Hàn Quốc bảo vệ quyền của giáo viên

.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc vừa thay đổi một số điều trong Luật Giáo dục nhằm bảo vệ quyền lợi của giáo viên sau khi xảy ra hàng loạt vụ phụ huynh và học sinh xúc phạm, đe dọa, hành hung các thầy cô giáo.

Giáo viên tham gia cuộc tuần hành ở Quảng trường Gwanghwamun ngày 29-7 yêu cầu xem xét lại Đạo luật Phúc lợi trẻ em Hàn Quốc. Đạo luật này được sửa đổi vào năm 2014 cấm sử dụng bất kỳ hình thức nào trừng phạt thể xác đối với trẻ em. Ảnh: Korea Pro
Giáo viên tham gia cuộc tuần hành ở Quảng trường Gwanghwamun ngày 29-7 yêu cầu xem xét lại Đạo luật Phúc lợi trẻ em Hàn Quốc. Đạo luật này được sửa đổi vào năm 2014 cấm sử dụng bất kỳ hình thức nào trừng phạt thể xác đối với trẻ em. Ảnh: Korea Pro

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho lý giải, việc bảo vệ quyền của giáo viên không chỉ nhằm bảo vệ người làm công tác giảng dạy mà còn bảo vệ quyền học tập của học sinh.

Nghề nguy hiểm

Tháng 7-2023, một nữ giáo viên 23 tuổi đã kết thúc cuộc sống của mình tại một trường tiểu học ở Seocho-gu, phía nam Seoul. Trước đó, một học sinh trong lớp do cô phụ trách dùng bút rạch lên trán bạn. Phụ huynh của em này cho rằng, cô giáo trẻ đã không xử lý thỏa đáng vụ việc và không có tư cách làm giáo viên. Theo dư luận Hàn Quốc, chỉ trích gay gắt của phụ huynh đã gây tổn thương đến cô giáo mới nhận công tác tại trường từ tháng 3-2023. Cũng tại thủ đô Seoul, cuối tháng 6-2023, một nữ giáo viên bị thương và được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau khi bị một học sinh lớp 6 hành hung.

Nhiều vụ việc liên tiếp như thế phơi bày thực tế tại các trường công lập ở Hàn Quốc: Quyền uy của giáo viên đang bị lung lay. Nghề giáo vốn là “công việc được tôn trọng cả đời” tại xứ sở kim chi, nhưng nay trở thành “nghề nguy hiểm”. Thậm chí, trong bài viết trên tờ Korea Joongang Daily ngày 26-7-2023, nhà báo Kim Seung-hyun - Phó Giám đốc tin tức quốc gia tại tờ báo JoongAng Ilbo - dẫn lời cháu gái đang dạy ở một trường THCS rằng: “Nếu không vì những kỳ nghỉ hè thì nên tránh chọn nghề dạy học”. Nhà báo Kim Seung-hyun nêu vấn đề: “Tổng thống Yoon Suk-yeol và chính phủ của ông đang tìm cách khôi phục quyền uy của giáo viên. Nhưng xã hội chúng ta có thể giải quyết cuộc khủng hoảng này hay không là điều không chắc chắn”.

Năm 2022, Ủy ban Bảo vệ quyền giảng dạy của giáo viên Hàn Quốc đã xử lý hơn 3.000 trường hợp giáo viên bị đe dọa. Theo kết quả khảo sát trực tuyến do Bộ Giáo dục Hàn Quốc thực hiện vào tháng 7-2023 với sự tham gia của hơn 22.000 giáo viên, 97,7% giáo viên bày tỏ rằng họ gặp khó khăn trong các hoạt động giảng dạy vì bị phụ huynh khiếu nại lạm dụng hình thức kỷ luật học sinh. Kết quả khảo sát này để lại nhiều suy nghĩ về những áp lực mà giáo viên ở các trường công phải đối mặt. Giáo viên cũng ngày càng lo ngại về những lời phàn nàn quá đáng và mang tính xâm phạm của phụ huynh. Nhiều trường học tiết lộ thông tin cá nhân của giáo viên, bao gồm cả số điện thoại, nên phụ huynh dễ dàng gọi điện và nhắn tin cho các thầy cô ngay cả ngoài giờ làm việc.

