Đà Nẵng với ngày Quốc khánh đầu tiên

.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” - câu kết bất hủ của văn kiện này đã mở ra cho dân tộc ta một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do.

Khu phố trên tuyến đường Lê Duẩn rực cờ đỏ mừng ngày Quốc khánh. Ảnh: C.L
Khu phố trên tuyến đường Lê Duẩn rực cờ đỏ mừng ngày Quốc khánh. Ảnh: C.L

Trong các thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời được thành lập vào ngày 28-8-1945 và ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có một người Đà Nẵng giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động - người mà đúng vào ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời, cũng mới vừa ra mắt quốc dân đồng bào thành phố bên sông Hàn đang mang tên nhà yêu nước Thái Phiên tại Sân vận động Chi Lăng với cương vị Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời; người mà trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I tổ chức vào ngày 2-3-1946, sau Quốc khánh mấy tháng, Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Hồ Chí Minh đã ưu ái giới thiệu trước các đại biểu Quốc hội: “Bộ Tài chính: một nhà cách mạng lẫm liệt nhiều năm mà cũng nhiều năm ở trong tù tội của đế quốc: ông Lê Văn Hiến”. Xin nói thêm, theo sự tiến cử của Bí thư Khu ủy Khu IV Nguyễn Chí Thanh đại diện Trung Kỳ tại Quốc dân Đại hội được triệu tập ở đình Tân Trào huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang từ ngày 16 đến 17-8, ông Lê Văn Hiến đã được cử vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam - tiền thân của Chính phủ Cách mạng lâm thời; và ngày 20-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34-SL thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên, trong đó cũng có Bộ trưởng Bộ Lao động Lê Văn Hiến.

Câu hỏi đặt ra là Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời thành Thái Phiên Lê Văn Hiến ra Hà Nội vào lúc nào để kịp dự buổi lễ quốc khánh đầu tiên ở Quảng trường Ba Đình? Trong Trung tâm Lưu trữ quốc gia III ở Hà Nội còn lưu giữ một tờ giấy thông hành đề ngày 1-9-1945 do UBND thành Thái Phiên cấp, ghi rõ: Đồng chí Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Lao động trong Lâm thời Chính phủ, hiện đi công cán tại các tỉnh miền Nam Trung Bộ và sẽ ra Bắc Bộ. Vì có nhiệm vụ quan trọng, đồng chí Lê Văn Hiến yêu cầu các nhân viên sở Hỏa xa cũng như các tự vệ đội dọc đàng sẵn sàng giúp đỡ để cho công việc được dễ dàng”.

Qua giấy thông hành này, có thể thấy trước khi chính thức cùng 14 vị trong Chính phủ Cách mạng lâm thời có mặt tại Quảng trường Ba Đình để kịp ra mắt quốc dân đồng bào, ông Lê Văn Hiến đã được biết đến như một bộ trưởng (do danh sách Chính phủ Cách mạng lâm thời đã được công bố trên báo chí Hà thành từ sáng ngày 29-8) và Bộ trưởng Lê Văn Hiến đang trên đường ra Hà Nội để kịp nhận nhiệm vụ mới bằng xe lửa - có thể xuất phát từ ga trung tâm Đà Nẵng hoặc ga phụ Chợ Hàn vào rạng sáng ngày 1-9.

Tại thành phố bên sông Hàn lúc ấy vẫn còn mang tên Thái Phiên, ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra trong niềm tự hào về người Đà Nẵng Lê Văn Hiến vừa được giao giữ nhiều trọng trách của Chính phủ mới; đồng thời cũng diễn ra trong không khí hân hoan đón chào độc lập tự do. Một người trong cuộc là ông Nguyễn Duy Nhất, quê làng Thanh Khê đã viết trong hồi ký “Từ trong kỷ niệm” về buổi meeting trọng thể tổ chức tại Sân vận động Chi Lăng vào sáng ngày 2-9-1945 như sau: “Việt Minh thành Thái Phiên tổ chức meeting chào mừng ngày độc lập. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ thay mặt Thành bộ Việt Minh trịnh trọng tuyên bố: Từ đây, nhân dân Thái Phiên xóa bỏ chính quyền bù nhìn, thành lập chính quyền cách mạng nhân dân, do nhân dân làm chủ. Và đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ tuyên bố các chính sách của Việt Minh với đồng bào toàn thành phố.

