Quá Hải Vân quan

.

Thuở nhỏ, không hiểu vì sao trong mường tượng của tôi, vùng đất từ đèo Hải Vân trở vào sao mà thăm thẳm xa xôi. Cứ nghĩ về một cách sống khác dẫu cũng ở ngay trên dải đất chữ S thân yêu. Rồi năm đầu tiên thi đại học, biết lực học mình không thể đua được ở kinh đô hay ở xứ Nghệ “địa linh nhân kiệt”, nên tôi chọn xứ Huế mộng mơ và mảnh đất Đà Nẵng để thử sức. Lần đầu, ngồi trên xe khách đường dài, được trải nghiệm qua đèo Ngang (Hà Tĩnh), phà Quán Hàu (Quảng Bình) và đặc biệt đèo Hải Vân tôi cảm giác mình là kẻ lữ thứ như Bà Huyện Thanh Quan mới qua khỏi cổng làng đã u hoài một nỗi nhớ nước thương nhà.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lần ấy, vội thi rồi trở ra Huế nên tôi chưa có ấn tượng gì. Bẵng đi thời gian, trở về quê dạy học, tình cờ tôi lại được vào Đà Nẵng trong một chuyến tập huấn giáo dục. Đó là hè năm 2014, khi Việt Nam tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Pisa) do tổ chức OECD thực hiện. Để chuẩn bị cho đợt khảo sát diễn ra năm 2015 trên toàn thế giới, Đà Nẵng được chọn là địa phương tập huấn cho các giáo viên và nhà quản lý giáo dục của các trường có học sinh được chọn. Và chỉ trong gần một tuần ngắn ngủi, Đà Nẵng như chén rượu “hồng đào” ngấm dần cơn say cho tôi trong ngày trở lại.

Đà Nẵng lúc ấy đã được mệnh danh là thành phố đáng sống. Và cho đến nay, thành phố vẫn đang xác định những tiêu chí ấy một cách cụ thể nhằm phục vụ cho các định hướng mang tính chiến lược, phù hợp tình hình thực tiễn của thành phố để giữ vững danh hiệu ấy. Thành phố đáng sống bây giờ thành một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi, nhiều thành phố đang phấn đấu để đạt được, có nhiều phương diện để đánh giá cho sự đáng sống của một nơi, nhưng hiểu một cách đơn giản nhất thì nơi thực sự đáng sống khi có được sự yên lòng của người trong nhà và sự hài lòng của người ngoài đến. Đà Nẵng đã làm được điều đó từ lâu.

Từ lần tập huấn năm 2014 hay kể cả khi đi du lịch cùng cơ quan 6 năm sau, trong tôi vẫn có cùng một cảm nhận về Đà Nẵng. Người thích vẻ hiện đại thì có thể tìm đến nơi thành phố của những cây cầu, của tuyến cáp treo giữ nhiều kỷ lục thế giới trên con đường lên tiên cảnh Bà Nà hills. Người yêu thiên nhiên thì có thể khám phá bãi biển đẹp nhất hành tinh dài tới 60km. Người ưa hoài niệm thì có thể tìm về phố cổ hay đi theo con đường di sản mà thành phố là điểm trung tâm. Người thích náo nhiệt thì đến với lễ hội pháo hoa, người yêu ẩm thực thì thỏa mãn nhu cầu bởi trung tâm ẩm thực miền Trung. Với tôi, Đà Nẵng đáng sống, đáng yêu bởi cái khí chất, cách sống của con người xứ Quảng.

Thành phố dù có phát triển đến đâu, sở hữu những công trình ngày càng hiện đại thì tính cách của người dân bản địa nơi đây vẫn không hề thay đổi. Nét quyến rũ của Đà Nẵng ở bầu không khí thư thái không quá xô bồ, hiện đại mà vẫn bình dị. Lãnh đạo nơi đây không chú trọng vẻ hào nhoáng bên ngoài để thu hút du khách mà ở những định hướng cho người bản xứ. Từ bảo đảm an sinh xã hội, duy trì mức sống hợp lý cho mọi tầng lớp, thành phố không người ăn xin hay chỉ đơn giản như việc mạng wifi miễn phí phủ sóng khắp nơi cũng đủ tạo nên một sự tin tưởng lạ kỳ.

Ta tìm thấy sự thân thiện của người Đà Nẵng có thể từ giọng nói đặc trưng khó lẫn. Có phải vì nguồn gốc của vương quốc Chămpa xưa hay sự hợp lưu của vùng thương cảng sầm uất trong dĩ vãng. Những con người chịu thương chịu khó, nét mặt rạng rỡ, nụ cười thân thiện, toát vẻ chân chất, hiền lành mà bộc trực. Tôi nhớ vẻ lịch sự của anh lái xe taxi khi nhã nhặn từ chối lời mời (rất chân thành) của chúng tôi vào quán để cùng dùng bữa rồi lặng lẽ lên xe cùng ổ bánh mì và chai nước suối. Tôi nhớ sự nhiệt tình của anh xe ôm khi đưa chúng tôi đi tìm quán photocopy có scan để gửi con dấu từ xứ Nghệ vào. Tôi nhớ sự chu đáo nhiệt tình của anh bảo vệ trên cầu vượt ngã ba Huế. Lúc ấy, năm 2014, cầu sắp khánh thành, buổi tối cấm người qua lại. Nhưng khi biết chúng tôi từ Nghệ An vào muốn tận mắt chứng kiến cây cầu vượt ba tầng đầu tiên, công trình hiện đại nhất Việt Nam lúc bấy giờ đã không ngần ngại chỉ dẫn nhiệt tình, còn cho chúng tôi mượn ô khỏi mưa ướt. Tôi nhớ cái ôm thật chặt của người bảo vệ với một em bé du khách khi vừa lảo đảo bước ra khỏi buồng cáp treo, nhớ chai nước anh lễ tân dúi vào tay khi chúng tôi đi uống rượu trở về. Nhớ cả ánh mắt đầy tự hào của một người dân thư thái đi tập thể dục ven sông Hàn. Sự sạch sẽ của thành phố đến nỗi tôi phải kiêng cả hút thuốc bởi không muốn gạt tàn trên những con đường thơ mộng ấy.

Chắt lọc, hội tụ tinh hoa của núi sông, trời biển; nhưng chính sự gom góp lặng thầm cho quê hương của con người nơi đây mới khiến cho Đà Nẵng đáng sống để rồi “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Vẻ đẹp tiềm ẩn ấy sẽ đưa Đà Nẵng vượt qua mọi trở ngại để trở thành thành phố đẹp dáng rồng bay.

ĐINH HẠ

;
;
.
.
.
.
.