Du lịch mạo hiểm thu hút giới siêu giàu

.

Vụ nổ tàu lặn Titan gây ra những cuộc tranh luận về vấn đề an toàn của loại hình du lịch mạo hiểm. Các chuyên gia cho rằng, kết cục của con tàu lặn ngắm xác tàu Titanic sẽ không ngăn được giới siêu giàu vung tiền để trải nghiệm du lịch mạo hiểm bởi họ luôn khát khao khám phá, chinh phục.

Một chỗ ngồi trong chuyến hành trình kéo dài 8 ngày của tàu Titan tới vị trí xác tàu Titanic có giá 250.000 USD (5,8 tỷ đồng). Ảnh: MSN
Một chỗ ngồi trong chuyến hành trình kéo dài 8 ngày của tàu Titan tới vị trí xác tàu Titanic có giá 250.000 USD (5,8 tỷ đồng). Ảnh: MSN

Tàu lặn Titan của Công ty OceanGate Expeditions mất liên lạc vào sáng 18-6, chỉ khoảng 1 giờ 45 phút sau khi rời tàu mẹ - tàu nghiên cứu Polar Prince của Canada, để lặn xuống biển. Tuy nhiên, con tàu này phát nổ và bị ép nát dưới đáy biển khiến 5 người thiệt mạng. Các mảnh vỡ được tìm thấy ở khu vực cách mũi tàu Titanic 488m và việc phân tích các mảnh vỡ này có thể tiết lộ manh mối quan trọng về những gì đã xảy ra với Titan.

Một chỗ ngồi trong hành trình kéo dài 8 ngày của tàu Titan để thám hiểm xác tàu Titanic có giá 250.000 USD (5,8 tỷ đồng). Câu hỏi đặt ra là vì sao nhiều người sẵn sàng chi số tiền khổng lồ, đồng thời đánh cược tính mạng với loại hình du lịch mạo hiểm như vậy.

Du lịch siêu lợi nhuận

Du lịch mạo hiểm (frontier tourism) với chi phí cao, rủi ro cao, đang trở thành ngành kinh doanh có lợi nhuận hấp dẫn, thu hút giới siêu giàu. Các chuyến đi hướng đến đáy biển sâu, núi cao, vùng cực, thậm chí cả vũ trụ. Báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Grand View Research cho biết, ngành du lịch mạo hiểm toàn cầu đạt giá trị 316,6 tỷ USD vào năm 2022 và ước tính tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Thực ra, du lịch mạo hiểm không mới. Hàng nghìn năm trước, người dân Thái Bình Dương nhìn bầu trời sao để tìm ra những hòn đảo mới. Cách đây hàng trăm năm, các nhà thám hiểm châu Âu cũng đã dong buồm ra khơi đến nơi họ tin là rìa của Trái đất phẳng. Ngày nay, sự phát triển của công nghệ cho phép con người làm được những điều chỉ có trong trí tưởng tượng từ nhiều năm trước. Chỉ cần có đủ tiền, du khách có thể lên đỉnh Everest, vào vũ trụ hay xuống đáy đại dương, bơi cùng cá mập trắng, chèo thuyền gần núi lửa... Phát biểu với đài CNN, ông Nick D’Annunzio, Giám đốc hãng truyền thông TARA nhấn mạnh: “Tiền không phải là vấn đề của giới siêu giàu. Họ quan tâm đến trải nghiệm hơn. Họ muốn có thứ gì đó mình không bao giờ quên được”.

Ông Peter Anderson, Giám đốc điều hành công ty du lịch hạng sang Knightsbridge Circle lý giải: “Vốn quá quen với trải nghiệm du lịch thông thường, họ (giới siêu giàu - PV) luôn muốn tìm kiếm những điều mới lạ, và đi kèm thường là những mức độ rủi ro lớn”.
Lỗ hổng

Tàu Titan được thiết kế với một khoang nhỏ, phù hợp cho một chuyến đi của 5 người trong một ngày. Thông tin từ các đài NPR và CBS đều cho hay, những người tham gia thám hiểm trên tàu Titan đã ký một số giấy tờ với nội dung khuyến cáo rằng đây là “con tàu thí nghiệm”, “chưa được bất kỳ cơ quan nào kiểm duyệt hay chứng nhận, và có thể dẫn đến thương tích về thể chất, chấn thương tinh thần hoặc tử vong”.

Năm 2019, OceanGate - công ty duy nhất trên thế giới cung cấp dịch vụ tàu lặn thám hiểm xác tàu Titanic - tuyên bố chiếc tàu lặn này an toàn, chỉ là công nghệ của nó “vượt xa khả năng thẩm định của các cơ quan quản lý”. OceanGate cũng đã từ chối đăng ký kiểm định an toàn cho tàu lặn Titan từ các bên thứ ba như Cục Đăng kiểm Mỹ hay Công ty dịch vụ chứng nhận an toàn của châu Âu. Năm 2018, một số chuyên gia cảnh báo ông Stockton Rush - Giám đốc điều hành OceanGate Expeditions rằng, việc không thực hiện kiểm định đối với tàu Titan sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhưng những cảnh báo này đã bị phớt lờ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ các chuyên gia ngành hàng hải thế giới cho rằng, việc áp đặt những quy định bổ sung có thể không khả thi do vấn đề pháp lý liên quan đến các phương tiện lặn sâu ở những vùng biển quốc tế. Không có quy định mang tính toàn cầu về hoạt động của tàu lặn tại các vùng biển quốc tế và những tàu này không chịu sự quản lý của bất kỳ quốc gia nào.

Chuẩn Đô đốc John Mauger, Tư lệnh Vùng 1 của Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) nhận định: “Sau vụ nổ tàu lặn Titan, cần siết chặt các quy định quản lý và tiêu chuẩn an toàn đối với các tàu lặn sâu dưới đáy đại dương”. Đồng quan điểm này, nhà thám hiểm Đan Mạch Per Wimmer nói rằng, thảm kịch tàu Titan sẽ là động lực để thế giới xây dựng nhiều quy định hơn trong lĩnh vực tàu lặn.

Trong khi đó, đạo diễn James Cameron nổi tiếng với bộ phim Titanic nhìn thấy mối liên hệ giữa hai thảm họa cách nhau 111 năm giữa tàu Titanic và tàu lặn Titan. “Titanic bị chìm vì thuyền trưởng đã cho tàu chạy hết tốc lực giữa biển băng vào ban đêm, một đêm không trăng với tầm nhìn hạn chế sau khi đã được cảnh báo nhiều lần. Chúng ta đang thấy điểm tương đồng ở đây, với những cảnh báo về một tàu lặn không được cấp giấy chứng nhận an toàn nào”, ông Cameron nói.

KHÁNH LINH (Theo Conversation, CNN, CNA)

;
;
.
.
.
.
.