Ngày xưa dân gian quen gọi làng Ngũ Giáp là làng Giáp Năm bởi có chiếc cầu Giáp Năm nối nhịp hai bờ của dòng sông đào từ sông Thu Bồn đến sông Vĩnh Điện. Giờ tên cầu đã thay đổi nhưng trong tâm tưởng của dân làng, cầu Giáp Năm vẫn đậm nét văn hóa - lịch sử ghi đầy dấu tích của người xưa.
Cầu Giáp Năm đã được đơn vị thi công “cải danh” thành cầu Thanh Quýt. Ảnh: H.S |
Cầu Giáp Năm là tên một cây cầu ngày xưa trên đường thiên lý Bắc Nam dài khoảng 100 mét, nối liền giữa hai bờ sông của làng Phong Ngũ với làng Thanh Quýt (nay là khối phố Phong Ngũ phường Điện Thắng Nam và khối phố Thanh Quýt, phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Giáp Năm là tên nôm của Ngũ Giáp - giáp thứ năm trong nhóm sáu giáp lúc bấy giờ.
Theo sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776, Ngũ Giáp và Lục Giáp là tên của hai thôn thuộc xã Châu Phong (cũng viết là Chu Phong), huyện Lễ Dương (thị xã Điện Bàn ngày nay). Theo Đại Nam nhất thống chí, ở mục kiều lương (cầu cống) của tỉnh Quảng Nam, sách có ghi: Cầu Tam Giáp ở 2 xã La Qua - Châu Ngọc dài 32 mét; cầu Ngũ Giáp ở 2 xã - thôn Chu Phong và Thanh Quất (về sau đọc trại thành Thanh Quýt - ĐNCT) dài 25 mét. Cống đá Khả Phong ở thôn Nhất Giáp. Cống đá xã Chu Phong ở thôn Ngũ Giáp tục danh cống Ba dài 15,2 mét.
Trên thực tế đường thiên lý Bắc Nam (quốc lộ 1A ngày nay) đoạn qua vùng đất này có 2 cây cầu. Cầu Giáp Ba ở làng Tam Giáp, nay vẫn là cầu Giáp Ba thuộc khối phố Ngọc Tam, phường Điện An. Cầu Giáp Năm ở làng Ngũ Giáp (nay là khối phố Phong Ngũ, phường Điện Thắng Nam). Ngoài ra còn có 2 cầu nữa là cầu Giáp Tư (nay là cầu Bến Tư, đường DH4 khối phố Ngọc Liên, phường Điện An và cầu Nhứt Giáp, đường DH6, khối phố Phong Nhứt, phường Điện An).
Trong văn học dân gian, tên cầu Giáp Năm xuất hiện khá phổ biến từ thế kỷ thứ XVII, khi thương cảng Hội An là nơi phát triển cực thịnh của xứ Đàng Trong. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng, làng Ngũ Giáp (Phong Ngũ ngày nay), với tên gọi dân gian là Giáp Năm nằm trên trục thiên lý Bắc Nam nên ngoài việc giao lưu buôn bán thuận lợi, bấy giờ còn nổi tiếng với nghề dệt vải và trồng thuốc lá. Cuốn Văn học dân gian Điện Bàn (Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện bàn, xuất bản năm 2007) có chép: Kìa ai từ phố ra Hàn/ Đi qua Vĩnh Điện nhớ làng Giáp Năm/ Giáp Năm, Thanh Quýt chớ nhầm/ Giáp Năm vải, thuốc quanh năm mãn mùa.
Ngày xưa dân gian quen gọi làng Ngũ Giáp là làng Giáp Năm bởi có chiếc cầu Giáp Năm nối nhịp hai bờ của dòng sông đào từ sông Thu Bồn đến sông Vĩnh Điện, nơi gặp gỡ giao lưu của những chàng trai cô gái trên bước hành trình xuôi ngược của dặm đường thiên lý, một địa danh đã đi vào lịch sử văn hóa và thi ca của vùng đất xứ Quảng.
Cô gái hát giao duyên mở lời: Gặp anh hùng thiếp hỏi anh hùng/ Cầu chi đi mười hai tháng phân cùng cho thiếp nghe? Và chàng trai hát đáp lại: Kim Liên, Vĩnh Điện cho chí Câu Lâu/ Quảng Nam ta có mấy cầu dài thay/ Ra sức đi chưa tới nửa ngày/ Lẽ mô lại phải đi rày một năm/ Bạn hỏi ta, ta nghĩ cũng nhằm/ Cầu đi mười hai tháng có cầu Giáp Năm kia bạn tề (sách đã dẫn, tr.25).
