35 NĂM NGÀY MẤT LƯU QUANG VŨ (29-8-1988 - 29-8-2023)

Lưu Quang Vũ và di cảo để lại

.

Nhiều người từng biết, ngoài những tập thơ đã xuất bản cùng hơn 50 vở kịch được công diễn, Lưu Quang Vũ còn để lại một khối lượng di cảo khá lớn gồm: nhật ký, sổ tay ghi chép, thư từ, bản thảo đã hoàn thành hoặc còn dang dở. Năm 2008, tròn 20 năm ngày nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cùng vợ con gặp tai nạn qua đời (29-8-1988), gia đình mới chính thức công bố một phần di cảo của Lưu Quang Vũ. Đến năm 2018, nhân kỷ niệm 70 năm sinh (1948-2018) và 30 năm mất (1988-2018), gia đình tiếp tục công bố thêm và xuất bản thành sách “Di cảo Lưu Quang Vũ” (NXB Trẻ, 2018).

Di cảo được công bố lần này cấu trúc gồm 3 phần chính: Phần I. “Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường” là những trang nhật ký được khởi ghi khi Lưu Quang Vũ mới 15 tuổi (từ 21-2-1963 đến 8-10-1965) tương ứng với 3 năm THPT đến những tháng ngày đầu tiên bước vào quân ngũ. Phần nhật ký cũng được người biên soạn (PGS.TS Lưu Khánh Thơ - Em gái út của Lưu Quang Vũ) công bố chỉ một phần. Dù chỉ một phần, nhưng nói như nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, đây là “Nhật ký của người-đàn-ông-15-tuổi”. Nghĩa là, 15 tuổi nhưng nội dung nhật ký đã thể hiện sự chín chắn, tầm suy nghĩ của “một-người-đàn-ông” trưởng thành. Ngay trang mở đầu, nhật ký ghi: “1963, 21-2 Tối nói chuyện về Nguyễn Trãi.

Tuy chưa rành mạch và còn thiếu sót nhưng mình đã đem hết khả năng và tình cảm vào bài nói chuyện nên mình biết là đã thành công, cả lớp rất chăm chú nghe và hứng thú”. Nhật ký ghi rất nhiều việc vừa liên quan đến cá nhân vừa liên quan đến thời cuộc. Có tâm trạng buồn của cá nhân: “1965, 26-9… Sáng nay không hiểu sao rất buồn, nằm đọc một cuốn Tạp chí cũ của Lập, viết lá thư cho Q, một lá thư trách móc và thương yêu”, lại vừa sục sôi cùng chiến cuộc: “1965, 11-3… Mỹ lại vào bắn phá miền Bắc. Lòng ta cháy bỏng những căm thù”. Vừa có cái thơ mộng của tuổi học trò lại vừa ý thức sâu sắc khi nhận lệnh nhập ngũ để trở thành người lính: “1965, 27-5… Hôm nay làm văn, nhưng mình đã thấy mình ở địa vị khác: địa vị người lính… Tuổi thơ ơi! Hoa niên ơi! Vĩnh biệt mất rồi! Anh đi nhé mang trời xanh và ánh nắng” và những dòng thơ đầy khí phách của chàng trai 17 tuổi: “1965, thứ 5, 3-6. NGÀY NHẬP NGŨ… Ôi hạnh phúc nào hơn hạnh phúc/ 17 tuổi đời cầm súng giữ quê hương”.

Đặc biệt là những việc trong ngày có liên quan đến nghề cầm bút của mình: “1964, 30-4 … Ôi! Ta đã lớn. Thơ ta ơi! Hãy hòa vào tâm hồn của muôn người. Trong lòng biết bao nhiêu là xao xuyến, không viết nữa vì viết mãi cũng sẽ chẳng bao giờ hết, ta biết trước là như thế”. Lưu Quang Vũ bẩm sinh đã là một hồn thơ đa cảm, giàu cảm xúc với những rung động lớn: “1965, 21-3… Đọc mọi thứ để chuẩn bị thi văn. Khóc nhiều lần khi đọc Từ tuyến đầu Tổ quốc”. Hết lòng với sáng tạo thơ ca, Lưu Quang Vũ còn thể hiện lòng yêu tha thiết với cuộc đời: “1964, 2-5…Cuộc đời ơi! Anh yêu em lắm lắm. Ta yêu tất cả! Muốn viết, viết thật hay vào để ca ngợi cuộc đời đầy trữ tình và ý nghĩa này. Ôi! Đêm nay sẽ lại là một đêm rung động trong tâm hồn và tình cảm, trong ký ức và tương lai”. Trang cuối cùng của phần nhật ký theo “Di cảo…” cho ta thấy một Lưu Quang Vũ đầy ý thức trách nhiệm công dân trước vận mệnh nước non: “1965, 8-10… Quân thù đã tới rồi đó Hà Nội ơi! Và ta lại ra đi rồi đó, ta chỉ xuống sông Hồng cuộn sóng mà một lần nữa thề rằng: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”...

