Họ là những người trẻ say mê nhạc cụ truyền thống và đang thầm lặng đánh thức tình yêu âm nhạc, cái hồn cốt của dân tộc đến nhiều thế hệ sinh viên qua các loại nhạc cụ như sáo trúc, đàn tranh, tỳ bà, đàn bầu, nguyệt…
Cô Đinh Thị Thu Dung (thứ 3 từ phải sang) cùng sinh viên biểu diễn đàn tranh tại Trường Đại học FPT Đà Nẵng. Ảnh: H.T.V |
Truyền lửa đam mê
Vào một ngày nắng nhẹ, tôi đi dọc hành lang lớp học đàn tranh do cô Đinh Thị Thu Dung (33 tuổi), giảng viên đàn tranh, Trường Đại học FPT Đà Nẵng, nhìn cô đang thổi hồn vào từng lời ca, tiếng đàn cho sinh viên. Khi ngón tay cô Dung vuốt trên các dây đàn và bắt đầu gảy, âm thanh vang lên nhẹ nhàng hệt tiếng nước chảy, tiếng suối róc rách nhảy múa nơi rừng xanh đại ngàn, lập tức tâm hồn tôi như được tưới mát và cảm tưởng những tinh hoa đất trời hội tụ khắp không gian xung quanh.
Khi được hỏi về thanh âm tiếng nước hay tiếng suối bởi tôi từng nghe nhiều loại đàn nhưng không có đàn nào miêu tả sắc nét, chân thực như vậy, cô Dung vui vẻ giải thích, đúng là đàn tranh có khá nhiều điểm đặc biệt mà không loại nhạc cụ nào thể hiện được. Ví như, khi tôi cảm nhận rõ tiếng suối hay nước chảy vì đàn tranh dùng kỹ thuật “Á”, được người chơi vuốt bằng ngón 2 (ngón trỏ) hoặc ngón 3 (ngón giữa) từ một âm lên những âm cao.
Đồng thời, người chơi vận dụng lối gảy cổ truyền, gảy liền các âm liền bậc, từ 1 âm cao xuống âm thấp, ngón cái buộc phải lướt nhanh và đều qua những hàng dây từ cao xuống thấp. Không những sở hữu kỹ thuật “Á” mà đàn tranh còn chơi theo lối ngũ âm (5 nốt) khác với các loại nhạc cụ phương Tây chơi theo công thức 7 nốt cơ bản. Để chơi đủ 7 nốt, người chơi dùng tay phải đánh và gảy đàn đủ 5 nốt, kết hợp tay trái nhấn nhá các nốt tạo ra kỹ thuật rung, luyến, láy, đó là cách để tạo nên 2 nốt còn lại. Tuy hơi khó khăn khi cùng lúc phải tạo đủ nốt nhưng những người chơi đàn không xem đó là hạn chế mà là yếu tố chính tạo nên sự đa dạng trong lối chơi nhạc cụ truyền thống dân tộc.
Sau những nốt nhạc trầm bổng, cô Dung chia sẻ, cô có 17 năm ăn, ngủ, sống trong từng nhịp thở cùng cây đàn tranh. Từ năm lớp 3, cô đã dành tình yêu cho đàn tranh. Cứ thế, đam mê ngày lớn dần nhưng để thuyết phục gia đình theo nghiệp đàn tranh thì gian nan vô cùng vì gia đình muốn cô học một ngành nghề ổn định. Cô Dung vượt nhiều khó khăn, có giai đoạn tưởng chừng như bỏ cuộc để tốt nghiệp chuyên ngành đàn tranh tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và có nhiều năm giảng dạy tại các trường, trung tâm nghệ thuật, biểu diễn chuyên nghiệp các chương trình lớn, nhỏ trong và ngoài nước. Ngoài đàn tranh, cô Dung còn chơi thuần thục đàn bầu, tỳ bà, T’rưng, sáo trúc.
“Mỗi khi chơi đàn ở trong nước hay đi lưu diễn nước ngoài, tôi hãnh diện quá đỗi khi từng nốt nhạc cất lên du dương, êm dịu như tiếng nói của dân tộc. Vì lẽ đó, có thời điểm tôi chạnh lòng khi thấy giới trẻ bỏ lửng các loại nhạc cụ và mặc nhiên xem nó chỉ tồn tại ở buổi ca hòa nhạc dành cho những người lớn tuổi... Tôi nghĩ rằng, năng khiếu nghệ thuật không phải là yếu tố chính để học nhạc cụ mà cái cần là các em phải yêu thích và dành sự kiên trì để mài dũa, rèn luyện. Chúng tôi tự hào khi ngày ngày truyền lửa đam mê chơi nhạc cụ đến nhiều thế hệ sinh viên, qua đó giúp các em tiếp cận nhạc cụ góp phần đánh thức tình yêu âm nhạc truyền thống, các em mới là người giúp nền âm nhạc dân tộc được lưu truyền qua các thế hệ sau”, cô Dung bày tỏ.
Tuy là dân ngoại đạo nhưng sinh viên Trần Nguyễn Quang Vinh (năm 2, ngành Truyền thông đa phương tiện) lại khá đam mê với đàn tranh bởi nó giúp Vinh cởi mở và gần gũi hơn với mọi người xunh quanh. Vinh làm quen với đàn tranh gần 2 năm. Lúc bắt đầu thì đơn giản là trải nghiệm nhưng dần dà Vinh cảm thấy yêu thích và muốn gắn bó với cây đàn tranh. Vinh có mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cây đàn tranh và học hỏi thêm kỹ thuật biểu diễn, có ý định phát triển hơn trong tương lai. Hiện tại, Vinh có thể chơi được nhiều tác phẩm từ dân ca cho đến hiện đại và đã tham gia nhiều cuộc thi trong lớp, trường.
