40 ngày khám phá lục địa đen

.

Trở về Việt Nam sau chuyến trải nghiệm châu Phi trong 40 ngày, vợ chồng chị Phạm Mai Hương (cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), nhà sáng lập, điều hành dự án du lịch trải nghiệm MerTrip Adventure ví von đây là hành trình của những trái tim dũng cảm. Bởi lẽ, trong nhiều thời điểm, thành viên đoàn buộc phải thích nghi với nhiệt độ 45-500C trong điều kiện không điện, nước, cũng như không có bất kỳ dịch vụ lưu trú nào…

Phạm Mai Hương (bên phải) đến thăm ngôi làng của các bộ tộc tại Omo, Ethiopia. Ảnh: NVCC
Phạm Mai Hương (bên phải) đến thăm ngôi làng của các bộ tộc tại Omo, Ethiopia. Ảnh: NVCC

Trên sa mạc và trong rừng thẳm

Gia đình chị Mai Hương cùng nhóm “phượt thủ” vừa trải qua hành trình trải nghiệm đầy thú vị ở lục địa đen. Lịch trình 40 ngày, qua 3 nước Ethiopia, Namibia, Madagascar do vợ chồng chị trực tiếp thiết kế, kiêm người dẫn đoàn. Để bảo đảm an toàn tại vùng đất mới cũng như có điều kiện khám phá vùng đất, con người địa phương, nhóm đặt tour và thuê hướng dẫn viên người bản địa. Hương cho hay, đó là hành trình chị ấp ủ thời gian dài, với mong muốn khám phá vùng đất châu Phi mang nhiều nét văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc.

Để không rơi vào tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, trong thời gian ở châu Phi, chị Hương quyết định dành 3 ngày khám phá thị trấn Dallol nằm giữa sa mạc Danakil ở Ethiopia - nơi được các nhà khoa học kết luận là vùng đất chết, khắc nghiệt nhất trái đất. Nơi đây, cuộc sống của người dân được bao bọc bởi nhiều dòng suối lưu huỳnh, hồ nước nóng, hồ axit và lớp muối ẩn bên dưới bề mặt sa mạc Danakil. Qua hàng nghìn năm, lưu huỳnh, axit phản ứng hóa học với một số khoáng chất khác mang đến cho Dallol một cảnh sắc có một không ai, với nhiều gam màu rực rỡ như vàng, cam, nâu, trắng và xanh lá cây.

Theo chị Hương, khám phá Dallol là một quyết định liều lĩnh, nhưng rất đặc biệt và thú vị. Bởi lẽ, dưới gam màu rực rỡ và huyền ảo kia là lớp axit, lưu huỳnh và muối khoáng đậm đặc. Giữa thung lũng, những hồ axit và suối nước nóng luôn sôi sùng sục khiến không một sinh vật nào có thể sống sót. Đặc biệt, hình dáng, vị trí, cảnh quan này liên tục thay đổi từng ngày dưới những phản xạ hóa học. Ở đây, nhiệt độ thông thường trong mùa đông có thể đạt ngưỡng 450C. Hôm đoàn Việt Nam đến Dallol, nhiệt độ luôn ở mức 45-500C.

“Dù đã đọc trước các tài liệu nói về Dallol, nhưng khi đến đây, chúng tôi vẫn sốc vì sự khắc nghiệt của thời tiết cộng địa hình hiểm trở, nóng rát. Giữa sa mạc, mọi sinh hoạt diễn ra trong điều kiện không điện, nước hay bất kỳ dịch vụ lưu trú nào. Những đêm ở lại đây, chúng tôi phải nằm ngủ ngoài trời, không thể ngủ lều vì quá ngộp và nóng”, chị Hương chia sẻ.

Như một cơ duyên, trong những ngày khám phá đảo quốc Madagascar, chị Hương gặp được Rah, người đàn ông của bộ tộc Mikea - một bộ tộc nguyên thủy sinh sống trong vùng rừng rậm ở Madagascar. Đây cũng là người đàn ông duy nhất của bộ tộc Mikea từng tiếp xúc với cuộc sống hiện đại. Sự kiện thú vị này bắt nguồn từ 10 năm trước, khi Rah, trong lúc mang củi đi đổi lương thực với các bộ tộc lân cận đã vô tình đi lạc khỏi khu rừng, tiếp xúc với người phụ nữ ngoài bộ tộc và sau đó kết hôn. Vợ của Rah đã dạy anh ngôn ngữ phổ thông của người Madagascar, cắt tóc ngắn và hướng dẫn anh mặc quần áo thay vì đóng khố. Sau đó, Rah đã nỗ lực quay lại bộ tộc Mikea, thuyết phục mọi người từ bỏ cuộc sống hoang dã để tiến gần hơn với thế giới hiện đại, nhưng bị người của bộ tộc từ chối.