Phần II. “Những bông hoa không chết”. Đây là tên tập thơ với 39 bài được viết từ năm 1971 đến 1975 lần đầu được công bố của Lưu Quang Vũ. Đọc tập thơ này, bên cạnh một Lưu Quang Vũ mang phong cách chung của thơ ca chống Mỹ ở miền Bắc, còn có một Lưu Quang Vũ với những suy nghĩ thực của lòng mình về hiện thực chiến tranh, rất hiếm thấy trong thơ ca thời ấy. Cả tập thơ là những nghĩ suy, trăn trở khôn nguôi về chiến tranh, về thời thế. Bên cạnh là “người truyền tin”, “người báo hiệu” của nhân dân: “người truyền tin muôn đời/ người báo hiệu của nhân dân đã đến!” (Người báo hiệu), Lưu Quang Vũ đã sớm ngẫm suy về những “góc tối” của cuộc sống lúc bấy giờ qua hành vi vô cảm của một số kẻ dối lừa, sâu mọt: “hãy đổ rượu đi, hãy ngừng múa hát/ quân thù đang chà đạp muôn dân!/ trong lẫn lộn mưa giông thời khốc liệt/ khi dối lừa như bóng tối trùm lên/ khi sâu mọt ngu hèn đục khoét mỗi con tim/ khi cái ác trên cao ngồi ngự/ khi tất cả ngỡ xuôi chiều yên ả/ người báo động trở về” (Người báo hiệu).

Như vậy, ngay ở đây, ta đã thấy xuất hiện “Người báo hiệu” - mầm móng nghĩ suy về những con người dám lao lên phía trước mà sau này trong vở kịch “Tôi và chúng ta” lừng danh, Lưu Quang Vũ đã khắc họa rõ nét hơn. Ông cũng sớm “báo động” xu hướng sống thực dụng đã xuất hiện trong giới trẻ ngay những ngày tháng ấy: “tuổi trẻ tự tin, cứng rắn và quả quyết/ với máy móc khổng lồ với nhà hộp nguy nga/ sẽ coi tình yêu là trò sướt mướt cổ xưa/ họ lạ lùng thấy ta cam chịu đựng/ những đau khổ ta mang, họ không còn hiểu được/ đọc sách chúng ta, họ phải ngủ gật giữa chừng/…/ họ chế giễu những gì ta tin tưởng” (Không đề).

Phần III. Phụ lục - Người trong cõi nhớ gồm những bài viết của những người bạn, nhà thơ, nhà nghiên cứu về những kỷ niệm “nhớ một thời” (Bùi Vũ Minh), những “mộng ước, khổ đau và cái đẹp” (Anh Chi), “những khoảnh khắc chợt hiện” (Ngô Thảo) cùng sự độc đáo trong “cái nhìn về cuộc chiến” (Phạm Xuân Nguyên) của Lưu Quang Vũ. Đây là những mảng hồi ức chân thực cùng sự nhìn nhận về những bất hạnh và vinh quang trong tư duy nghệ thuật của người dám “vượt lên trước”, “lao ra phía trước” để trở thành “người báo hiệu”, “người truyền tin” - Lưu Quang Vũ.

Tưởng niệm 35 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ (29-8-1988 - 29-8-2023), đọc “Di cảo”, ta càng thêm cảm phục bản lĩnh và niềm tự hào về tài năng xuất chúng của một người con quê hương Đà Nẵng.

Làng Yên Phú chớm thu 2023.

MAI BÁ ẤN

;
;
.
.
.
.
.