Đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ

.

Chính sách phát triển kinh tế biển tại Đà Nẵng đã tạo điều kiện cho các chủ tàu, tổ đoàn kết mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng tập trung khai thác thủy sản xa bờ. Qua đó, nâng cao sản lượng đánh bắt cũng như đầu tư phương tiện theo hướng hiện đại, bền vững.

Sự đồng hành của các cấp chính quyền, đoàn thể giúp ngư dân yên tâm bám biển. Ảnh: T.Y
Sự đồng hành của các cấp chính quyền, đoàn thể giúp ngư dân yên tâm bám biển. Ảnh: T.Y

Tạo động lực cho ngư dân vươn khơi

Giá xăng, dầu tiếp tục tăng khiến việc ra khơi của ngư dân gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Xấu, Tổ trưởng Tổ đoàn kết Thắng Lợi (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, trước đây, chi phí cho mỗi chuyến đi biển dao động 90-100 triệu đồng, nay tăng lên khoảng 120 triệu đồng. Dù vậy, với tinh thần “có sướng cùng hưởng, có họa cùng chia”, thành viên tổ đoàn kết tự tin tổ chức những chuyến biển dài ngày ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Theo ông Xấu, sự tự tin xuất phát từ hoạt động trợ giúp nhau trên biển của các thành viên tổ đoàn kết. Hễ tàu nào tìm được luồng cá tốt sẽ gọi bạn tàu đến cùng khai thác, đánh bắt.

Tổ đoàn kết Thắng Lợi ra đời năm 2019, đến nay có 16 tàu công suất hơn  400CV (trong đó có 8 tàu công suất hơn 700CV), hoạt động dưới các hình thức như lưới chuồn, câu mực khơi, câu cá ngừ đại dương hoặc phục vụ hậu cần trên biển… Với kinh nghiệm đi biển nhiều năm, ông Xấu khẳng định, đánh bắt thủy sản xa bờ mới mang lại hiệu quả kinh tế, giúp ngư dân nhanh chóng làm giàu. Ông ước tính, mỗi tàu công suất hơn 700CV sau một chuyến biển dài ngày có thể đạt sản lượng trung bình  5-10 tấn cá.

Trong khi đó, ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho rằng, từ khi tham gia nghiệp đoàn nghề cá, tinh thần đoàn kết trên biển của ngư dân tăng cao. Cùng với đó, sự hỗ trợ của thành phố về các chính sách khai thác thủy sản, bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ thiết bị công nghệ (mô hình đèn led, pin năng lượng mặt trời) đã tiếp thêm động lực cho ngư dân vươn khơi.

Ngoài ra, để thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của các thành viên nghiệp đoàn, ông Minh vận động mỗi tàu cá đóng góp 500.000 đồng/năm. Số tiền này dùng để hỗ trợ sửa chữa, đóng mới tàu cá, cũng như tổ chức các lễ cúng theo tín ngưỡng dân gian. “Riêng bảo hiểm thân máy, ngoài 40% kinh phí do Nhà nước hỗ trợ, thành phố hỗ trợ thêm 50% đã giúp chủ tàu giảm áp lực chi phí trong quá trình vận hành hoặc xử lý sự cố nếu có”, ông Minh nói.

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế quận Sơn Trà, hiện địa phương có hơn  1.200 tàu, thuyền với sản lượng khai thác thủy sản trong 5 tháng đầu năm ước đạt hơn 12.000 tấn (bằng 105,64% so với cùng kỳ năm 2022). Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay, chủ đề năm 2023 của quận là năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, quận Sơn Trà tập trung phát triển kinh tế biển gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống ngư dân ven biển.

Cũng theo ông Hùng, thời gian qua, quận Sơn Trà liên tục triển khai các chính sách hỗ trợ nâng cấp tàu cá, hỗ trợ khai thác trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời, đề xuất UBND thành phố xem xét, phê duyệt danh sách thụ hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, pin năng lượng mặt trời, đèn led, khay nhựa đựng hải sản…

Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, quận phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu khai thác thủy sản, tăng cường hoạt động quản lý tàu cá khai thác xa bờ, không để phát sinh tàu cá có chiều dài dưới 12m, nâng cao năng lực khai thác hải sản cũng như chuyển dịch cơ cấu tàu, thuyền theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Đây cũng là những chính sách cơ bản nhằm hỗ trợ các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, đặc biệt là các tổ đánh bắt xa bờ, các nghiệp đoàn, chi hội nghề cá nhằm tạo động lực cho ngư dân vươn khơi.

Tăng cường bám sát mục tiêu

Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu nghề đánh bắt theo hướng vươn khơi khai thác xa bờ, hạn chế đánh bắt ven bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Với chiến lược này, thành phố phấn đấu đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản 3-4%/năm; tổng sản lượng thủy sản toàn thành phố đạt 38.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản chiếm 95-97%; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 250 triệu USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản sẽ trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững; là trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực gắn với ngư trường Hoàng Sa; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế biển, tạo sản phẩm chủ lực, có chất lượng và giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Mục tiêu này cũng được các chuyên gia phân tích tại hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế biển ở Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra” diễn ra hồi tháng 5 tại Đà Nẵng. TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng, phát triển kinh tế biển cần gắn liền với sinh kế bền vững cho cư dân ven biển. Tuy nhiên, nguồn sinh kế dựa vào biển của ngư dân Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang suy giảm đáng kể khi nguồn lợi thủy sản, ngư trường đánh bắt bị thu hẹp. Kinh phí cho những chuyến ra khơi dài ngày lớn, chưa kể thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu có nhiều quy định khắt khe hơn.

Theo TS. Hoàng Hồng Hiệp, để đẩy mạnh hiệu quả khai thác thủy sản xa bờ, Đà Nẵng cần tập trung hiện đại hóa công nghệ đánh bắt và phương tiện bảo quản thủy sản cho đội tàu khai thác xa bờ. Đồng thời, đẩy nhanh phát triển lĩnh vực hậu cần nghề cá, chuẩn hóa hạ tầng âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, bảo đảm kiểm soát nguồn gốc thủy sản, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu thủy sản.

Để bảo đảm các mục tiêu đề ra, TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng cho rằng, chiến lược phát triển kinh tế biển cần đặt trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội chung của thành phố. Với kết quả đánh giá sơ bộ về phát triển bền vững các ngành kinh tế biển cấp tỉnh đạt 96,6%, Đà Nẵng có lợi thế lớn trong việc hoạch định chính sách, đánh giá hiệu quả khai thác cũng như từng bước tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình thực thi chính sách.

Thời gian qua, ngành khai thác và chế biến thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu chủ yếu tại Đà Nẵng, với năng suất gần 200.000 tấn mỗi năm. Hiện thành phố có hơn 1.200 tàu khai thác hải sản, 94 tổ đoàn kết với 680 tàu cá tham gia. Chi cục trưởng Chi cục thủy sản thành phố Lưu Quang Khánh cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đăng ký tham gia bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu, qua đó nâng cao tỷ lệ ngư dân tham gia bảo hiểm, phòng trường hợp rủi ro khi tham gia đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Cũng theo ông Khánh, thời gian tới chi cục sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân cũng như xây dựng thêm những chính sách đặc thù nhằm giúp ngư dân yên tâm khai thác hải sản xa bờ.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.