Chị Hương kể: “Theo chân Rah, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với người Mikea. Họ là những người còn giữ lối sống săn bắn, hái lượm và có xu hướng co cụm, tránh xa cuộc sống hiện đại. Chỉ cần thấy bóng dáng người lạ, người Mikea sẽ chạy trốn. Để đến được đây, nhóm phải đi xe bò xuyên rừng, sau đó đi bộ hàng cây số xuyên qua các cây gai sắc nhọn. Khi tới trước một túp lều dựng bằng những bụi cây khô, Rah sử dụng ngôn ngữ bộ tộc, cố thuyết phục người nhà ra khỏi lều. Họ thận trọng bước ra, nhưng tất cả đều lấy tay che mặt và ngồi co rúm kiểu vừa xấu hổ, vừa sợ hãi khi nhìn thấy người lạ”.

Dù từng đọc qua tài liệu về nghi lễ trưởng thành của người Hamer, Bana, Karo ở thung lũng Omo (Ethiopia), nhưng khi tận mắt chứng kiến hàng chục vết sẹo chằng chịt trên lưng những người phụ nữ, Mai Hương vẫn cảm thấy xót xa. “Đó là những vết sẹo to và dài, chằng chịt trên lưng. Với những bộ tộc sinh sống ở Omo, đó là hiện thân của vẻ đẹp và sự tận tâm với gia đình, bộ tộc, tuy nhiên tôi vẫn thấy ám ảnh khi tưởng tượng sau lớp sẹo đó là những cây roi quật tóe máu tấm lưng trần của họ ở lễ trưởng thành. Khi thực hiện nghi lễ, họ không được phép dùng bất cứ biện pháp y tế nào để trị thương mà để nó tự lành và hình thành những vết sẹo. Theo văn hóa người Omo, phụ nữ càng nhiều sẹo, càng nhận được sự giúp đỡ, tôn trọng từ những người đàn ông trong gia đình và trong bộ tộc”, chị Hương cho hay.

Xây dựng tour du lịch khác biệt

Ở tuổi 32, chị Hương đã đặt chân đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Ethiopia, Namibia, Madagascar, Pakistan, Mông Cổ, Ấn Độ, Nepal, Myanmar, Phillipines, Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia và Australia... Chị cho hay, mình bị hấp dẫn bởi sự mới mẻ, độc đáo và thích những chuyến đi trải nghiệm, khám phá văn hóa hơn là du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các công ty tổ chức tour du lịch truyền thống hiện nay thường đưa vào chương trình quá nhiều điểm mua sắm, ăn uống, thậm chí lịch trình làm chưa tới vì ngại rủi ro. Điều này khiến du khách không có điều kiện khám phá sâu hơn văn hóa một quốc gia, một vùng đất mà họ có cơ hội đặt chân đến. Nhận thấy những hạn chế này, từ kinh nghiệm du lịch bản thân, Mai Hương quyết định sáng lập MerTrip Adventure, dự án chuyên tổ chức các tour du lịch khác biệt, với mục đích đưa thật nhiều người Việt Nam khám phá thế giới với chi phí thấp.

Theo chị Hương, MerTrip Adventure được hình thành từ một nhóm các bạn trẻ ưa xê dịch đến từ Việt Nam, Indonesia, Nepal và Mỹ. Họ chung niềm đam mê khám phá thế giới và đã có nhiều kinh nghiệm “du lịch bụi” tới nhiều vùng đất đặc biệt trên thế giới. Từ trải nghiệm thực tế của các thành viên, MerTrip xây dựng những chương trình du lịch chất lượng, độc đáo và riêng biệt, nơi mọi người có thể đi sâu hơn vào những bản, làng, vùng, miền để nhìn rõ hơn cuộc sống của người dân bản địa. Được biết, MerTrip không hướng tới sự an nhàn, nghỉ dưỡng, không phục vụ khách từ A - Z mà chuyên hỗ trợ khách hàng đã có chút kỹ năng “du lịch bụi”, du lịch chủ động và không trông đợi sự an nhàn, tiện nghi trong suốt hành trình.

Ngoài thỏa mãn niềm đam mê xê dịch, mục tiêu của chị Mai Hương trong hành trình đưa người Việt khám phá châu Phi, là tìm kiếm những điểm đến mới lạ, hấp dẫn và an toàn cho tất cả thành viên đoàn. Kinh nghiệm này được chị tham khảo từ review của các travel blogger nước ngoài.