“Phụ huynh thậm chí gọi cho tôi sau 22 giờ để hỏi về sự tiến bộ của con họ. Việc không thể từ chối những cuộc gọi này dẫn đến cảm giác căng thẳng vô cùng”, Cho Gil-nam, cựu giáo viên đã nghỉ hưu vào năm 2021, nói với hãng tin Korea Pro.

Giáo viên được trao thêm quyền

Từ tháng 9-2023, giáo viên các trường tiểu học, THCS và THPT trên khắp Hàn Quốc sẽ được phép đuổi những học sinh gây rối và tịch thu điện thoại di động nếu các em vi phạm kỷ luật học tập, làm ảnh hưởng đến học sinh khác. Giáo viên có thể xin ý kiến của hiệu trưởng để đưa ra hình thức xử phạt những học sinh không chấp hành quy định.

Nếu không hài lòng về phương pháp giảng dạy của giáo viên, phụ huynh hoặc học sinh không được giải quyết trực tiếp mà phải làm việc với hiệu trưởng. Giáo viên và phụ huynh có thể yêu cầu họp với nhau nhưng cuộc họp phải diễn ra trong giờ làm việc của giáo viên và được lên lịch trước. Giáo viên có thể dừng cuộc họp ngay lập tức nếu bị xúc phạm, đe dọa, hoặc bị hành hung.

Giáo viên có quyền khuyên phụ huynh đưa con đi tư vấn hoặc điều trị nếu họ cho điều đó là cần thiết đối với sự phát triển của học sinh. Ngoài ra, hiệu trưởng trường mầm non được quyền thiết lập những quy tắc về nhiệm vụ và trách nhiệm của giáo viên, cách tổ chức cuộc họp giữa phụ huynh - giáo viên và xử lý mọi hành vi vi phạm.

Một bộ phận phụ huynh ở Hàn Quốc hoàn toàn đồng ý với những thay đổi nói trên. Song, một số phụ huynh băn khoăn rằng, quy định mới có thể khiến quyền của học sinh bị xâm phạm.

Hiện tại, quy định của đất nước kim chi cấm giáo viên trừng phạt về thể xác và có hành vi phân biệt đối xử với học sinh. Việc giáo viên khen thưởng, tuyên dương học sinh được xem là phân biệt đối xử, lạm dụng tình cảm riêng. Thậm chí, thầy cô không thể tịch thu điện thoại hoặc trách phạt khi học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học. Thêm vào đó, chưa có cơ quan, ban, ngành nào đứng ra giải quyết khiếu nại của phụ huynh. Trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về cá nhân giáo viên. Vì vậy, họ phải tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên đối đầu với phụ huynh.

Theo khảo sát do Liên đoàn Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc (KFTA) thực hiện từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5-2023, chỉ 23,6% trong số 6.751 giáo viên được hỏi bày tỏ hài lòng với công việc. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Lee Ju-ho nói rằng, việc tước quyền của giáo viên là sự vi phạm nghiêm trọng và đặt ra thách thức lớn đối với ngành giáo dục. Ông Lee hy vọng những quy định mới là cơ hội tái thiết lập trật tự trong lớp học, giúp giáo viên và học sinh cân bằng vị thế trong trường học.

1.249

 

là số giáo viên bị phụ huynh và học sinh hành hung ở Hàn Quốc từ năm 2017-2022, theo thông tin của Liên đoàn Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc (KFTA). Những vụ việc như thế tác động về thể chất và tinh thần của các thầy cô giáo, chẳng hạn gây trầm cảm, hoảng loạn... (The Korea Pro)

KHÁNH LINH (theo Korea Pro, The Straits Times)

;
;
.
.
.
.
.