Chợ vốn đã là một thứ hương vị đậm chất quê hương. Chợ Hàng Heo (phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) lại càng đong đầy phong vị văn hóa của dải đất miền Trung, từ hàng hóa đến con người, từ những thứ hữu hình đến những thứ vô hình…
Con hẻm nhỏ băng ngang giữa đường Ông Ích Khiêm và đường Chi Lăng được người dân Đà Nẵng gọi thân thương bằng cái tên “Chợ Hàng Heo”. Ảnh: T.A |
Gọi là chợ nhưng thật ra nơi đây là một phần “máu thịt” của chợ Cồn, gói gọn trong con hẻm băng ngang giữa đường Ông Ích Khiêm và đường Chi Lăng.
Không gian văn hóa
Trong những niềm nhớ nhà vời vợi, tôi thường hay thèm thuồng cảm giác được đứng giữa chợ quê. Chẳng biết cái luyến thương nơi chốn nhộn nhịp ấy nhiều nhặn đến đâu mà đứa bạn cùng nhà trọ có bận không nhịn được phải dùng dằng: “Chớ chợ thì ở đâu không có mà nàng nhắc gì mà nhắc hoài, mê gì mà mê đắm vậy. Ưng thì vài bữa nữa ghé chợ”. Tôi chỉ cười xòa bởi biết cái hẹn “vài bữa” ấy mênh mang dữ lắm. Sài Gòn không thiếu chợ, nhưng chỗ trọ nơi chúng tôi ở thì xa chợ tít tắp mù khơi, siêu thị lớn cũng phải mất 30 phút chạy xe máy, đấy là chưa tính toán nếu kẹt xe. Với những đứa đi làm từ sáng đến tối mịt mới trở về nhà như chúng tôi, lựa chọn thường xuyên vẫn là các cửa hàng tiện lợi gần nhất.
Mà có khi, đứng giữa chợ xa xứ vẫn thấy lòng nao nao. Ừ thì, như lời bạn tôi, chợ nào mà chẳng giống chợ nào. Nhưng giống răng được khi phong vị Đà Nẵng đâu phải ở mô cũng có. Rồi ngay cả lúc ở quê, chợ này với chợ kia vốn dĩ cũng đã là những sắc màu riêng biệt. Mà cái khác ấy rất khó để diễn tả thành lời, bởi hương và vị của chợ phụ thuộc vào cảm xúc của mỗi cá nhân. Như là, tôi hay đùa vui gọi chợ Hàn là nàng tiểu thư đỏng đảnh, chợ Đống Đa tựa cô hàng xóm rôm rả, chợ Cồn lại nom dáng đứa bạn thân hay la cà, chợ đầu mối Hòa Cường giống người yêu cũ nửa gần nửa xa… Trong sắc màu đa thanh ấy, có một ngôi chợ chẳng xuất hiện trong danh sách 74 chợ do thành phố quản lý nhưng lại là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người dân Đà Nẵng. Đó là chợ Hàng Heo, một không gian văn hóa rất riêng giữa nội thành.
Gọi là chợ nhưng thật ra nơi đây là một phần “máu thịt” của chợ Cồn, gói gọn trong con hẻm băng ngang giữa đường Ông Ích Khiêm và đường Chi Lăng. Tôi đặt chân đến ngôi chợ có cái tên lạ lùng này lần đầu tiên khi đang là học sinh tiểu học. Hồi đó, trước khi trở lại nơi đất người làm ăn, má rủ tôi đi chợ Hàng Heo để mua ít đồ. Tôi thắc mắc mãi má cần mua heo mang theo làm gì cho chuyến xe đường dài nhiều trúc trắc. Đặt chân đến chợ mới hay mình “bé cái lầm”. Chợ rôm rả đủ các mặt hàng. Theo chân má rảo từ đầu đến cuối con hẻm áng chừng dài 100m, rộng 4,5m, tay của hai má con càng lúc càng trĩu nặng.
Cứ vậy, như một thói quen, trước mỗi chuyến tha hương lập nghiệp của má, tôi lại lót tót theo phụ cầm đồ sắm được ở chợ Hàng Heo. Khi thì má lấy mớ lá thuốc giùm mấy người bạn, lúc lại sắm cái chổi để dành, lần thì mua ít đặc sản như ớt, bồ kết, quả gấc, nén… vừa sử dụng vừa làm quà. Lần nào đi, má cũng tấm tắc một câu đến nỗi tôi thuộc nằm lòng: “Chẳng đâu như đồ quê mình…”.
