Nền tảng của văn hóa là tiếng nói và chữ viết. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dân tộc Việt Nam, chữ Hán Nôm, từ Hán - Việt đã trở thành phần quan trọng mang hồn cốt của dân tộc, làm nên những giá trị đặc sắc văn hiến Việt Nam.
Gian thư pháp của Chi hội Hán Nôm quận Ngũ Hành Sơn tái hiện nét văn hóa cho chữ tại lễ hội Quán thế âm thu hút các bạn trẻ. Ảnh: Đ.H.L |
Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XX, chữ Hán Nôm không còn được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Để kết nối với truyền thống, tiếp cận tinh hoa văn hóa dân tộc thông qua những kho tàng tri thức đồ sộ mà cha ông để lại, nhiều bạn trẻ đã chọn cách học hỏi chuyên sâu chữ Hán-Nôm.
Vì yêu mà học
Học ngành Quản lý văn hóa nhưng anh Lê Văn Phúc (sinh năm 1994, di sản viên Bảo tàng Đà Nẵng) lại đam mê học chữ Nôm. Chia sẻ về cơ duyên này, anh cho biết, anh thích học chữ Nôm từ khi còn sinh viên nhưng lúc đó chưa có điều kiện để nghiên cứu và học hỏi chuyên sâu. Khi ra trường làm công việc về quản lý di sản, anh mới có cơ hội va chạm nhiều với chữ Hán Nôm thông qua các văn tự, tư liệu lịch sử…
Từ đó anh hiểu việc biết chữ Hán Nôm rất quan trọng trong công việc của mình. “Khi đọc được những bài vị, câu đối, các hoành phi… tôi cảm thấy rất vui nên càng hứng thú với việc học chữ. Tôi may mắn được làm quen với chữ Nôm khi còn là sinh viên năm 2 bởi chương trình học có môn Hán Nôm. Trên nền tảng kiến thức đó, tôi tiếp cận nhiều phần mềm giúp người học có thể tự học, tự nghiên cứu.
Chữ Nôm rất khó nhưng nếu biết quy tắc và phương pháp thì sẽ dễ học bởi cách đọc gần giống tiếng Việt và có bộ chữ giống chữ Hán. Khi nắm được những bộ cơ bản thì người học sẽ viết được. So với các ngoại ngữ khác, việc tiếp xúc chữ Nôm rất ít vì không có thường xuyên trên phim ảnh, do đó, muốn gắn bó lâu dài thì người học phải thực sự yêu thích và va chạm với nó hằng ngày”, anh Lê Văn Phúc giải thích.
Trong khi đó, chị Huỳnh Đoan Vy (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) yêu thích chữ Hán Nôm kể từ khi chị đến với thư pháp. Chị Vy biết thư pháp từ năm 2015 nhưng thực hành cầm bút mới bắt đầu từ tháng 11-2022 đến nay. Hiện chị đang mở lớp luyện viết chữ cho nhiều đối tượng, trong đó có cả trẻ em.
“Tôi thuộc dạng mê chữ. Muốn viết được kiểu chữ cả bút lông (thư pháp Việt), và bút sắt (thư pháp hiện đại - Calligrahpy). Sắp tới, tôi sẽ đi học thêm chữ Nôm vì tin rằng, khi viết nét chữ xưa ấy, tình yêu ngôn ngữ của tôi sẽ được bồi đắp thêm. Cảm xúc cá nhân sẽ được nâng lên và nét bút ấy sẽ giúp tôi được quay trở về cội nguồn dân tộc và càng yêu thêm tiếng nước mình, dân tộc mình. Điều này chắc chắn sẽ giúp cho hồn sắc của những nét bút, những nét thư pháp mà tôi viết ra thêm phần sâu sắc trong ý tứ và kỹ pháp”, chị Vy chia sẻ.
