Vùng núi cao huyện Hòa Vang là nơi tập trung nhiều đồng bào Cơ tu sinh sống. Từ xa xưa, những lúc vào rừng hay lên rẫy làm nương, tiếng đàn, tiếng sáo lại ngân lên, đệm cho lời ca, tiếng hát để đối đáp, giúp thổ lộ tâm tư tình cảm hoặc vơi bớt mệt nhọc. Đặc biệt, tiếng cồng chiêng là âm thanh không thể thiếu trong các lễ hội mừng lúa mới.
Các nhạc cụ trống và cồng chiêng của đồng bào Cơ tu được đưa vào chương trình lễ hội phục vụ du khách tại làng Toom Sara của khu du lịch sinh thái Suối Hoa. Ảnh: Đơn vị cung cấp |
Ứng với mỗi loại nhạc cụ lại có một không gian, đối tượng sử dụng riêng. Tuy nhiên, khi đời sống kinh tế ngày càng phát triển, các loại nhạc cụ truyền thống cũng theo đó mà mai một dần. Nguy cơ thất truyền nhiều loại nhạc cụ truyền thống đang gióng lên hồi chuông cho các nhà quản lý.
Niềm vui được phục vụ du khách
Ngoài công việc làm rẫy, cứ đến cuối tuần, ông ALăng Ưi (tên thường gọi là ALăng Dũng), già làng Toom Sara của khu du lịch sinh thái Suối Hoa lại hòa niềm vui cùng đồng bào và du khách trong tiếng cồng chiêng ròn rã. Đây là dịp mà ông có thể sống lại những ký ức của thời xa xưa khi được sử dụng các dụng cụ truyền thống của đồng bào Cơ tu ngay chính mảnh đất quê hương mình.
Chương trình lễ hội văn hóa người Cơ tu được ông Huỳnh Tấn Pháp, Giám đốc khu du lịch sinh thái Suối Hoa đưa vào phục vụ khách không chỉ nhằm góp phần bảo tồn và phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ tu mà còn giúp bà con địa phương có thêm thu nhập. Chương trình có 3 tiết mục gồm múa cô gái trên nương, mừng gươl mới, lễ hội cồng chiêng và hát giao duyên. Hiện nay, các nhạc cụ truyền thống dân tộc Cơ tu đang mai một nên việc đưa chương trình này vào phục vụ du khách khiến người dân thôn Phú Túc, xã Hòa Phú rất vui. Đến nay, khu du lịch sinh thái Suối Hoa đã thành lập được một đội múa chuyên phục vụ khách du lịch có sử dụng cồng chiêng trong chương trình lễ hội vào ngày thứ Bảy hằng tuần.
Chia sẻ về nhạc cụ truyền thống của đồng bào mình, ông ALăng Ưi cho biết, ngày xưa người Cơ tu ở Hòa Phú và Hòa Bắc chơi được các loại nhạc cụ như thổi sừng dê, thổi luốc bằng tre, trươn (đờn 2 dây) và thổi kèn làm bằng ống tre, cồng chiêng (hay còn gọi là Ching, Cà Bân)… Tuy nhiên, ngày nay các dụng cụ này đã bị mai một, chỉ có cồng chiêng vẫn đang được sử dụng.
“Nhiều nhạc cụ trước đây giờ không còn nghệ nhân làm và bán, điều này khiến người trẻ không có cơ hội tiếp cận và trao truyền. Trong khi đó, người dân lại bận rộn với công việc, không có thời gian tập luyện nên nhạc cụ truyền thống của đồng bào Cơ tu không phát triển được. Đặc biệt, nhiều tục lệ đám cưới, đám ma trước đây sử dụng nhạc cụ truyền thống cũng không còn được duy trì. Do đó, rất mong chính quyền hỗ trợ kinh phí để kêu gọi nghệ nhân tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống, đồng thời thành lập một đội múa để bà con có điều kiện sinh hoạt thường xuyên”, ông ALăng Ưi đề xuất.
