Huyện Hòa Vang vừa ra mắt mô hình “Chợ thanh toán không tiền mặt” và thực hiện ký kết triển khai tại 11 xã trên địa bàn. Mới triển khai nhưng đã có hơn 2.000 tài khoản được in mã QR cho các hộ kinh doanh, hộ tiểu thương và người dân sử dụng. Tại các chợ quê, giờ đây ngồi trong quán ăn, quầy tạp hóa, văn phòng phẩm, cửa hàng quần áo đều dễ dàng “quét” và “chuyển khoản” cho mọi giao dịch.
Thật ra việc giao dịch không tiền mặt lâu nay cũng chẳng còn lạ lẫm ở khu vực trung tâm thành phố. Nhưng với những chợ quê thì vẫn còn mới lắm. Nhất là với những bà nội trợ, tiểu thương vùng nông thôn vốn mới “lên đời” điện thoại, mới lập tài khoản online và có cho mình một mã QR.
Có đầu rồi mới có đuôi. Cái sự mới mẽ này cũng bắt đầu với mỗi chúng ta nhiều năm trước. Với các bà nội trợ, tiểu thương ở các chợ trung tâm thành phố cũng vậy. Các chị cho biết trước đây khi bán hàng lưu niệm cho du khách Trung Quốc - quốc gia có tỷ lệ thanh toán không tiền mặt cao hàng đầu thế giới - đã có nhiều khách hỏi đến việc thanh toán qua mã QR và các ứng dụng thanh toán trên di động. Cả chợ ngơ ngác, phải nhờ đến một đầu mối dịch vụ chuyên tải các app thanh toán nước ngoài để giao dịch.
Sau đó các ngân hàng đến mời sử dụng dịch vụ nên hầu như ai bán hàng cho du khách trong chợ này cũng có mã QR và chấp nhận thanh toán không tiền mặt. Thậm chí nhiều tiểu thương còn có nền tảng ứng dụng thanh toán qua di động của nhiều ngân hàng. Việc làm quen với các dịch vụ này trước tiên là để đáp ứng nhu cầu của khách. Không chỉ ở chợ mà nhiều điểm vui chơi ở Đà Nẵng cũng đều chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt từ khá lâu. Đặc biệt là tại các khu vực tắm biển, nơi khách không thích mang theo tiền và đồ đạc lỉnh kỉnh.
Có nhiều sự tiện lợi được tiểu thương chợ Hàn nhắc tới khi chọn thanh toán không tiền mặt. Trước tiên là tâm lý chung của du khách, khi đi tham quan ở một nơi xa lạ thường hạn chế mang nhiều tiền mặt. Du khách cũng rất ngại sử dụng thẻ ATM bởi lo ngại thẻ không tương thích với hệ thống ngân hàng. Nhưng quan trọng hơn cả, nhiều khách quốc tế khi xài tiền Việt không quen về thị giá nên thỉnh thoảng có sự nhầm lẫn. Do vậy lựa chọn sử dụng thanh toán không tiền mặt qua app khiến họ yên tâm vì chứng từ, lịch sử giao dịch đều rõ ràng. Trong khi đó chỉ cần vài giây cho một giao dịch thì quá nhanh gọn, an toàn.
Ở phía ngược lại, việc tiền vào - tiền ra trong tài khoản chị em tiểu thương, bà nội trợ cũng tạo nên sự dễ dàng khi “chốt sổ” sau mỗi ngày buôn bán. Quả là tiện cả đôi đường…
Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử và tổ chức triển khai mô hình Chợ 4.0 thanh toán không tiền mặt thì thành phố sẽ còn triển khai tại cả 3 cấp chợ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại (VietQR, Mobile Money, ví điện tử…).
Có được thành quả như hôm nay, ngoài chủ trương chung của Nhà nước, thành phố đã triển khai sớm hơn các địa phương khách nhờ những lợi thế của mình. Đó là nền tảng từ cơ sở hạ tầng số, thành quả chuyển đổi số được chính quyền bền bỉ thực hiện nhiều năm qua. Điều này đã giúp nâng cao nhận thức, giúp người dân làm quen với các khái niệm và thực hành số hóa các giao dịch cả trong cơ quan công quyền lẫn dân sự. Nền tảng này cộng thêm lợi thế công dân đô thị, trẻ trung vốn bắt nhịp tiếp cận công nghệ nhanh. Thiên thời địa lợi nhân hòa khi có thêm lợi thế là địa bàn du lịch có lượng khách quốc tế đông với nhu cầu thành toán tiện lợi đã góp phần lan tỏa các hoạt động thanh toán không tiền mặt.
Với sự tiện lợi nhiều mặt thì tỷ lệ giao dịch không tiền mặt sẽ còn tiến xa trong thời gian sắp tới khi xã hội chuyển đổi số, Chính phủ khuyến khích thanh toán không tiền mặt. Rồi đây, từ các chợ du lịch, điểm mua bán, khu vui chơi hay cả gánh hàng rong, chỉ với chiếc điện thoại thông minh trên tay, mọi giao dịch đều được thực hiện nhanh chóng. Rồi đây không chỉ ở phố mà ở các chợ quê, các mẹ, các chị, những người nội trợ cũng sẽ thuộc lòng thanh toán “ting ting”.
LÝ TRƯỜNG