Đồ quê mình, ba cái chữ giản dị mà nằng nặng, nhất là với những ai biền biệt xa quê. Mà thật ra, với những người đang sinh sống ngay tại Đà Nẵng, đồ quê vẫn luôn nhiều trân quý. Nên chẳng xa lạ khi các tiểu thương thường hay níu khách bằng câu mời “của nhà trồng được” hay khách cứ hỏi đi hỏi lại “rau/thịt quê hả?”. Bao nhiêu năm, “đồ quê” vẫn luôn là một “thương hiệu” mà người bán thì tự hào, còn khách mua thì thương mến. Mà ưng đồ quê thì cứ tìm đến chợ Hàng Heo, vừa ngon vừa rẻ - như lời khẳng định chắc nịch của rất nhiều người thân tôi.
Chợ Hàng Heo ăm ắp sản vật “quê”. Ảnh: T.A |
Yên bình giữa chộn rộn
Rồi tôi lớn dần, cũng trở thành một người xa xứ giống má. Khác chăng là tôi chẳng tay xách nách mang “quà” quê theo cùng những chuyến thiên di như má. Nhưng niềm thương về ngôi chợ dân dã ấy thì vẫn luôn yên vị một góc trong tim tôi. Bao nhiêu lần về quê là bấy nhiêu lần ngang chợ, nhưng chẳng mấy khi có nhiều thời gian để mà chầm chậm ngắm nghía những quầy hàng con con nép mình bên nhau đầy yên bình giữa không gian nhiều chộn rộn. Lần này, thư thả thời gian, mấy ngày liền, tôi đều ghé chợ, khi thì mua bó chè tươi, mớ rau, lúc thì nhặt ít sả, ít măng, ít lá dứa… Lần này, đến lượt ba tôi thắc mắc: “Chớ chợ gần nhà không đi, đi mô xa lắc rứa…”. Tôi lại cười, chẳng biết phải giải thích làm sao để tròn trịa cái cảm giác mông lung của ký ức.
Bữa ghé chợ ngày đầu tiên, tôi đứng tần ngần hồi lâu trước quầy lá chuối mặt đường Ông Ích Khiêm ngắm người mua người bán đổi trao hàng hóa mà chẳng một tiếng nói. Sự lặng thinh giữa nhịp xôn xao của chợ búa là minh chứng rõ nét cho cái thân tình, gắn bó. Thảng hoặc mới nghe tiếng nói, lại chẳng phải thăm dò giá hay mặc cả mà là lời hỏi han, tâm sự. Chị Nguyễn Thị Kiều Trinh (40 tuổi, ngụ quận Sơn Trà) xởi lởi: “Cứ hai ngày chị ghé một lần lấy lá, quen mặt cả rồi. Mà mua ở đâu cũng không ưng bằng mua ở đây vì lá tươi mới, phần vì người bán cũng dễ thương…”.
Vừa thoăn thoắt cân ký, cột lá cho khách, cô Ngô Thị Lệ (58 tuổi, ngụ quận Thanh Khê) vừa tâm sự chân thành: “Cô bán ở đây là 35 năm rồi, từ lúc còn chạy xe đạp lóc cóc rồi chuyển sang xe máy, cho đến chừ xe tải chở đến. Hồi đó cô bán đủ thứ, từ bầu, bí, rau củ… Vườn nhà ở Hòa Châu (huyện Hòa Vang) trồng được gì thì mang ra bán cái đó. Giờ lớn tuổi rồi, sức khỏe không còn nhiều, cô tập trung bán lá chuối, lá dứa và sả thôi…”. Cô bảo, cũng nhờ buôn gánh bán bưng ở chợ mà cô nuôi lớn hai người con. Con dâu đầu về nhà chồng cũng phụ giúp cha mẹ giao lá cho các khách sỉ gói bánh.
Rời không gian dịu dàng của cô chủ lá chuối, tôi vừa chớm bước chân thì chị Nguyễn Thị Thanh Tùng (SN 1984, ngụ quận Thanh Khê), chủ một quầy thuốc nam đon đả rao mời. Tôi lắc đầu, nhẹ nhàng bảo em chỉ đi dạo chợ. Rứa mà chị vẫn tíu tít bắt chuyện. Chị kể, gia đình chị buôn bán ở đây áng chừng 36 năm rồi, từ thời bà nội đến mẹ, chú rồi giờ là chị và các anh chị em trong nhà. Riêng chợ Hàng Heo có 2 tiệm thuốc nam của gia đình chị, do chị và một người chị khác kinh doanh. “Hồi đó, bà nội thường đi lặn lội khắp các rừng để tìm dược liệu chữa bệnh. Dần dà, nội mở tiệm rồi truyền nghề. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác mà lớn lên với mùi lá thuốc và hương quen của chợ…”, giọng chị rổn rảng. Đang trò chuyện thì khách ghé, góp thêm lời: “Đà Nẵng ni mà cần tìm thuốc nam thì đến Hàng Heo là đúng rồi, không trật đi mô được mô. Tui mua thuốc ở đây cũng dễ mấy chục năm rồi, cần chi cũng có, không cần tìm ở mô cho cực”.
