Việc hỗ trợ xây mới hay sửa chữa nhà ở cho những gia đình có công cách mạng là việc làm ý nghĩa, thiết thực giúp họ có chốn đi về ấm áp và nơi thờ tự khang trang hơn.
Vợ chồng ông Ngô Trường Tần và bà Ông Thị Thuận (thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến) vui mừng trong ngôi nhà mới để thờ tự liệt sĩ Ngô Trường Thái khang trang hơn. Ảnh: H.T.V |
Niềm vui trọn vẹn
Vợ chồng ông Ngô Trường Tần (87 tuổi) và bà Ông Thị Thuận (85 tuổi, thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến) là ba mẹ của liệt sĩ Ngô Trường Thái hy sinh năm 1979 ở chiến trường Campuchia. Khi tôi cùng anh Nguyễn Văn Hiền, cán bộ phòng Lao động, Thương binh và Xã hội xã Hòa Tiến đến nhà chỉ có bà tiếp chuyện còn ông vì tuổi già nên nằm một chỗ, mờ hai mắt và lãng tai nặng. Chỉ khi nào có người dìu thì ông mới ngồi dậy vài phút. Bà Thuận trầm ngâm nói, liệt sĩ Thái hy sinh khi tròn 30 tuổi, vợ còn dại, con còn thơ.
Kể từ ngày ấy, vợ chồng bà sống bên vách tre làng với nỗi niềm nhớ con khôn nguôi cùng căn nhà xưa đầy ắp kỷ niệm của liệt sĩ Thái lúc còn sinh thời. Mỗi lần nhớ con, nhìn cháu ông bà không kìm lòng mình, nhưng nghĩ đến nghĩa vụ thiêng liêng của đất nước thì bà tự an ủi rằng chắc hẳn đó là điều mà liệt sĩ Thái rất hạnh phúc.
“Trước đây, vợ chồng tôi làm nông nghiệp, cuộc sống bữa đói bữa no. Hiện vợ chồng sống nhờ trợ cấp hưởng tuất của con trai và người cao tuổi. Tôi đau ốm liên miên, mổ tim 2 lần, mỗi khi trái gió trở trời các khớp đau nhức đi lại khó khăn. Ba người con còn lại gia cảnh cũng nghèo khó nên không thể hỗ trợ ba mẹ. Vì vậy, ngôi nhà cũ xuống cấp từ lâu, tường bung, ngói mục, nền xi măng vỡ bung bét nhưng chúng tôi chưa đủ khả năng sửa chữa. Nơi gian thờ con trai mỗi khi mưa to là dột ướt, chúng tôi phải lấy thau hứng, chốc chốc lại lau dọn, nhìn di ảnh, bát nhang con lem nhem nước mà đau lòng. Nhờ sự hỗ trợ 30 triệu đồng từ chính quyền, chúng tôi mới dám thay một phần ngói, ốp gạch sàn nhà và ốp gạch tường. Đó là điều chúng tôi trân quý vô cùng bởi chỉ mong những ngày cuối đời có nơi sạch sẽ, khang trang để thờ tự con trai ấm áp hơn”, bà Thuận bộc bạch.
Mỗi cuộc đời, mỗi gia đình lại có một hoàn cảnh riêng, vợ chồng bà Thuận sống trong nỗi nhớ con thì ông Trần Chung (59 tuổi, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) lại day dứt khi ba hy sinh lúc ông chỉ là một cậu bé 8 tuổi. Có đôi lần ông mường tượng, tô vẽ hình ảnh ba nhưng gương mặt, giọng nói, hình hài ba vẫn còn quá mỏng manh trong ký ức non nớt của một đứa trẻ. Tôi đến thăm khi ông còn đi khập khiễng bởi cơn tai biến năm ngoái khiến ông bị liệt nửa người.
Ông kể, ba mẹ ông có 2 người con, ông là con út. Ba ông là liệt sĩ Trần Hữu Kiểu, hy sinh năm 1973 tại tỉnh Tây Ninh; mẹ ông mất gần 3 năm hơn vì bạo bệnh. Suốt 50 năm qua, ông chỉ gặp ba qua giấc mơ vội vàng, còn nỗi nhớ ba thì không thể nói trọn. Ông có ước mơ đơn giản được gọi hai tiếng “Ba ơi” như bao người khác nhưng lại khó vô vàn.
“Bây giờ, tôi chỉ có thể gặp ba thông qua bức ảnh thờ. Chục năm qua, ngôi nhà cấp 4 ba mẹ để lại bị hư hại, từng mảng ngói vỡ, bức tường cũng dần bong vữa, thấm nước tứ phía, khiến tấm ảnh thờ đôi lần nhạt màu, tróc gỗ. Vì vậy, tôi quyết định xây mới ngôi nhà để có nơi cao ráo, tươm tất hương khói ba, mẹ. Nhờ sự giúp đỡ của quận hỗ trợ 60 triệu đồng, tôi mới có thể hoàn thành ngôi nhà. Tôi vô cùng cảm ơn các cấp đã giúp đỡ tôi nói riêng và những hoàn cảnh giống tôi nói chung có nơi ở khang trang để ngày 27-7 sắp tới được trọn vẹn nỗi nhớ về người ba, người mẹ hay người con của mình”, ông Chung xúc động nói.
Sửa chữa, xây mới hàng trăm ngôi nhà
Nói về vấn đề hỗ trợ sửa chữa và xây mới ngôi nhà cho gia đình có công cách mạng, ông Lâm Tiến Sĩ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện Hòa Vang cho biết, trong năm 2022, huyện huy động mọi nguồn lực hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà cho gia đình chính sách vượt số lượng thẩm định. Tổng số 215 nhà, kinh phí 8,35 tỷ đồng (135 nhà sửa chữa và 80 nhà xây mới) đã hoàn thành tạm ứng, kiểm tra, thủ tục thanh quyết toán. Đồng thời, Huyện ủy phối hợp các ngành liên quan và địa phương thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách chăm lo đời sống đối với người có công cách mạng.
Trong dịp lễ Tết, ngày 27-7 hằng năm, gia đình chính sách đều được thăm hỏi, tặng quà. Song song, Huyện hoàn thành việc nâng cấp các hạng mục của 3 công trình nghĩa trang liệt sĩ các xã Hòa Phong, Hòa Ninh và Hòa Phú. “Thời gian đến, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm mức sống của các gia đình chính sách cao hơn với mức sống trung bình khu dân cư. Theo đó, trong năm 2023, Huyện ủy tiếp tục phối hợp địa phương khảo sát, lập danh sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho các đối tượng theo quy định với người có công để họ có nơi sinh hoạt kiên cố và thờ cúng đàng hoàng hơn”, ông Sĩ nhấn mạnh.
Không chỉ huyện Hòa Vang, UBND quận Liên Chiểu cũng gấp rút hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà đúng kế hoạch, thời gian, chất lượng các hạng mục. Ông Hà Thúc Liêu, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và xã hội quận cho biết: “Năm 2022, quận xây mới, sửa chữa 53 ngôi nhà (44 nhà sửa chữa và 9 xây mới) với kinh phí 1,760 tỷ đồng. Toàn bộ công trình sửa mới và sửa chữa đều bảo đảm 3 cứng “cứng nền, cứng tường, cứng mái” và thực sự cải thiện điều kiện sinh hoạt của gia đình, chống chịu được bão lũ”.
HUỲNH TƯỜNG VY