông Dương, Đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Bồ tát Tara/Laksmindra Lokesvara, Tượng thần Ganesha và Tượng Gajasimha được đặt ở vị trí trung tâm, dễ nhận biết. Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng lãm, học tập, nghiên cứu của công chúng, bảo tàng đưa vào hoạt động và giới thiệu nhiều ứng dụng như nhãn chú thích hiện vật, thông tin giới thiệu trong hệ thống thuyết minh tự động lựa chọn ngôn ngữ (Việt, Anh hoặc Pháp), du khách sử dụng bằng cách quét các mã code dán cạnh hiện vật và tham quan ảo VR360 3 chiều tại bảo tàng ở bất kỳ đâu.
Cùng mục đích đưa bảo vật quốc gia đến gần hơn với công chúng và khai thác tiềm năng phát triển kinh tế du lịch, các công ty lữ hành đã mở nhiều tour du lịch đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm hay di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn. Anh Kyosik, du khách Hàn quốc, tham gia tour của Công ty Hanatour VietNam - Danang Branch chia sẻ: “Tôi đến Việt Nam khá nhiều lần nhưng luôn chọn tour có điểm dừng chân tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm và chợ Hàn. Mỗi lần đến bảo tàng là một lần thêm bất ngờ vì có nhiều điều mới chưa khám phá hết. Qua đó, tôi mong muốn các con của mình được thưởng lãm và hiểu rõ hơn về những bức tượng hơn 1.000 tuổi của nền văn hóa Chămpa huyền thoại”.
Năm 2021, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố. Đây là bảo tàng duy nhất trưng bày và lưu giữ 6 hiện vật là bảo vật quốc gia. Thời gian qua, Bảo tàng Điêu khắc Chăm hay di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải và di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn đã từng bước khẳng định vai trò và sự đóng góp vào bức tranh du lịch tổng thể của thành phố.
Sức hút của bảo vật quốc gia
Đang tất bật hướng dẫn đoàn khách Pháp, ông Nguyễn Trương Nguyễn (57 tuổi, Đà Nẵng), hướng dẫn viên tự do với 30 năm kinh nghiệm dẫn đoàn khách Pháp bày tỏ: “Tôi đã thuyết minh hàng ngàn lần về các hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho du khách nước ngoài. Thế nhưng lần nào cũng giữ một niềm vinh dự rất lớn về bảo vật của đất nước mình. Các cổ vật giúp tôi cũng như du khách nhận được những giá trị vô hình không thể đong đếm, từ đó càng thêm trân trọng những di sản và góp phần nhỏ gìn giữ, lưu truyền đến thế hệ mai sau.
Hầu hết du khách thích thú và tỏ ra hào hứng khi được nghe thuyết minh về bảo vật quốc gia. Nội dung thuyết minh về bảo vật rất quan trọng, buộc phải chính xác từng con số, câu chữ nên tôi dành nhiều thời gian đọc trực tiếp tài liệu của Pháp tức là từ những nhà nghiên cứu của Trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO) kết hợp với bài viết chính thống tại bảo tàng. Hai trong số 6 bảo vật quốc gia được du khách chú ý và ấn tượng là tượng thần Ganesha trong tư thế đứng và tượng linh thú voi-sư tử Gajasimha”.
Theo ông Nguyễn, thường tượng Ganesha được thấy trong tư thế liên tọa, bán liên tọa hoặc ngồi thế hoàng gia, rất ít khi thấy tượng thần ở dạng đứng thẳng. Còn tượng Gajasimha thì có kích cỡ “khủng” so với các tượng cùng loại được trưng bày tại các nước khác trên thế giới. Riêng tượng Ganesha là tượng sa thạch, cao 95cm có niên đại ước lượng từ thế kỷ VII-VIII. Tượng được tìm thấy tại tháp Mỹ Sơn E5 vào năm 1903, sau đó được trưng bày tại Bảo tàng Chăm vào năm 1918. Thần là con của Shiva và Parvathi. Sở dĩ, ngài được tôn thờ vì là một vị Phúc Thần, tượng trưng cho tính vô ngại, sự minh triết, trí tuệ, tính giáo hóa và tính cẩn trọng.
Ngoài ra, Ganesha còn là thánh bổn mạng của trường phái học thuật và các nhà thông thái. Bảo vật thứ nhì là tượng voi-sư tử Gajasimha. Linh thú này có niên đại ước tính từ thế kỷ XII-XIII làm bằng sa thạch và được các nhà nghiên cứu tìm thấy trong lòng đất. Tượng có chiều cao 215cm, rộng 84cm được khai quật tại Tháp Mẫm, Bình Định vào năm 1933, đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm từ năm 1935. Tại các nước như Thái Lan và Campuchia, tượng Gajasimha hầu như chỉ thấy trên các tấm gia huy của gia đình hoàng tộc, ít khi thấy linh thú này ở dạng tượng tròn. Hơn nữa, trên các tấm gia huy phần lớn thể hiện dưới dạng vua-sư tử (Rajasimha), hiếm khi bắt gặp sự kết hợp cả voi lẫn sư tử.
Được đánh giá là một trong những kiệt tác mà du khách tìm đến chiêm ngưỡng khá đông là Đài thờ Trà Kiệu, anh Lý Hòa Bình, chuyên viên Phòng Giáo dục và Truyền thông kiêm thuyết minh viên, Bảo tàng Điêu khắc Chăm chia sẻ: “Đài thờ có chất liệu sa thạch được đưa về bảo tàng năm 1901. Đài thờ Trà Kiệu đối với người Chăm là nơi nối liền thần linh và đền tháp, trời và đất. Đài thờ được đặt ở trung tâm ngôi tháp chính, bên trên đài thờ thường đặt Linga - Yoni hoặc tượng thờ liên quan đến vị thần được dâng cúng. Mỗi đài thờ thể hiện một phong cách, ý nghĩa khác nhau. Tôi nghĩ rằng, không chỉ Đài thờ Trà Kiệu mà mỗi cổ vật đều có điểm nổi bật riêng và 6 bảo vật quốc gia là mảnh ghép hoàn hảo thu hút du khách đến bảo tàng ngày một nhiều hơn”.
HUỲNH TƯỜNG VY