“Công việc của chúng tôi là nghiên cứu và thiết kế hành trình, điều phối tour, phụ trách đường bay, visa, bảo hiểm. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, hành trình khám phá châu Phi mới đây của chúng tôi thành công ngoài mong đợi. Khi tổ chức một chuyến đi như thế này cho người Việt, tôi bàn với đội hướng dẫn viên và đội hậu cần, dùng máy phát điện thắp sáng chỗ ăn uống, sinh hoạt chung trong vài tiếng ban đêm ở “vùng đất chết” Danakil, Dallol. Nước thì chuẩn bị từ những thùng nước mua từ người dân địa phương sống quanh đó. Dựng lều di động làm chỗ tắm và thay đồ. Hành trình dù mang tính chất sinh tồn nhưng đội hậu cần đã hỗ trợ đâu ra đó”, Mai Hương hồ hởi nói.

Dù chi khá nhiều tiền, anh Võ Thành Long (35 tuổi, Hà Nội) cho hay đó là mức phí hoàn toàn xứng đáng với những gì chị đã được trải nghiệm ở châu Phi. Dưới sự dẫn dắt của Mai Hương, Long đã có cơ hội khám phá vùng đất khắc nghiệt Danakil, Dallol hay chiêm ngưỡng hồ dung nham cháy liên tục từ năm 1906 nằm trên ngọn núi lửa Erta Ale, thuộc Afar (Ethiopia). Theo ngôn ngữ Afar, ngọn núi này có tên “cánh cửa địa ngục”. Đây là một cảnh tượng kỳ vĩ, bí hiểm nhưng đầy cuốn hút và hiếm hoi trên thế giới. Để được chiêm ngưỡng cảnh tượng này, chị cùng nhóm “phượt thủ” phải ngủ một đêm “màn trời chiếu đất” ngay bên vành núi lửa. Trong chuyến đi, chị cũng được tận mắt chứng kiến những cây quive, baobab có hình thù kỳ dị và đẹp mắt.

Long đúc kết: “Đây thực sự là một chuyến du lịch sinh tồn thú vị, bởi lẽ, ở nơi nhiệt độ trung bình rơi vào khoảng 45-500C, khi mọi sinh hoạt đều diễn ra trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn, chúng ta mới thấy rõ khả năng sinh tồn kỳ diệu của con người trước thiên nhiên”.

Có một điều đặc biệt, dù chọn những vùng đất khắc nghiệt để trải nghiệm, nhưng người mẹ trẻ luôn tự tin dẫn theo cô con gái nhỏ. Bé Mỡ - tên thân mật của con gái Mai Hương - từ năm 3 tuổi đã có 18 ngày rong ruổi khắp Pakistan, 10 ngày khám phá Kasmir nằm phía tây bắc Ấn Độ, và mới đây nhất là hành trình 40 ngày “phượt” lục địa đen. Người mẹ 9X chia sẻ, cô đưa con gái đi cùng bởi muốn cho con được nhìn ngắm thế giới rộng lớn. Mặt khác, Hương cũng muốn khám phá khả năng thích nghi của con.

“Tôi tin, sau này khi con lớn, xem lại những thước phim, hình ảnh, đọc lại những câu chuyện bố mẹ ghi lại, bé sẽ cảm động và tự hào. Trong suốt hành trình khám phá thế giới, bé luôn cởi mở đón nhận những con người có gương mặt và màu da khác biệt, có ngôn ngữ và nền văn hóa khác biệt. Đặc biệt, 40 ngày sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở châu Phi, Mỡ không hề khóc lóc hay bị ốm mệt. Tôi nhận ra những cuộc hành trình và công việc này giúp bản thân tốt lên mỗi ngày, trách nhiệm hơn, rắn rỏi hơn, chân thành hơn mỗi ngày, hiểu biết hơn, trái tim rộng mở hơn và yêu thương nhiều hơn”, Mai Hương chia sẻ.

Có thể nói, khác biệt, đáng nhớ là những cảm xúc đẹp mà người mẹ trẻ và những thành viên trong đoàn cảm nhận được sau 40 ngày khám phá lục địa đen. Và, theo lời người dẫn đoàn, để hành trình thêm ý nghĩa, bản thân mỗi người khi tham gia cần bỏ qua sự chỉn chu, hào nhoáng, mới có thể tìm thấy, thích nghi và yêu mến từng vùng đất mình được đặt chân lên.

“Tôi nhận ra những cuộc hành trình và công việc này giúp bản thân tốt lên, trách nhiệm hơn, rắn rỏi hơn, chân thành hơn mỗi ngày, hiểu biết hơn, trái tim rộng mở hơn và yêu thương nhiều hơn”, chị Mai Hương chia sẻ.

TIỂU YẾN - NGÂN HÀ

;
;
.
.
.
.
.