Hiện nay, trên nhiều phương tiện thông tin, có một hiện tượng đáng buồn, đáng lo ngại, đó là viết sai, hiểu sai từ Hán Việt. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở lớp trẻ, ít vốn liếng về từ ngữ gốc Hán mà còn ở các học giả, giáo sư, người làm báo, thầy cô giáo... Do vậy, việc dùng sai từ Hán Việt trong đời sống nói chung, trên báo chí nói riêng vốn là câu chuyện không mới nhưng vẫn phải thường xuyên chấn chỉnh.
Ngôn ngữ vốn phong phú, sinh động, vì nó là máu thịt của cuộc sống. Cho nên, cách khai thác, truyền đạt ngôn ngữ phải vừa đáp ứng yêu cầu khoa học vừa thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, đưa người học từng bước đi vào chiều sâu của ngôn ngữ, của tiếng Việt. Ảnh: ST |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến tiếng Việt. Người có nhiều ý kiến về việc giữ gìn tiếng nói dân tộc, sao cho thứ của cải đó ngày càng đẹp đẽ hơn. Tại hội nghị những người viết báo, tổ chức vào ngày 8-9-1962, trong bài nói chuyện với các nhà báo, Bác nói: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Trong những nhà lãnh đạo đất nước ta, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người nói và viết nhiều nhất, tâm huyết nhất về vẻ đẹp của tiếng Việt. “Tiếng ta giàu và đẹp, nó sẽ giàu và đẹp hơn nữa nếu chúng ta biết giữ nó, dùng nó và phát triển nó. Chúng ta phải cố gắng làm tốt việc đó” (Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1980, trang 37).
Phát biểu tại hội nghị khoa học Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 26 đến 30-10-1979, mở đầu bài nói chuyện, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu: “Tôi xin lấy tư cách một người rất thiết tha với sự trong sáng của tiếng Việt nhiệt liệt chào mừng các đồng chí là những người cũng đều rất thiết tha với sự nghiệp quan trọng này” (Sdd, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1980, trang 50).
Hiện tượng thiếu trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ, như đã nêu, không còn riêng lẻ nữa. Việc sử dụng tiếng Việt có yếu tố gốc Hán sai về nghĩa, về chính tả diễn ra hằng ngày. Chúng ta biết, từ gốc Hán trong tiếng Việt chiếm tỷ lệ cao, tuy chưa có thống kê chính xác, theo Henri Maspéro (giáo sư chuyên nghiên cứu về phương Đông người Pháp. Năm 1908, ông đến Hà Nội theo học tại Viện Viễn Đông Bác cổ. Trong thời gian này ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, ngôn ngữ Việt Nam) là 60%, theo Lê Xuân Thại (nguyên Tổng Biên tập tạp chí Ngôn ngữ) là 40%. Do vậy, đã từ lâu, giới ngữ học Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề chữ Hán trong tiếng Việt. “Dùng đúng, dùng tốt tiếng ta có thể đem lại những lợi ích về nhiều mặt” (Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1980, trang 33). Song, mong muốn này không dễ đáp ứng, dù nhiều nỗ lực của các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà văn, nhà báo.
Sau đây, xin nêu số trường hợp về việc sử dụng từ gốc Hán sai về nghĩa, về chính tả. Điều làm ta ngạc nhiên, không thể hiểu nổi, đó là sai về sử dụng từ Hán Việt của giáo sư Vũ Khiêu. Trong một bài minh khắc trên đại hồng chung ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Bài minh có 4 câu như sau:
“Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ/ Dạt dào Đông Hải khí anh linh/ Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/ Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”. Câu thơ thứ ba (Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí), có chữ “chiêu”, hiểu theo nghĩa sớm, không đúng, phải là triêu mộ (triêu là sớm, mộ là chiều), nghĩa: sớm chiều. Hồ Xuân Hương có hai câu thơ: “Ba hồi triêu mộ chung gầm sóng/ Một vũng tang thương, nước lộn trời”. Trong Nhật ký trong tù, Bác có bài thơ Mộ (Chiều)
Hãy xem các sách sau giải nghĩa từ triêu. Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, NXB Văn hóa Thông tin, 2005, trang 919, giải nghĩa chữ triêu: buổi mai. Triêu chung: tiếng chuông buổi mai. Thiều Chữu, Hán Việt tự điển, NXB Đà Nẵng, 2005, trang 268, triêu: sớm, sáng mai. Hán Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1960, trang 1028, giải nghĩa: triêu: Buổi sớm, sáng mai. Lẽ ra, giáo sư Vũ Khiêu phải viết “triêu mộ” mới chính xác.