Khách ghé càng lúc càng đông, tôi ngại ngần chào để nhường không gian nhỏ tiện việc mua bán. Chị vẫn niềm nở đến phút cuối: “Hôm mô rảnh thì cứ ghé quầy chơi. Chợ bao giờ cũng vui như ri. Chừng nào có nhu cầu thì mua chớ không răng hết, em nghe”. Có lẽ, chẳng riêng chị, cái chân chất ấy thắm đượm trong từng tiểu thương của khu chợ nhỏ. Cái chân chất ấy là khi mẹt của quầy này gối lên thúng của quầy kia mà nương tựa nhau qua bao mùa mưa nắng, như hai sạp hàng con con của bà Lê Thị Quảng (65 tuổi, ngụ quận Cẩm Lệ) và chị Trần Thị Năm (54 tuổi, quê Quảng Nam).
“Con tui bốn mươi tuổi là tui bán ở đây bốn mươi năm rồi. Mùa nào bán thức đó, đợt ni thì có dăm bó chè, mớ măng… Ngó chừng chút chút rứa mà cũng có cơm ăn à”, bà Quảng chia sẻ bằng chất giọng sang sảng đặc trưng của những người con dải đất miền Trung. Quen với không khí những buổi chợ ở con hẻm nhỏ này, bà cần mẫn dọn hàng mỗi ngày dù tuổi đã cao. Bà bảo, vắng chợ một buổi thôi là buồn xo nên bận việc hay hơi mệt cũng luôn cố gắng sắp xếp để đi bán.
Rồi chỉ sang “người bạn” của mình, bà chọc vui: “Tui răng mà cực bằng cổ, ngày mô cũng làm siêng, đi 80 cây số ra đây bán đó”. Nghe nhắc đến mình, chị Năm cười sảng khoái kể: “Tờ mờ sáng, hai vợ chồng đèo nhau bằng xe máy ra đây. Cô bán ở chợ còn chồng cô ghé ngã ba Huế chăm cháu nội. Đến trưa thì chồng cô ghé chở về. Chiều thì về quê làm vườn, trồng rau. Ngày mô cũng như ngày nớ rứa…”. Cái duyên gắn bó với chợ Hàng Heo rồi xem nơi đây là mái nhà thứ hai của chị khởi phát từ người bạn cùng quê. “Hồi nớ cô biết chi mô, chỉ làm nông ở Đại Lộc. Rồi bạn dẫn đi, chỉ cách buôn bán ở chợ Hàng Heo ni. Bán buôn riết rồi quen chỗ, biết là xa mà không ưng đổi…”, chị Năm cười.
Phải lòng chốn hiền hòa
Chẳng riêng gì các tiểu thương “mê” chợ dù ở xa mà ngay cả khách mua cũng lỡ phải lòng nơi chốn hiền hòa này. Cũng vì thế, lội chợ đôi ngày mà chạm mặt người quen cũng dăm lần. Gặp ai cũng rôm rả câu chào quen thuộc: “Con/em/mi đi mua chi rứa?” rồi giơ cái túi kể đủ chuyện trên trời dưới đất. Từ chuyện chợ có cái chi đặc sắc, rồi quầy mô có món ngon, đến chuyện hàng nào mối quen… Đến chợ, đâu chỉ mua mớ rau, miếng thịt. Đến chợ, còn để thương cái nghĩa, cái tình; để vui với những chạm mặt dung dị… Rứa đó, răng mà không nhớ không thương chợ quê cho được?!
Cái tên chợ Hàng Heo xuất phát từ việc trước kia nơi đây là điểm tập kết heo từ các nơi chuyển về trước khi bán cho lò mổ hoặc cho người có nhu cầu chăn nuôi. Sau năm 1975, chợ ngừng kinh doanh heo, chuyển đổi sang các cửa hàng thuốc nam, các ki-ốt buôn hành, tỏi cũng như các sản vật của tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận. Chợ nhộn nhịp từ lúc 4 giờ sáng đến xẩm tối nhưng riêng các sạp hàng “đồ quê” thì chỉ mở đến tầm trưa vì các tiểu thương còn tranh thủ cho chặng đường xa về nhà. |
TRÂM ANH