Ngoài ra, còn truyền khẩu nhiều câu hát đối đáp giữa anh thợ mộc làng Kim Bồng và cô gái làng Giáp Năm. Cô gái hát: Dang tay hốt nhúm dăm bào/ Hỏi thăm anh thợ, bữa nào hồi công?. Chàng trai thợ mộc trả lời: Không mai thì mốt hồi công/ Gái Giáp Năm ở lại, trai Kim Bồng rời chân...
Các địa danh nổi tiếng xuất hiện trong nhiều câu ca dao, hò vè của các địa phương chẳng hạn như: Cẩm Sa, chợ Vải, Câu Lâu/ Ngó lên đường cái thấy cầu Giáp Năm/ Bây chừ thiếp viếng chàng thăm/ Ở cho trọn nghĩa cắn tăm nằm chờ…
Nhà thơ Thu Bồn (người làng Thanh Quýt) cũng có nhiều tác phẩm văn học nhắc đến địa danh nầy: Thanh Quýt, Giáp Năm ruộng đồng xơ xác/ Đầu con đau dưới nắng chan chan/ Giếng đã cạn môi người khao khát/ Quê hương dòng sữa mẹ tuôn tràn… (Hôn mảnh đất quê hương - 1962). Em có về Giáp Thôn/ Qua chiếc cầu treo nhỏ chon von/ Theo con đường nhiều gai mắc cỡ/ Đến giếng thơi xóm nghèo/ Có bà mẹ đương cất nước/ Cây cần vọt run trên bàn tay nhắn nheo/ Đó là mẹ tôi… (Quê hương mẹ - 1998).
Nhà thơ Thanh Kỳ (tức Hà Kỉnh, làng Phong Ngũ) cũng đã viết: Ta đi nhớ ánh trăng vàng/ Cây đa quán Thạc, con đàng Giáp Năm… (Nửa đời chiến trận, nửa đời thơ).
Tên Giáp Năm cũng được dùng phổ biến trong các văn bản lịch sử như: “Tối ngày 17-8-1945, Ủy ban bạo động phủ Điện Bàn… huy động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, hạ cây dựng các chướng ngại vật cản đường từ Giáp Năm vào và từ Bình Long xuống Vĩnh Điện để ngăn chặn xe Nhật…” (Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Bàn, trang 70, NXB Đà Nẵng, 2003).
Cụ Hà Khải, tộc trưởng tộc Hà Phong Ngũ, năm nay 92 tuổi, kể lại: Từ thời lập làng ông bà tiền hiền các tộc của hai làng Giáp Năm và Thanh Quýt đã kết nghĩa thông sui gia, như ông Hà Đức Ân là tiền hiền tộc Hà Đức làng Giáp Năm kết nghĩa sui gia với ông Nguyễn Hữu Đức là con đầu tiền hiền tộc Nguyễn Hữu làng Thanh Quýt. Hoặc bà Lê Thị Sự con gái ông tiền hiền tộc Lê Tự làng Thanh Quýt là vợ ông Võ Văn Đợi tiền hiền tộc Võ Văn làng Giáp Năm. Từ đó đến nay con gái, con trai hai làng thành vợ thành chồng khá nhiều. Người xưa kể lại hai làng nầy lấy nhau rất hợp, sinh đẻ tốt, làm ăn khấm khá, thực tiễn kiểm nghiệm thấy cũng đúng vậy. Chính mối quan hệ nầy là sự kết nghĩa giao tình sâu đậm hiếm có giữa tộc họ, làng xã. Tuy ranh giới của hai làng được phân định giữa con sông nhưng các cụ xưa đã thống nhất lấy tên làng Thanh Quýt đặt cho sông và tên làng Giáp Năm đặt cho cầu nên có tên “Sông Thanh Quýt, cầu Giáp Năm” là vậy.
Do tên Giáp Năm ngày càng mai một, tên làng cũng thay đổi từ Ngũ Giáp đến Giáp Năm rồi Phong Ngũ… và thơ ca dân gian cũng dần lãng quên. Thêm vào đó trong kháng chiến chống Mỹ chợ Thanh Quýt được dời xuống bên cạnh quốc lộ 1, nằm phía bờ bắc của cầu nên địa danh Thanh Quýt ngày càng phổ biến. Rồi cầu cũng bị sập đi xây lại nhiều lần và có lẽ đơn vị thi công đã ghi lại thành cầu Thanh Quýt. Hiện nay chiếc cầu nối nhịp 2 bờ của làng Phong Ngũ và Thanh Quýt, nằm lý trình km 944+900 có tên là cầu Thanh Quýt.
HÀ SÁU