Vậy mà, cái sai này, trong sách Hồ Chí Minh ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam, (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004) mục “Văn bia, hoành phi, câu đối, bài minh tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ”, chính GS Vũ Khiêu đã chú thích một cách rõ ràng, như sau:
“Ba hồi chiêu mộ nói lên ba hồi chuông vào buổi sáng và buổi chiều (chiêu là buổi sáng, mộ là buổi chiều)”. Than ôi! Nghĩa là, giáo sư Vũ Khiêu vẫn không nhận ra cái sai giữa chiêu mộ và triêu mộ.
Hiện nay, các bài viết về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, vẫn trích dẫn cái sai như đã nêu trên.
Ta cũng thường bắt gặp cái sai của các công ty du lịch, của hướng dẫn viên du lịch khi giới thiệu các chuyến lữ hành thường viết không chuẩn về từ “Tham quan”: Tham: dự vào, quan: xem xét. Tham quan: đến một nơi nào để xem xét, nhằm mở rộng hiểu biết (Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ Hán Việt, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1989, trang 630). Vì thế, nhiều người, kể cả báo chí, do không nắm ngữ nghĩa của từ, nên nói hoặc viết từ tham quan thành thăm quan, sai và hoàn toàn vô nghĩa.
Có một từ mà nhiều người dùng sai, đọc sai, đó là từ yếu điểm và điểm yếu. Yếu điểm là từ gốc Hán.
Trong Hán Việt từ điển giản yếu, NXB Văn hóa Thông tin, 2005, trang 372, Đào Duy Anh giải nghĩa từ Yếu điểm: Chỗ trọng yếu. Ông còn chú thêm bằng tiếng Pháp: point important.
Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, 2005, trang 1169), cũng giải thích: Yếu điểm: Điểm quan trọng nhất. Nhấn mạnh những yếu điểm của vấn đề. Một yếu điểm quân sự. Còn Điểm yếu là danh từ dùng để chỉ những điểm hay sự vật, hiện tượng dễ bị tổn thương, nhỏ nhắn, yếu ớt, không quan trọng lắm. Ngoài ra, nó còn chỉ những mặt chưa tốt, không giỏi và còn bị hạn chế.
Đây không phải là hiện tượng viết sai chính tả. Yếu điểm và Điểm yếu - hai từ hoàn toàn đúng chính tả. Có điều là, giữa chúng có sự khác biệt về nghĩa và được sử dụng trong những ngữ cảnh khác nhau. Chỉ cần đổi vị trí của hai từ “yếu” và “điểm”, ta đã được hai từ mới với ý nghĩa trái ngược nhau. Những từ thường được ghép với “yếu” đồng nghĩa với yếu điểm: hiểm yếu, tất yếu, chủ yếu, trọng yếu, yếu lược, yếu lĩnh, thiết yếu, nhu yếu phẩm… Những từ thường đi đôi với “yếu” đồng nghĩa với điểm yếu: yếu kém, yếu thế…
Thêm một từ, thường viết sai và hiểu sai. Đó là từ Hằng và Hàng. Nhầm lẫn này, đến nay, có nguy cơ Hàng sẽ thay Hằng trong nói và viết, kể cả trong các văn bản có tính pháp quy của Nhà nước. Hằng, từ gốc Hán, có nghĩa Thường. Thiều Chữu, Hán Việt tự điển, NXB Đà Nẵng, 2005, trang 199, giải nghĩa Hằng: thường. Còn Hàng: Bày ra từng dãy - Thứ tự - Chỗ bán hàng hóa (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, NXB Văn hóa Thông tin, 2005, trang 313). Chẳng hạn, Hằng ngày là chuyện xảy ra mỗi ngày. Báo xuất bản mỗi tuần một lần là báo hằng tuần. Tạp chí ra mỗi tháng một số, tạp chí hằng tháng. Vì vậy, cần viết đúng và không thể thay từ hằng bằng từ hàng như đã diễn ra lâu nay.
Cũng vậy, đối với việc ghép hai từ “xán” và “lạn” với nhau thành “xán lạn” là một tính từ mang ý nghĩa tích cực để nói về một điều tươi sáng, rực rỡ, đẹp đẽ. Như vậy, “sáng lạng” hay “sáng lạn”, “sán lạn” đều là cách viết sai. Ở đây, viết đúng phải là “xán lạn”.
