Review quảng bá ẩm thực, du lịch

.

Thời gian gần đây, công việc “review” (giới thiệu, nhận xét) quán ăn, địa điểm vui chơi tại Đà Nẵng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Trong đó, phải kể đến những cái tên quen thuộc như Trung Bùi, Thảo Lu hay Tiktoker Khánh Đà Nẵng...

Trung Bùi trong một lần review món ăn tại Đà Nẵng. Ảnh: NVCC
Trung Bùi trong một lần review món ăn tại Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Từ yêu thích đến làm nghề

Trên mạng xã hội chúng ta dễ dàng bắt gặp những kênh chuyên quảng bá hàng quán, món ăn, địa điểm du lịch… do người dùng trực tiếp trải nghiệm và giới thiệu. Tính chân thực, sinh động, mang màu sắc, cá tính riêng của từng reviewer giúp những đoạn video giới thiệu cuốn hút người xem. Mỗi đoạn clip ngắn 1-2 phút có thể thu hút cả triệu lượt xem và tương tác.

Anh Bùi Minh Trung (32 tuổi), chủ kênh Tiktok, Facebook, Instagram Trung Bùi chuyên giới thiệu nhà hàng, quán ăn có hàng chục nghìn lượt theo dõi đã bén duyên với công việc này được 6 năm. Quê Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), nhưng Trung Bùi đã gắn bó với Đà Nẵng gần 10 năm. Vốn là một đầu bếp với hơn 5 năm kinh nghiệm nấu nướng, tìm hiểu hương vị các món ăn, Trung Bùi theo đuổi công việc của một nhà sáng tạo nội dung, chuyên review, chia sẻ những trải nghiệm thú vị về món ăn, địa điểm và những chuyến đi mà bản thân có cơ hội trải nghiệm.

Theo Trung Bùi, để giữ lửa đam mê với công việc review, trước tiên bạn phải thực sự yêu nghề. Nhiều người cho rằng, nghề review đơn giản là đến các quán ăn, thưởng thức đồ ăn ngon, chụp vài tấm ảnh về đăng lên mạng xã hội. Thế nhưng, đi sâu vào nghề, mới thấy công việc này có không ít khó khăn, thử thách. “Tôi xuất thân đầu bếp nên rất thích những món ăn. Tuy nhiên, tôi vẫn phải thường xuyên trau dồi kiến thức, không chỉ về ẩm thực, mà còn về lời ăn, tiếng nói, văn phong lẫn kỹ thuật quay - chụp sao cho ra được những hình ảnh và thước phim xuất sắc nhất”, Trung Bùi chia sẻ.

Tương tự, Văn Phương Thảo (28 tuổi), quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, chủ kênh Tiktok Lu Thảo với 94.000 lượt theo dõi đã gắn bó với công việc này gần 4 năm. Thảo vốn làm việc trong lĩnh vực khách sạn. Thời điểm Covid-19 bùng phát, cô phải nghỉ việc do khách sạn ngừng hoạt động. Thời gian ở nhà, Thảo Lu thường xuyên vào bếp, nấu các món ăn mình yêu thích và quay video đăng lên kênh Tiktok cá nhân. Cô không ngờ những đoạn video mình chia sẻ được nhiều người quan tâm, yêu thích. “Ban đầu mình chỉ nấu ăn rồi quay clip đăng lên Tiktok cho vui thôi. Không ngờ chất giọng Quảng Nam - Đà Nẵng thu hút sự chú ý của mọi người. Người khen, người chê, nhưng mình vẫn rất vui và tự hào vì được mọi người quan tâm, ủng hộ. Các video trở nên “viral” (nổi tiếng) khiến mình nghiện làm clip luôn”, Thảo Lu nhớ lại cơ duyên đưa cô đến với công việc review món ăn, quán sá.

Theo Thảo Lu, các kênh review tại Đà Nẵng mọc lên như nấm sau mưa, số lượng tiktoker, reviewer ngày càng nhiều. Để sản phẩm của mình lan tỏa trên mạng xã hội, được nhiều người quan tâm, nữ tiktoker phải thường xuyên cập nhật các trào lưu, xu hướng, không ngừng đổi mới cách làm để níu giữ người dùng mạng xã hội ở lại với kênh của mình. Áp lực, thử thách ngày càng lớn, nhưng đây cũng là điều khiến Thảo Lu cảm thấy thích thú và mong muốn gắn bó lâu dài với công việc đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới liên tục này.

Lan tỏa những điều tích cực

Tại Việt Nam, người trẻ có xu hướng đặt niềm tin vào các video review trên mạng xã hội. Nhiều người rủ nhau đi ăn uống sau khi xem xong các clip giới thiệu. Tuy nhiên, theo các tiktoker chuyên nghiệp, tình trạng biến tướng đang dần diễn ra khi nhiều người làm công việc review bắt đầu câu view, câu like bằng những hành động tiêu cực, như liên tục chê bai đồ ăn, thức uống của quán với lời lẽ và biểu cảm thái quá. Thậm chí, nhiều reviewer mới nổi còn chọn cách làm nội dung không chính xác, “thị phi” để hút tương tác.

Tikoker Trung Bùi bày tỏ quan điểm: “Mình hoàn toàn không đồng tình và lên án gay gắt những hình động này. Bản thân mình luôn muốn lan tỏa những điều tích cực, khách quan. Đừng lấy lý do kênh riêng của mình mà bạn muốn nói gì thì nói, hay thoải mái thể hiện quan điểm cá nhân. Nó chỉ đúng khi bạn đặt video ở chế độ riêng tư, còn khi đã đăng lên kênh để mọi người cùng xem và có ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân hay tổ chức khác, thì cần phải xem lại”.

Trong công việc này, theo Trung Bùi, nếu bạn khen thái quá thì không còn khách quan mà trở thành quảng cáo, có thể khiến người theo dõi cảm thấy như bị lừa khi trải nghiệm thực tế. Ngược lại, nếu chê hay phê phán theo quan điểm cá nhân thì thành bóc phốt, không còn là review nữa.

Theo Tiktoker Mai Quang Khánh (27 tuổi), chủ nhân kênh Tiktok Khánh Đà Nẵng có 86.000 người theo dõi, trong công việc review, tính khách quan, chân thực là điều nên được ưu tiên hàng đầu. “Bản thân mình luôn không ngừng sáng tạo nội dung mới, tránh đi theo lối mòn. 9 người 10 ý, đôi khi bản thân ăn thấy ngon, nhưng khi khách đến trải nghiệm lại thấy tệ vì khẩu vị khác nhau; đôi khi clip dày công thực hiện bị chê cũng buồn. Nhưng trước sau, mình vẫn luôn tâm niệm phải làm nghề bằng cái tâm, đặt sự tử tế, ưu tiên yếu tố khách quan, chân thực lên hàng đầu. Điều này vừa là sự tôn trọng dành cho những người ủng hộ mình, vừa là tâm huyết, tình yêu của mình dành cho công việc”, Khánh tâm sự.

Có thể nói, trong thời đại công nghệ 4.0, các kênh Tiktok góp phần lớn trong việc quảng bá văn hóa, ẩm thực, du lịch Đà Nẵng đến người dân, du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, với những tikkoker chân chính, họ luôn muốn chia sẻ, lan tỏa những điều tích cực, với mối quan hệ cộng tác, đôi bên cùng có lợi.

NGÂN HÀ

;
;
.
.
.
.
.