TƯỞNG NHỚ NHẠC SĨ TÔN THẤT LẬP (1942-2023):

Lời ca thấm đẫm chất thơ

.

Nhạc tranh đấu của Tôn Thất Lập mạnh mẽ về giai điệu nhưng sâu lắng về ca từ nên không chỉ có thôi thúc, vang xa mà thấm thía, thuyết phục bằng những liên tưởng đẹp, đầy chất thơ về hình ảnh, về lịch sử - văn hóa...

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Ảnh tư liệu
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Ảnh tư liệu

Quê nội ở Huế nhưng Tôn Thất Lập được sinh ra ở quê ngoại (Đà Nẵng), học mẫu giáo ở Trường Tàu cạnh nhà thờ Con Gà. Sau vào học tiểu học ở Trường Dục Anh (Tam Kỳ) rồi về Huế tiếp tục học tiểu học và trung học. Trong thời gian này (lúc 14-15 tuổi), ông đã đến với âm nhạc và thành công ngay từ sáng tác đầu tay. Bài hát “Một dòng sông” được phát trên Đài Phát thanh Huế.

Trở thành sinh viên ở Sài Gòn, Tôn Thất Lập chính thức tham gia vào phong trào đấu tranh của tuổi trẻ miền Nam lúc ấy. Và nhắc đến Tôn Thất Lập là nhắc đến người nhạc sĩ đi đầu phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Tiếng hát những đêm không ngủ” trong những ngày sôi sục đấu tranh của học sinh, sinh viên, Phật tử miền Nam chống xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai. Và cái gì đến rồi cũng đến, tháng 5-1970, khi ông đang tập chương trình để hỗ trợ phong trào sinh viên Đại học Cần Thơ thì bị bao vây và bắt về Nha Cảnh sát Ðô thành.

Vào tù, ông lập tức sáng tác ngày bài “Hát trong tù” để bạn tù cùng hát và giữ vững ý chí đấu tranh. Năm 1972, ông vào chiến khu, cuối 1973 ra Bắc, theo học tại Nhạc viện Hà Nội. Rồi trở về Nam tiếp tục tham gia phong trào và được phân công sang Pháp để vận động Việt kiều và trí thức miền Nam ủng hộ phong trào đấu tranh trong nước. Ở nước ngoài, được Việt kiều tin yêu, tạo điều kiện, ông tiếp tục sáng tác. Bài hát “Hướng về quê hương độc lập”, ông viết ở Paris khi nhận tin miền Nam giải phóng.

Và ngay đêm 30-4-1975, chính ông cùng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo (Việt kiều tiến bộ tại Pháp) song ca bài này với cây guitar thùng trong lễ mừng giải phóng miền Nam tại Pháp. Sau 1975, ông về nước, tiếp tục tham gia quản lý, hoạt động, sáng tác âm nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Nhạc tranh đấu của Tôn Thất Lập mạnh mẽ về giai điệu nhưng sâu lắng về ca từ nên không chỉ có thôi thúc, vang xa mà thấm thía, thuyết phục bằng những liên tưởng đẹp, đầy chất thơ về hình ảnh, về lịch sử - văn hóa: Hát cho sông không sâu, cho tiếng kêu đò thật gần. Hát cho đêm qua lâu, cô gái đưa người vào bờ. Hát sâu trong xa xưa tiếng hát Trưng Vương hồng thơm. Hát vang danh Lam Sơn người cũng như mây lên non. Hát cho trăm năm son sử vàng cũng biết môi thơm (Hát cho đồng bào tôi nghe).

Có thể nói, trong dòng nhạc này, lời hát được cấu trúc như những bài thơ và giàu chất thơ nên dù là nhạc phong trào, kêu gọi đấu tranh, nó vẫn thấm rất sâu, thậm chí là rất lâu trong lòng người nghe, người hát, vì bên cạnh “tiếng reo hò” kêu gọi của nhịp điệu là những “ánh sao đêm” lãng mạn, bay bổng của chất thơ: Tiếng hát reo hò vây quanh giặc cướp, đêm có sao trời phố phường thong dong (Đêm hồng). Hình ảnh sử dụng rất cụ thể và sinh động: Em thơ vui chân sớm lên trường. Dăm con chim đã hót ngoài đường. Giọng hò ai trong sương. Con trâu đang xem nắng thanh bình. Nghe chim quуên đậu xuống đầu đình. Vội vàng nhai câу rơm (Đồng lúa reo)…