“Thời gian đầu có chút khó khăn từ nhạc lý cho đến thực hành. Bây giờ thì em khá đam mê vì chơi đàn không chỉ giúp em thư giãn mà còn là món ăn tinh thần để trở nên vui vẻ, hòa đồng hơn. Em mong muốn mọi người biết đến những giai điệu truyền thống qua đàn tranh nói riêng và các loại nhạc cụ khác nói chung”, Vinh bộc bạch.
Mang nhạc cụ đến giới trẻ
Giảng dạy tại Trường Đại học FPT gần 3 năm, thầy Trần Nhật Tân (35 tuổi), giảng viên Sáo trúc, Trưởng bộ môn Nhạc cụ truyền thống vui mừng khi vừa thỏa mãn niềm đam mê vừa trao truyền cho các bạn trẻ tình yêu âm nhạc dân tộc qua các loại nhạc cụ. Thầy Tân cho hay, từ lâu, sáo trúc được biết đến nhiều qua các bài văn, câu thơ, bức tranh hay câu chuyện cổ tích của người dân Việt Nam. Đồng thời, thầy Tân tình cờ thấy mình giống như một bức tranh Đông Hồ, có hình ảnh cậu bé ngồi trên lưng trâu, đầu đội lá sen nhưng thiếu mỗi cây sáo. Vì lẽ đó, thầy có ước mơ sẽ học sáo trúc bằng mọi cách. Đến nay, thầy Tân có 19 năm gắn bó với sáo trúc, biểu diễn khắp các sân khấu lớn nhỏ trong cả nước.
“Thời điểm đó, cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng bố mẹ tôi luôn tôn trọng đam mê nghệ thuật của các con và đồng tình ủng hộ. Ngoài thổi sáo trúc, tôi có thể chơi đàn bầu. Khi bắt đầu bén duyên nghệ thuật, tôi chọn học song hành hai nhạc cụ là sáo trúc và đàn bầu. Sáo trúc đã ngấm vào máu, còn đàn bầu thì tôi tò mò qua câu nói “Đàn bầu ai gảy nấy nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” bởi đàn bầu âm thanh rất nhỏ và thời đó chưa có thiết bị kích âm nên chỉ người chơi mới nghe được, ai muốn nghe thì phải lại thật gần mới có thể nghe và đã nghe thì nghiện”, thầy Tân hào hứng nói.
Theo thầy Tân, sáo trúc có vật liệu tre hoặc trúc, có kích thước đường kính 1,5cm và dài 30cm. Sáo trúc truyền tải âm thanh một cách nhẹ nhàng, cảm xúc và réo rắt vui tươi. Sáo trúc dùng để độc tấu hoặc hòa tấu cùng dàn nhạc giao hưởng, cổ truyền, thính phòng thậm chí sử dụng trong ca nhạc hiện đại. Khi thổi sáo sẽ giúp cải thiện làn hơi, rất tốt cho những người có làn hơi yếu, cải thiện tim mạch và mang lại nhiều nguồn năng lượng tích cực.
“Bộ môn nhạc cụ dân tộc tại FPT Đà Nẵng được xếp vào kỹ năng mềm, không chỉ giúp sinh viên thư giãn sau giờ học căng thẳng mà chúng tôi mong muốn sinh viên nhận thấy giá trị, phát huy truyền thống dân tộc các thể loại nhạc cụ mà cha ông để lại. Muốn được như vậy, tôi và các thầy cô sẽ tiếp tục lan tỏa tình yêu nhạc cụ cho thế hệ sinh viên và mang nhạc cụ truyền thống đến các trường THPT trên cả nước”, thầy Tân chia sẻ.
Đoạt giải khuyến khích sáo trúc trong cuộc thi “Tích Tịch Tình Tang” do Trường Đại học FPT tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội hồi năm ngoái, sinh viên Võ Đức Minh (năm 3, ngành Trí tuệ nhân tạo) bày tỏ: “Đặc thù ngành học của em khá nặng về đầu óc nên tụi em rất cần những giờ học âm nhạc để cân bằng lại cảm xúc. Vì vậy, khi thổi sáo em có thể thả hết cảm xúc vào các nốt nhạc nên thấy khá thú vị và đầy thách thức. Chỉ cần tiếng sáo vang lên là bao mệt mỏi, căng thẳng trong em dường như biến mất”.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Mai Tấn Linh, hiện nay, tại Đà Nẵng có 3 trường là THCS & THPT Nguyễn Khuyến, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và Trường Phổ thông Hermann Gmeiner có điều kiện giảng dạy nhạc cụ dân tộc. Ngoài ra, những trường khác sẽ theo mô hình lồng ghép hoặc tổ chức lớp ngoại khóa để giới thiệu cho học sinh biết về các loại nhạc cụ dân tộc. Vì vậy, việc đưa nhạc cụ vào giảng dạy ở Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh, thành phố khác nói chung là vốn quý, giúp các em phát huy và giữ gìn giá trị bản sắc dân tộc nhưng phải từng bước, tùy theo trình độ học sinh và thời điểm thích hợp. |
HUỲNH TƯỜNG VY