Bảo vật quốc gia đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa một vùng đất. Vì vậy, để công nhận một hiện vật, mẫu vật, tác phẩm nghệ thuật, mỹ thuật, di tích, bộ sưu tập… là bảo vật quốc gia đòi hỏi quy trình xét duyệt cẩn thận, chính xác nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch, tạo cơ sở cho hoạt động bảo vệ, quản lý và phát triển tốt nhất các giá trị của bảo vật.
Anh Nguyễn Bảy đứng trước Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1 - một hiện vật đang làm hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia năm 2023. Ảnh: TIỂU YẾN |
Khẳng định giá trị bảo vật
Với những cán bộ đã, đang công tác tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, quá trình làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 6 bảo vật quốc gia luôn là kỷ niệm đẹp và đáng tự hào. Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm nhớ lại, năm 2012, lãnh đạo bảo tàng quyết định làm hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 hiện vật Chăm có giá trị, gồm Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Mỹ Sơn E1 và Tượng Bồ tát Tara là bảo vật quốc gia. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đợt công nhận bảo vật quốc gia và bảo tàng xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của những hiện vật giá trị đang được trưng bày, lưu giữ tại đây.
Được biết, đó là 3 hiện vật tiêu biểu của nền văn hóa Chămpa nên công tác làm hồ sơ diễn ra khá thuận lợi. Dù vậy, trong suốt quá trình đó, ông Thắng cùng mọi người tỉ mẩn rà soát từng trang tài liệu, sắp xếp, tổng hợp, cũng như bổ sung, đánh giá toàn bộ nội dung. Đặc biệt, có rất nhiều thông tin hay, quý giá đã được phát hiện, bổ sung trong giai đoạn này.
Theo ông Thắng, việc làm hồ sơ hiện vật không đơn thuần là đáp ứng các quy định của Luật Di sản văn hóa về xét duyệt bảo vật quốc gia, mà rộng hơn, là cơ hội để bảo tàng hệ thống lại thông tin hiện vật nhằm phục vụ công tác lưu trữ, tuyên truyền và quảng bá sau này. Mỗi lần làm hồ sơ hiện vật, người làm công tác nghiên cứu như ông Thắng có thêm cơ hội tiếp cận thông tin mới, đa chiều và sâu sắc hơn.
Đơn cử, để hoàn thành bộ hồ sơ đề nghị công nhận Đài thờ Trà Kiệu là bảo vật quốc gia, đội ngũ cán bộ bảo tàng đã chắt lọc thông tin từ hàng ngàn trang tài liệu và hàng trăm bài viết của các nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong quá trình làm hồ sơ, cán bộ bảo tàng luôn tôn trọng ý kiến đánh giá, lý giải đa chiều (thậm chí trái chiều) của các nhà nghiên cứu, học giả về một sự vật, hiện tượng liên quan.
Ví dụ, năm 1930, Jean Przyluski đăng bài nghiên cứu trên tạp chí Nghệ thuật Á Châu, diễn giải các nhân vật trên Đài thờ Trà Kiệu theo một truyền truyết về vương quốc Phù Nam (Przyluski 1930). Một năm sau, George Coedes có bài trên tạp chí Trường Viễn đông Bác cổ Pháp, không tán thành các lý giải của Przyluski, mà cho rằng các cảnh chạm khắc trên đài thờ là những mẫu chuyện về thần Krisna (Coedes 1931). Thú vị hơn, hơn 50 năm sau, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương, trong bài viết “Đọc lại Đài thờ Trà Kiệu”, không tán thành cách giải thích của Coedes và đưa ra cách đọc các chạm khắc trên đài thờ theo một chuyện kể về đám cưới của Rama và Sita trong trường ca Ramayana.
Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng cho rằng, trong 6 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đài thờ Trà Kiệu là một bảo vật có giá trị ở nhiều khía cạnh. Đây là đài thờ Chămpa duy nhất còn tương đối nguyên vẹn với phần bệ vuông ở dưới và bệ yoni tròn ở trên. Cấu tạo của hệ yoni với hai thớt tròn đối xứng qua hai lớp cánh sen và một chiếc linga 3 tầng đặt trong lòng là một cấu tạo tiêu biểu của tổ hợp yoni-linga trong văn hóa cổ Ấn Độ, đã được tiếp thu ở Chămpa. Đài thờ có các đường nét điêu khắc hết sức tinh tế, sống động và phong phú, đủ để khái quát thành các tiêu chí nền tảng của phong cách nghệ thuật, tiêu biểu cho một bước phát triển trong nghệ thuật Chămpa.
Trong khi đó, các hồ sơ bảo vật quốc gia Đài thờ Mỹ Sơn E1, Tượng bồ tát Tara, Đài thờ Đồng Dương, Tượng thần Ganesha… cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng, hữu ích cho quá trình nghiên cứu, đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa sau này của vùng đất Chămpa xưa.