Không chỉ khu du lịch sinh thái Suối Hoa, với mong muốn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, thời gian qua, khu du lịch công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài đã có những chính sách giữ gìn và phát triển văn hóa địa phương để phục vụ du khách.
Bà Lê Thị Bích Hương, Giám đốc truyền thông và marketing khu du lịch cho biết rất mong muốn duy trì, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu, trước hết là việc lan tỏa điệu múa tung tung - da dá đến đông đảo du khách, trong đó có sử dụng nhạc cụ cồng chiêng. Vì vậy, khu du lịch đã đưa điệu múa này vào phục vụ du khách trong những ngày lễ lớn và những dịp đặc biệt trong năm.
“Trên tinh thần cùng mang văn hóa Cơ tu đến gần hơn với du khách thập phương, khu du lịch đã nhận được sự đồng thuận hỗ trợ của đội múa thôn Phú Túc, huyện Hòa Vang. Bằng tình yêu điệu múa truyền thống của đồng bào mình, các diễn viên múa mang đến nhiều tiết mục độc đáo, ấn tượng và nhận được sự hưởng ứng của nhiều du khách”, bà Lê Thị Bích Hương nhấn mạnh.
Bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào Cơ tu
Hệ thống nhạc cụ của người Cơ tu được sử dụng trong lễ hội và cuộc sống thường nhật khá đa dạng và phong phú như các loại kèn, sáo, đàn trống... Đặc biệt, trong các lễ hội lớn, kèn cơrơdol được sử dụng để hòa âm cùng với cồng chiêng và một số nhạc cụ khác với tư cách giai điệu chính. Âm thanh của kèn là linh hồn của cao trào vũ điệu tung tung - da dá. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều nhạc cụ đã mai một dần trong cuộc sống cộng đồng của người Cơ tu.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, hiện nay ở Hòa Bắc chỉ còn 2 người biết chơi đàn Ân jưl (đàn ta lư), còn lại không ai biết chơi nhạc cụ gì ngoài cồng chiêng. Ở Phú Túc trước đây có 1 người chơi đàn Abel nhưng giờ cũng không còn chơi. “Vừa rồi, thành phố ban hành đề án Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ tu và giao nhiệm vụ triển khai thực hiện trong năm nay. Riêng đối với loại hình cồng chiêng thì phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã tổ chức phục dựng từ năm 2018 và nâng cấp nghệ thuật trình diễn cồng chiêng thông qua điệu múa tung tung - da dá nhằm hướng tới phục vụ khách du lịch. Nhiều khu du lịch trên địa bàn cũng đã đưa loại hình văn hóa này phục vụ khách”, ông Tân cho biết thêm.
Đến nay, UBND thành phố đã ban hành đề án “Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ tu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2023”. Theo đó, nghiên cứu cụ thể, đánh giá đúng và triển khai thực hiện công tác bảo tồn một cách khoa học, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương; bảo tồn nguyên trạng, lưu giữ các yếu tố, giá trị văn hóa gốc, tốt đẹp của đồng bào, tránh vội vàng và làm sai lệch các giá trị văn hóa tốt đẹp vốn có. Song song đó, xây dựng giải pháp tổ chức thực hiện của đề án phải phân định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, người dân, cộng đồng nhằm bảo đảm người dân được tham gia từ đầu và là chủ thể thực hiện nhằm góp phần bảo đảm chính sách được triển khai có hiệu quả.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao, mục tiêu của đề án là đến năm 2030, 100% thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả; 100% lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ tu được nghiên cứu, phục dựng, lưu giữ; 100% nghệ nhân là đồng bào Cơ tu được hỗ trợ trong việc trao truyền, đào tạo những người kế cận; 100% số thôn vùng đồng bào Cơ tu được hỗ trợ xây dựng các câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ truyền thống… Bên cạnh đó, chủ động xây dựng các mô hình văn hóa truyền thống Cơ tu như: mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù của đồng bào Cơ tu; mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể đồng bào dân tộc Cơ tu; mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng dân tộc Cơ tu. Có như thế, các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào này được phục dựng, trao truyền và gìn giữ cho thế hệ mai sau.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG