Không ít người yêu nghệ thuật khi đến Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thưởng lãm 52 tác phẩm trúc chỉ nằm trong khuôn khổ triển lãm “Năng” (diễn ra đến ngày 31-7), đã bày tỏ sự ngạc nhiên lẫn thích thú trước hình ảnh tươi mới, sang trọng, tinh tế và mang nhiều cảm xúc của dòng tranh này.
Người yêu nghệ thuật thích thú trước những tác phẩm trúc chỉ. Ảnh: T.Y |
Nghệ thuật giấy mới
Đứng trước tác phẩm Lối xoáy của họa sĩ Nguyễn Phước Nhật, ông Nguyễn Văn Việt (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) chia sẻ đây là lần đầu tiên ông biết đến dòng tranh trúc chỉ. Bức tranh mỏng, miêu tả đàn cá đang chật vật vượt qua dòng nước xoáy trở nên sinh động hơn nhờ hiệu ứng ánh sáng và nghệ thuật sắp đặt hoàn hảo. “Những hình ảnh khắc họa trên tranh trúc chỉ khá gần gũi, như cảnh đàn bướm, hoa sen, hoa quỳnh hương, hạt gạo, ký ức làng quê… mang cho tôi cảm giác bình yên, thư thái khi thưởng ngoạn”, ông Việt nói.
Được biết, với kỹ thuật in khắc kim loại, họa sĩ sử dụng hóa chất bóc đi từng lớp kim loại, thì đồ họa trúc chỉ sử dụng áp lực nước bóc đi từng lớp bột giấy để tạo nên độ dày mỏng, tương ứng với màu sắc tác phẩm khi tương tác với ánh sáng. Chưa kể, tranh in khắc kim loại chỉ cho ra một hiệu ứng duy nhất (hiệu ứng bề mặt tương ứng với độ ăn mòn nông, sâu trên mặt kim loại), thì trúc chỉ mang đến 2 hiệu ứng nghệ thuật linh hoạt: hiệu ứng bề mặt (ánh sáng thuận, dương bản, dày thì sáng, đậm thì tối) và hiệu ứng xuyên sáng (ánh sáng ngược, âm bản, dày thì tối, mỏng thì sáng)…
Họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam cho hay, 10 năm trước, dưới sự dẫn dắt của họa sĩ Phan Hải Bằng (Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế) - người sáng tạo nên dòng tranh trúc chỉ, bà thành lập công ty, tạo nền tảng đưa nghệ thuật trúc chỉ đến gần công chúng.
Theo bà Vi, trúc chỉ là loại hình giấy nghệ thuật (hay nghệ thuật giấy mới) của Việt Nam. Với trúc chỉ, giấy đã thoát khỏi thân phận làm nền cho các tác phẩm sáng tạo khác để trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập. Về mặt kỹ thuật, đồ họa trúc chỉ (trucchigraphy) là sự kết hợp, ứng biến dựa trên 3 yếu tố: quy trình làm giấy thủ công truyền thống, kỹ thuật đồ họa và kỹ thuật dùng áp lực nước cơ bản. Đây là những yếu tố khác biệt, đặc trưng, tạo nên hệ thống lớp lang, màu sắc đặc trưng cho tác phẩm trúc chỉ.
Hướng đến chân, thiện, mỹ
Là người góp phần đưa nghệ thuật trúc chỉ đến gần công chúng, họa sĩ Nguyễn Phước Nhật, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nghệ thuật trúc chỉ Việt Nam cho biết, đầu tiên, trúc chỉ khai thác những hoa văn, họa tiết của tre, trúc, sậy, nứa, chuối, mía, rơm, cây ngô, bèo lục bình…, sau đó sáng tạo thêm những hình ảnh quen thuộc, hướng con người theo 3 tiêu chí: thẩm mỹ, giáo dục và xã hội. Tranh trúc chỉ không bó hẹp trong yếu tố sáng tạo mỹ thuật, hình tượng, mà mở ra góc nhìn mới về nghệ thuật thị giác nói chung và kỹ thuật đồ họa, ứng dụng nói riêng. Theo đó, ngoài áp lực nước, họa sĩ có thể sử dụng kỹ thuật đồ họa để tạo nên những tác phẩm theo ý tưởng sáng tạo, cụ thể là in khắc kim loại và in xuyên, tạo nhiều sắc độ theo độ dày mỏng, cấu trúc, bố cục, hiệu quả ánh sáng. Ngoài ra, họa sĩ cũng có thể sử dụng áp lực nước để vẽ trực tiếp trên tấm giấy ướt nhằm cho ra những tác phẩm như mong muốn.
Ngoài ra, để làm một bức tranh trúc chỉ, ngoài kỹ thuật, người họa sĩ cần tận dụng tốt vẻ đẹp của xơ sợi từ cây, cỏ tự nhiên… Họa sĩ Trần Quang Thắng cho biết, mỗi loại cây sẽ cho những loại xơ sợi có độ cứng mềm khác nhau, màu sắc tự nhiên khác nhau, từ đó tạo ra các biểu hiện dày mỏng, sáng tối riêng biệt.
“Để tìm hiểu một loại xơ sợi mới cần rất nhiều thời gian. Đầu tiên, chúng tôi cảm nhận trực quan thông qua sờ chạm, ngửi, vò xé, khám phá độ dai bền. Chưa kể, mỗi loại nguyên liệu do có sự dày mỏng, cứng mềm khác nhau nên thời gian, công thức xử lý cũng khác nhau. Ví dụ sợi xơ từ cây bắp cần phải nấu nhiều lần và canh đúng thời gian thì mới có thể sử dụng”, họa sĩ Quang Thắng cho hay.
Mang hơi hướng mỹ thuật cổ điển, nhưng nét nổi bật của trúc chỉ là nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật ứng dụng. Trong đó, nghệ thuật tạo hình tận dụng tối đa ưu điểm của không gian, ánh sáng, thì nghệ thuật ứng dụng sáng tạo nên những tác phẩm đáp ứng công năng trang trí hoặc làm vách ngăn, bình phong, dù, thiệp, nón, quạt nhằm phục vụ mục đích sử dụng của con người.
Họa sĩ Phan Hải Bằng khẳng định, tính độc bản, duy nhất của tác phẩm được bảo đảm, định hình ngay từ ý tưởng và khả năng sáng tạo nghệ thuật của mỗi tác giả. Điều này không chỉ mang lại khoái cảm thẩm mỹ cho người thưởng ngoạn, mà thú vị hơn là góp phần khơi gợi năng lượng tích cực cho chính người sáng tạo nên chúng.
TIỂU YẾN