Cẩn thận câu chữ, số liệu
Theo quy định tại Khoản 21, Điều 1, Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2009, những hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia phải đáp ứng các tiêu chí sau: độc bản; hình thức độc đáo; có giá trị đặc biệt, tiêu biểu, liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu, là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định, hoặc có thể là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên…
Phó Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Trần Đình Hà khẳng định, việc làm hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia tại bảo tàng được thực hiện đúng quy định của ngành văn hóa, như lựa chọn những hiện vật bảo đảm đầy đủ các tiêu chí nêu trong Thông tư 13/2010/TT-BVHTTDL ngày 30-12-2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nội dung hồ sơ công nhận bảo vật quốc gia.
Ông Hà cho hay, hiện nay, có rất nhiều hiện vật ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm đáp ứng 3 tiêu chí: là hiện vật gốc; độc bản; có hình thức độc đáo và tiêu biểu, đại diện cho một phong cách nghệ thuật trong điêu khắc Chămpa. Sau khi chọn ra hiện vật bảo đảm đầy đủ tiêu chí trên, bảo tàng tiến hành nghiên cứu, xây dựng bộ hồ sơ khoa học cũng như sưu tầm tư liệu liên quan như công trình nghiên cứu, bài viết, ảnh, sách, tạp chí… của các học giả trong và ngoài nước. Khi hoàn thành hồ sơ dự thảo, bảo tàng tổ chức lấy ý kiến của Hội đồng khoa học và chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trình Sở Văn hóa và Thể thao. Hồ sơ sau khi được Hội đồng thẩm định hiện vật thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định, sẽ trình lên UBND thành phố trước khi chuyển Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Hiện nay, ngoài 6 bảo vật quốc gia được công nhận, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 hiện vật điêu khắc Chăm là bảo vật quốc gia, gồm Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1 và Phù điêu Apsara Trà Kiệu. Trực tiếp dự thảo hồ sơ 3 hiện vật này, anh Nguyễn Bảy, Di sản viên, Phòng Sưu tầm - Bảo quản và trưng bày, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, các nội dung, hình ảnh, số liệu trong hồ sơ hiện vật đang được rà soát kỹ lưỡng, cẩn thận từng con chữ, số liệu, bảo đảm thông tin hiện vật được cung cấp đầy đủ, chính xác và chân thực nhất.
“Ngoài nguồn tư liệu nghiên cứu, điền dã dồi dào, phong phú thì hiện nay có không ít tài liệu liên quan đến hiện vật điêu khắc Chăm được viết bằng tiếng Pháp và chữ viết Chăm, gây khó khăn trong quá trình dịch thuật. Do đó, để hoàn thiện bộ hồ sơ, đội ngũ nghiên cứu phải tham khảo ý kiến của rất nhiều chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, mỹ thuật nhằm đi đến thống nhất chung”, anh Bảy chia sẻ.
Có thể nói, ngoài những giá trị về mặt mỹ thuật, điêu khắc, thì mỗi hồ sơ bảo vật quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa cho đời sau. Đây là nguồn sử liệu quý giá, không chỉ cung cấp kiến thức cho các nhà nghiên cứu, mà còn giúp chúng ta hiểu sâu hơn về quá khứ hình thành và phát triển của mỗi vùng đất, mỗi dân tộc.
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng: “Đề nghị công nhận hiện vật nào đó đang được bảo tồn tại địa phương mình là bảo vật tức là đã thừa nhận ở một mức độ nhất định giá trị văn hóa hoặc giá trị lịch sử hoặc cả hai - cả giá trị văn hóa và giá trị lịch sử - của hiện vật. Nhưng để được thừa nhận ở tầm cấp cao hơn, hồ sơ của từng bảo vật phải nêu bật được những giá trị ấy bằng lập luận chặt chẽ, bằng thái độ khách quan khoa học và quan trọng hơn là bằng dữ liệu chân thật và chính xác về nguồn gốc xuất xứ của hiện vật; phải thuyết phục được cấp có thẩm quyền rằng đây là hiện vật thực, đúng với niên đại và lý lịch đã nêu trong hồ sơ; nhất là phải giải trình một cách thuyết phục mọi khả năng tồn nghi. Chẳng hạn một khẩu thần công từng xông pha chiến trận như các khẩu thần công ở Thành Điện Hải - không thể còn nguyên vẹn những chạm khắc ban đầu về nguồn gốc xuất xứ khi mới vừa được tạo tác, nên đem tiêu chí này để xem xét công nhận bảo vật thì sẽ thiếu công bằng với những khẩu thần công đầy chiến công chưa được “chấm công” ấy. Tính tiêu biểu là tiêu chí khó nhất để lập hồ sơ xin công nhận một hiện vật nào đó là bảo vật, bởi để khẳng định hiện vật này là tiêu biểu cho một trường phái hội họa hay trường phái kiến trúc… cần phải đối chiếu với những hiện vật cùng loại, chẳng hạn như con rồng triều Lý khác với con rồng triều Trần, cũng khác với con rồng triều Nguyễn, và chỉ có thể xác định con rồng này tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật tạo hình của một triều đại nào đó khi đã thẩm định bằng cách so sánh với những con rồng được tạo tác cùng thời điểm và khác thời điểm”. |
TIỂU YẾN