Nói đúng - viết đúng
Để viết đúng, nói đúng, tiến tới viết hay tiếng Việt nói chung, tiếng Việt có yếu tố gốc Hán nói riêng, theo tôi cần:
Thứ nhất, tài liệu chuẩn hóa. Như chúng ta biết, để thống nhất trong công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách giáo khoa (SGK), năm 2003, NXB Giáo dục Việt Nam cho ấn hành tập “Sổ tay biên tập sách giáo dục”. Sách được tái bản, bổ sung… dành cho các biên tập viên, chế bản, sửa bản in dùng làm tài liệu tham khảo, nhờ vậy, có thể nói, SGK của NXB Giáo dục Việt Nam đạt chuẩn về tiếng Việt (ngữ âm, phiên âm, từ vựng, ngữ pháp). Đây là cách làm tốt của NXB Giáo dục Việt Nam. Chưa rõ các NXB khác có tài liệu tương tự dùng cho biên tập viên như NXB Giáo dục Việt Nam hay không!
Thứ hai, đổi mới phương thức và nội dung dạy - học về từ Hán Việt trong nhà trường phổ thông các cấp. Theo đó, có chuyên đề riêng về Dạy và Học từ Hán Việt trong công tác bồi dưỡng giáo viên, tăng số tiết luyện tập, thực hành, có thế, mới được như mong muốn của chúng ta về hiệu quả dạy và học môn tiếng Việt.
Mặt khác, tạo hứng thú cho học sinh về học tập bộ môn tiếng Việt. Một trong những nguyên nhân làm giảm hứng thú là nhiều bài học về tiếng Việt, trong đó có học về từ gốc Hán, thường khô khan, nặng về truyền thụ kiến thức. Thực ra, bản thân ngôn ngữ vốn đã phong phú, đa dạng và sinh động, vì nó là máu thịt của cuộc sống. Cho nên, cách khai thác, truyền đạt, cách vận hành của ngôn ngữ phải vừa đáp ứng yêu cầu khoa học vừa thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, đưa người học từng bước đi vào chiều sâu của ngôn ngữ, của tiếng Việt.
Thứ ba, phát huy vai trò của báo chí, tiếng Việt sẽ trong sáng hơn, chuẩn hơn, đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu: “Về cách nói, cách viết tiếng Việt nói chung, về việc giữ gìn sự trong sáng của nó, … trước hết là trách nhiệm của các nhà văn, nhà báo” (Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1980, trang 37, 38). Báo chí với vai trò là người đưa thông tin bằng ngôn từ thì việc sử dụng tiếng Việt càng phải cẩn trọng.
Thứ tư, bảo tồn vốn cổ: Hiện nay, tại các thôn xóm, làng xã, tộc họ trên địa bàn cả nước nói chung và tại thành phố Đà Nẵng nói riêng có nhiều sắc phong, liễn đối, hoành phi nằm trong các đình, chùa, miếu mạo… cần được phiên dịch, giới thiệu, bảo tồn… Mục đích, giữ được các giá trị lịch sử và văn hóa của một địa phương, một vùng đất, rộng hơn là của dân tộc. Việc dịch, số hóa và giới thiệu Di sản Hán Nôm tại Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng, 2015) của Hồ Tấn Tuấn, Sắc phong ở Đà Nẵng của Lê Xuân Thông, Đinh Thị Toan, (NXB Đà Nẵng, 2021, tái bản) là những đóng góp đáng ghi nhận về bảo tồn vốn cổ, di sản văn hóa quý báu của cha ông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Rất mong, thời gian đến có thêm những công trình tương tự.
Phạm Duy trong bài Tình ca, có những ca từ ngợi ca về tiếng Việt tha thiết, ân tình:
Tôi yêu tiếng nước tôi
Từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!
Nhà thơ Lưu Quang Vũ trong bài thơ Tiếng Việt, có những dòng thơ hay, cảm động:
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời
Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Nhớ quặn lòng Tiếng Việt tái tê ...
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình.
Giáo sư Hoàng Phê, chuyên gia hàng đầu của ngôn ngữ học Việt Nam, từng nói: “Tiếng Việt là tiếng mẹ. Tiếng Việt còn trong mỗi người thì hồn Việt còn. Người Việt còn thì còn nước non, dân tộc…”.
“Cho nên giữ gìn sự trong sáng của tiếng ta, dùng đúng, dùng tốt tiếng ta có thể đem lại những lợi ích về nhiều mặt” (Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1980, trang 33).
HUỲNH VĂN HOA