Giúp người trẻ dễ dàng tiếp cận
Hiện nay, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên có Hội Hán Nôm cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi Chủ tịch UBND thành phố có quyết định thành lập Hội Hán Nôm vào tháng 3-2022 với 104 hội viên. Ông Lê Là, Phó Chánh văn phòng Hội Hán Nôm Đà Nẵng cũng là người tham gia tích cực trong quá trình vận động thành lập hội cho biết, ngày càng có nhiều bạn trẻ đến với chữ Nôm. Trong hội có khoảng 30% hội viên là người trẻ. Sau khi thành lập Thành hội, các CLB Hán Nôm thuộc Trung tâm Hán Nôm của Hội khuyến học thành phố cũng được chuyển thành các chi hội trực thuộc Hội Hán Nôm Đà Nẵng như các Chi hội Hán Nôm quận Hải Châu, quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn. Qua đó, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia sinh hoạt.
Đặc biệt, vào sáng Chủ nhật hằng tuần, các chi hội tổ chức dạy luyện chữ và viết thư pháp chữ Hán Nôm miễn phí. “Thỉnh thoảng vẫn có một số bạn trẻ là sinh viên năm 2, năm 3 đến với lớp học chữ Hán, Nôm nhưng không theo được do mất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu. Muốn học chữ Nôm giỏi thì phải học chữ Hán. Khi biết chữ Nôm giúp ích nhiều cho việc sưu tầm, đọc hiểu các tư liệu gia phả của các chư phái tộc, sắc phong, văn bia, sớ…
Để giúp các bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với chữ Hán Nôm, trong năm nay, Chi hội Hán Nôm quận Ngũ Hành Sơn phối hợp Thành hội tổ chức gian thư pháp tái hiện nét văn hóa cho chữ tại lễ hội Quán thế âm và tham gia biểu diễn thư pháp và cho chữ tại lễ hội Cầu an, ở đình làng Quá Giáng”, ông Lê Là cho biết.
Nói về tầm quan trọng của việc học chữ Nôm, ông Huỳnh Phương Bá, Chủ tịch danh dự Hội Hán Nôm. Đà Nẵng cho rằng, hiện nay tiếng Việt có đến 70-80% từ Hán Việt nên việc học chữ Hán Nôm sẽ giúp các bạn trẻ sử dụng chuẩn ngôn ngữ tiếng Việt. Khi biết Hán Nôm, chúng ta có thể đọc được các tài liệu cổ và nghiên cứu trực tiếp văn bản tư liệu chính xác hơn nhờ nắm được tinh thần của văn bản thay vì thông qua bản dịch.
Đặc biệt đối với những người trẻ, họ có thể hiểu biết được lịch sử khi đến các chùa chiền, miếu mạo, văn bia… ở khắp nơi trên đất nước ta. Tuy nhiên, để giúp những người trẻ học chữ Hán Nôm tốt hơn, những người lớn tuổi cũng cần dành thời gian truyền đạt kinh nghiệm cho con cháu của mình bởi môi trường gia đình rất thuận lợi cho việc học chữ Hán Nôm.
Có thể thấy rằng, trong nhiều năm trở lại đây, phong trào học chữ Hán Nôm và thư pháp phát triển ở khắp nơi. Nhiều địa phương, làng quê đã hình thành những CLB Hán Nôm Thư pháp, thu hút nhiều người trẻ tham gia. Việc học chữ nghĩa của cha ông không chỉ giúp chúng ta tiếp nhận chiều sâu văn hóa, mà còn giúp tu dưỡng sự điềm tĩnh, tác phong và cẩn trọng trong ứng xử. Chính nét đẹp của chữ nghĩa, của văn hiến nghìn năm dân tộc đã và đang lan tỏa các giá trị chân-thiện-mỹ, dần hoàn thiện và lấp đầy những “lỗ hổng”, góp phần sửa chữa những thiếu khuyết của thời hiện đại bởi “văn hóa còn, thì dân tộc còn”.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG