NHẠC CỤ TRUYỀN THỐNG

Mỗi nhạc cụ là một sứ giả văn hóa

.

Qua bao thăng trầm lịch sử, nhạc cụ truyền thống vẫn duy trì được sức sống mãnh liệt để ngân lên những giai điệu thấm đẫm hồn cốt, ước mơ, khát vọng về một cuộc sống hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Đâu đó giữa cuộc sống bộn bề lo toan; những sáo, đàn bầu, đàn t’rưng, đàn nhị... vẫn hiển hiện như là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với bạn bè năm châu.

Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Phương (ngoài cùng bên trái) ở một chương trình biểu diễn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: KHÁNH HÒA
Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Phương (ngoài cùng bên trái) ở một chương trình biểu diễn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: KHÁNH HÒA

Sức sống bền bỉ cùng thời gian

Một ngày cuối năm 2022, tôi có dịp được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật Hồn Việt do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện. Lần đầu tiên được xem trọn vẹn một chương trình nghệ thuật truyền thống với những trích đoạn tuồng cổ, những màn độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biễu diễn, trong tôi rung lên nỗi xúc động dạt dào. Có lẽ, đã lâu lắm rồi, giữa guồng quay của cuộc sống hối hả với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, một người trẻ ở thế hệ 8X như tôi mới được nghe lại những giai điệu mượt mà, thấm đẫm tình quê hương đất nước như thế. Từ bàn tay tài hoa của nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, từng giai điệu của nhạc phẩm “Cung đàn đất nước” ngân lên da diết, để rồi đi sâu vào lòng người.

Trước khi về công tác tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (năm 2009), nghệ sĩ Nguyễn Thanh Phương đã trải qua 7 năm học bộ môn đàn bầu tại Học viện Âm nhạc Huế. Nhưng để trở thành nghệ sĩ đủ khả năng tự tin biểu diễn trên sân khấu, nghệ sĩ Nguyễn Thanh Phương còn có nhiều năm học tập kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước; chăm chỉ tập luyện về chuyên môn, nâng cao khả năng thẩm âm cũng như bản lĩnh sân khấu.

Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Phương bộc bạch, trong vốn quý chung của âm nhạc dân tộc, nhạc cụ truyền thống luôn chiếm vị trí quan trọng và dù không có nhiều đất diễn ở những sân khấu hoàng tráng với số đông người hâm mộ cuồng nhiệt nhưng luôn có sức sống bền bỉ cùng với thời gian. Nhạc cụ dân tộc với những trống lớn, trống nhỏ, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc, đàn t’rưng... đều có quá trình hình thành và phát triển cùng thời gian, chứa đựng những giá trị, ý nghĩa văn hóa đặc biệt. Mỗi nhạc cụ truyền thống có một đặc thù riêng, cách thể hiện riêng và âm hưởng cũng đặc biệt nhưng cùng chung hơi thở, hồn cốt của văn hóa dân tộc.

“Chỉ những người có độ nhạy cảm mỹ học âm nhạc tốt và kiến thức âm nhạc sâu sắc mới có thể tạo được những “chữ đờn” hay. Do đó, khi thưởng thức âm nhạc dân gian, truyền thống, khán giả không chỉ biết đến giai điệu, loại hình nhạc cụ của dân tộc mà còn thưởng thức sự ứng biến, tô điểm của người nghệ sĩ. Chính vì vậy, người ta vẫn thường xem mỗi nhạc cụ dân tộc là những sứ giả văn hóa để quảng bá và đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”, nghệ sĩ Thanh Phương chia sẻ.

Vốn quý không thể thay thế

Hình thành và duy trì sức hút qua gần 7 thập kỷ, dàn nhạc với 12 nghệ sĩ hoạt động chuyên nghiệp tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là dàn nhạc truyền thống duy nhất ở Đà Nẵng quy tụ đầy đủ các loại hình nhạc cụ truyền thống như: đàn bầu, đàn tranh, đàn t’rưng, bộ sáo dân tộc... Dàn nhạc truyền thống cùng các tiết mục biểu diễn của nhà hát là một trong những sản phẩm văn hóa đặc sắc, thường xuyên biểu diễn ở những chương trình đối ngoại, tiếp đón các đoàn khách quốc tế của thành phố hay các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân, du khách trong và ngoài nước.

Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Phương cho biết, du khách, nhất là người nước ngoài luôn thích thú trước sự độc đáo, hấp dẫn và sức lôi cuốn của các nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Ví như cây đàn bầu, nhiều người tò mò muốn tìm hiểu và muốn biết tại sao một cây đàn chỉ có một dây nhưng lại chơi được cả một tác phẩm nghệ thuật, thậm chí có cả các tác phẩm của đất nước họ.

Trung tá, nhạc sĩ Trần Bách Ngà, Đội trưởng Đội nhạc (Đoàn Văn công Quân khu 5) khẳng định, nhạc cụ truyền thống là vốn quý không thể thay thế của âm nhạc truyền thống nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung. Hiện nay, âm nhạc truyền thống vẫn luôn là một phần quan trọng trong các chương trình biểu diễn, trình diễn của đoàn nhưng thông qua mô phỏng bằng các chức năng phần mềm từ đàn điện tử. Trong quá trình sáng tác cũng như hòa âm phối khí, các nhạc sĩ thuộc Đoàn Văn công luôn nỗ lực đưa những âm hưởng của nhạc cụ truyền thống vào các sáng tác. 

Ý thức được sứ mệnh trong hành trình gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, nhiều năm qua, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh luôn quan tâm đào tạo lớp nghệ sĩ kế cận những thế hệ đã thành danh như các NSƯT Hà Hữu Hùng (kèn), Phạm Thanh Tí (trống), Nguyễn Minh (đàn nhị)… Nhà hát cũng tích cực tập luyện, dàn dựng các tiết mục tham gia cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc truyền thống. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật, các giảng viên, học sinh, sinh viên được thể hiện khả năng cá nhân và giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau.

Thuộc lớp nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nghệ sĩ đàn nhị Nguyễn Lưu (SN 1988) tốt nghiệp khóa đào tạo nhạc cụ truyền thống tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật thành phố khóa 2011-2014. Được tuyển vào Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ngay sau khi tốt nghiệp, với quá trình khổ luyện không ngừng, đến năm 2016, Nguyễn Lưu trở thành cây đàn chính với ngón đàn điêu luyện. Nghệ sĩ Nguyễn Lưu chia sẻ, thực tế hiện nay, nhạc cụ dân tộc đang có những khởi sắc mới do nhu cầu về văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng ngày càng cao.

Ngoài thưởng thức âm nhạc giao hưởng phương Tây, người xem đòi hỏi âm nhạc truyền thống cần phải mới mẻ, sáng tạo để phù hợp thị hiếu của mọi tầng lớp và tìm ra phương thức hoạt động góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình âm nhạc truyền thống trong thời kỳ mới. Thực tế này đã được các lớp nghệ sĩ ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh như nghệ sĩ Nguyễn Thanh Phương, nghệ sĩ Nguyễn Lưu tiếp nhận và nhanh chóng thích nghi trong quá trình sử dụng, trình diễn nhạc cụ dân tộc.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Cách tải capcut pro apk