Trong cuộc đời âm nhạc của mình, Tôn Thất Lập không chỉ có những ca khúc vang dội, thôi thúc đấu tranh mà từ tác phẩm đầu tay đến hết cuộc đời, ông vẫn có những tình ca nổi tiếng. Nếu “Ướt mi” là bài tình ca đầu tay của Trịnh Công Sơn, thì “Một dòng sông” là bản tình ca đầu tay của Tôn Thất Lập. Nghĩa là, cả hai nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc đấu tranh, phản chiến đều xuất phát từ những giai điệu của tình ca.

Vì thế, sau Trịnh Công Sơn, chất thơ trong nhạc trữ tình của Tôn Thất Lập đã làm nên những giá trị bền vững trong từng ca khúc của ông: Em về một thoáng mưa bay, nhưng kỷ niệm có quên ai. Chiều chiều hàng cây thắp nến, là lúc tan trường, tiễn em về phố quen (Những con đường nhỏ). Đó còn là những: Thu vàng ngủ trên vai xuôi... Mây hồng nằm xa trên môi (Buổi sáng chim bay) đầy quyến rũ. Những bài ca viết trong thời bình của ông, càng về sau càng tươi tắn chính bởi chất thơ vốn có từ bản thể: Mưa dịu dàng hàng cây đứng yên. Mùa thu tới lá vàng nghiêng nghiêng. Em dịu dàng tình anh bão bùng. Tóc mây như trời rọi lòng tình trăm năm (Mưa thì thầm).

Cặp hình ảnh song trùng mùa xuân và tuổi trẻ xuất hiện rất nhiều và dường như trở thành biểu tượng làm nên phong cách Tôn Thất Lập: Nửa đêm nghe xuân về. Nghe đời lên rất trẻ. Gọi tên anh thầm nhớ. Lời ru em dạt dào (Tình ca mùa xuân). Nhất là sự hòa quyện đến bay bổng, đầy ánh sáng, sức sống mùa xuân và tràn nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ: Về lại chiến khu, ghé qua Thường Lam hay qua Lạc An. Một trời nước non Tân Uyên chờ ai, sương bay Mã Đà. Dòng điện sáng lên, cháy trong lòng ta xóa bao nhọc nhằn. Lặng nghe nước reo, âm vang mùa xuân ước mơ rực sáng. Dòng điện thắp lên sáng cho tình em, sáng cho ngày mai (Trị An âm vang mùa xuân)…

Tôn Thất Lập từng nói: “Âm nhạc là chiếc cầu nối trái tim của con người” còn Trịnh Công Sơn thì nhận xét: “Tôn Thất Lập đã đến với âm nhạc bằng những tình khúc, mặc dù trong chiến tranh anh được biết nhiều như một nhạc sĩ của phong trào. Chiến tranh chỉ là một tai nạn của đời thường. Không ai mơ ước ca hát mãi về chiến tranh như một lẽ sống. Cũng vậy, Tôn Thất Lập đã từ lâu, lại tiếp nối tiếng hát về Em như một trách nhiệm của người biết rao giảng về chuyện tình”.

Nói đến âm nhạc là nói đến giai điệu, tiết tấu, nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò mang yếu tố quyết định sự trường cửu của nghệ thuật chính là “cái tứ” nội dung và chất thơ trong lời hát. Có thể nói, sức bền của âm nhạc Tôn Thất Lập xuất phát từ sự hòa hợp ấy.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sinh ngày 25-2-1942 tại thành phố Đà Nẵng. Cả quãng đời thanh xuân, ông dành cả cho phong trào đấu tranh của tuổi trẻ miền Nam trong lòng đô thị bị tạm chiếm. Đồng hành cùng ông trong cuộc dấn thân ấy và suốt cả cuộc đời, chính là tài năng âm nhạc. Đương thời, ông kinh qua các chức danh: Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam; được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt 2 (2007).
Ngày 26-7-2023, Tôn Thất Lập trút hơi thở cuối cùng, gửi lại dương trần 81 mùa xuân cùng toàn bộ sự nghiệp âm nhạc của mình.

Làng Yên Phú, đầu Thu 2023
MAI BÁ ẤN

;
;
.
.
.
.
.