Đồng chí nói tiếp: Đây là ngày lịch sử của nhân dân thành phố Thái Phiên, ngày rực rỡ huy hoàng độc nhất không còn là mảnh đất nhượng địa Tourane nữa. Cả ngàn người dự meeting vỗ tay một hồi lâu hưởng ứng”. Rõ ràng một trong những việc cần làm ngay của chính quyền cách mạng thành phố là tiếp tục vận động quần chúng đồng tình ủng hộ các chủ trương chính sách, và với tư cách Bí thư Thành ủy - Chủ nhiệm Việt Minh thành Thái Phiên, ông Huỳnh Ngọc Huệ đã đảm đương rất tốt nhiệm vụ này trong ngày Quốc khánh đầu tiên.

Trong hồ sơ và hiện vật lưu trữ hiện nay ở các bảo tàng Đà Nẵng, không còn hai lá cờ đỏ sao vàng hoặc ảnh chụp ha i lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tung bay ở huyện đường Hòa Vang từ sáng ngày 22-8 và trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng từ sáng ngày 26-8 - và chắc chắn đã tung bay tại hai “địa chỉ đỏ” này trong ngày Quốc khánh đầu tiên. Tuy nhiên hậu thế vẫn có thể hình dung hai lá cờ này thông qua các ảnh chụp cờ đỏ sao vàng - thực chất chỉ là ảnh đen trắng chứ chưa phải ảnh màu - tại Quảng trường Ba Đình sáng ngày 2-9; nhất là thông qua Sắc lệnh số 05-SL ngày 5-9-1945 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời ký quy định việc bãi bỏ cờ quẻ ly và quan trọng hơn là ấn định Quốc kỳ Việt Nam hình chữ nhật, bề ngang bằng hai phần ba bề dài, nền màu đỏ máu, ở giữa gắn sao năm cánh màu vàng nghệ tươi, kèm theo đó là bản phụ đính về kích thước cờ, về mẫu sao và cách đặt sao. Thật ra Quốc dân Đại hội Tân Trào cũng đã quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài Tiến quân ca - trong đó có một ca từ nói về Quốc kỳ: Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…

Nói đến Đà Nẵng với ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thể không nhắc đến quần đảo Hoàng Sa - nay là huyện đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của tỉnh Thừa Thiên từ năm 1938 nhưng khi quân đội Nhật đầu hàng đồng minh và rút khỏi Hoàng Sa vào ngày 26-8, một số người Việt sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa tìm cách vào đất liền liên hệ với chính quyền cách mạng ở Đà Nẵng.

Sự kiện này được hai ông Chế Viết Tấn và Lê Đình Siêu - những người trong chính quyền thành phố Thái Phiên lúc đó, kể lại trong cuốn “Nhớ mãi mùa thu cách mạng”: “Được tin trong đất liền đã nổi dậy giành chính quyền thắng lợi, tháng 3 năm 1946, những người dân sinh sống trên đảo Hoàng Sa liền cử hai đoàn đại biểu vào thăm. Họ đến chào và xin ý kiến chỉ đạo của UBND cách mạng thành phố Đà Nẵng. Hai đoàn đại biểu được chính quyền thành phố tiếp đón nồng nhiệt, chu đáo, được nói rõ về chính thể mới - chính thể dân chủ cộng hòa và những chủ trương, chính sách mới của cách mạng”. Như vậy người Việt sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa đương thời chưa được thông tin về ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng trong lòng họ vẫn đang hướng về đất liền, hướng về Tổ quốc với khát vọng độc lập, tư do…

Đến tháng 4-1946, nghị quyết kỳ họp đầu tiên của HĐND thành phố đã xác định quần đảo Hoàng Sa là một đơn vị cấp xã trực thuộc Đà Nẵng - đương nhiên sau khi quân đội Pháp tái chiếm Đà Nẵng vào cuối năm 1946, quần đảo Hoàng Sa vẫn do tỉnh Thừa Thiên quản lý cho đến năm 1961 mới trở thành xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang.

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.