Nhìn lại 3 năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị

.

Thực ra Đà Nẵng chính thức bắt đầu thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ đầu tháng 7 năm 2021 - như vậy, chỉ mới hơn hai năm khi chính quyền địa phương ở thành phố bên sông Hàn bước vào nhiệm kỳ 2021-2026 mà không có sự đồng hành của HĐND 6 quận và 45 phường trên địa bàn quận. Và mặc dầu không phải lần đầu Đà Nẵng thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, nhưng lần thí điểm này có rất nhiều điểm khác biệt so với giai đoạn 2008-2016 cũng thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15-11-2008 của Quốc hội - trừ một điểm giống nhau là chức danh Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa ở cả hai lần đều được Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm hợp pháp cùng các Chủ tịch UBND quận, huyện trên đất liền, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa.

Việc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng sẽ đưa thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH
Việc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng sẽ đưa thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH

Khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, điều người dân trên các địa bàn thí điểm lo lắng nhất là quyền dân chủ đại diện của mình có bị hạn chế không khi mà cả hai cấp HĐND gần dân nhất, sát cơ sở nhất không được tổ chức. Thực tế cho thấy quyền dân chủ đại diện của người dân vẫn cơ bản được bảo đảm thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của HĐND thành phố nói chung và của tổ đại biểu HĐND thành phố từng quận nói riêng, chưa kể thông qua việc tổ chức đối thoại giữa các chủ tịch UBND quận, phường với người dân được tổ chức định kỳ ít nhất mỗi năm hai lần. Vì vậy, nhìn lại hơn hai năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14, theo tôi cần đánh giá sâu hơn về kết quả thực hiện vai trò “ba trong một” của các vị đại biểu HĐND thành phố nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm khẳng định tính khả thi của việc đảm đương vai trò “ba trong một” này.

Dường như trong hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 vào cuối tháng 8 vừa qua do thành phố tổ chức, cũng đã xuất hiện một nhận định cho rằng khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, nhiệm vụ của HĐND thành phố tăng lên - trong đó có áp lực của vai trò “ba trong một”, bao gồm cả áp lực do số lượng đối tượng giám sát trực tiếp nhiều hơn trước; thế nhưng hiện nay số lượng đại biểu chuyên trách còn ít, làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử.

Theo tôi rất cần có sự khác biệt về số lượng đại biểu nói chung, số lượng đại biểu chuyên trách nói riêng của HĐND ba thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng là các địa phương đang thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (trong đó Hà Nội chỉ thí điểm ở các phường) so với số lượng đại biểu/đại biểu chuyên trách HĐND tỉnh/thành phố vẫn đang còn có sự đồng hành của HĐND quận và phường. Giảm một số lượng đáng kể đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường có thể được ghi nhận như là kết quả nhãn tiền của việc thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14, nhưng ở đây đâu chỉ có giảm mà còn cần tăng ở những chỗ đáng phải tăng!

Trong hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 cũng có đề cập câu chuyện quyền lực của Chủ tịch UBND thành phố, rằng cần cho phép UBND thành phố phân công Chủ tịch UBND thành phố thay mặt UBND thành phố xem xét, quyết định những vấn đề đột xuất, cấp bách, cần xử lý gấp và một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền của UBND thành phố.

Theo tôi, nên nói rõ rằng những vấn đề đột xuất, cấp bách cần xử lý gấp và một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền của UBND thành phố - từ đó mà phân công cho Chủ tịch UBND thành phố nhằm tăng tính kịp thời - là những vấn đề chỉ phát sinh trong quá trình Đà Nẵng thí điểm mô hình chính quyền đô thị, chứ nếu phát sinh trong quá trình quản lý Nhà nước ở địa phương nói chung, thậm chí trong quá trình quản lý Nhà nước ở huyện/xã Hòa Vang, thì tất cả Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trong cả nước cũng không thể vượt trên quy định tại khoản 9 điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13.

Đặc trưng của mô hình chính quyền đô thị là tập trung - chứ không phải phân tán/phân cấp - quyền lực về đầu mối thành phố phù hợp với tính chất đô thị, do vậy tương tự như HĐND thành phố, UBND thành phố cũng phải chịu áp lực của vai trò “ba trong một”, đương nhiên có nhẹ hơn nhờ có “chân rết” là bộ máy quản lý hành chính Nhà nước ở các quận và các phường được vận hành theo cơ chế thủ trưởng do các chủ tịch UBND quận - mà bản chất là chủ tịch Ủy ban hành chính - đảm nhiệm. Đề xuất phân công cho chủ tịch UBND thành phố được quyết định theo cơ chế thủ trưởng trong một số trường hợp cấp thiết nhằm tăng tính kịp thời cũng rất chính đáng nhưng không quan trọng bằng việc tạo điều kiện cho cả UBND thành phố - bao gồm giám đốc các sở trực thuộc và các chủ tịch UBND quận - thực hiện hiệu quả vai trò “ba trong một”.

Một trong những “điểm nghẽn” do vai trò “ba trong một” của UBND thành phố chưa đáp ứng tốt là vấn đề ngân sách của quận/phường. Khi thực hiện chuyển ngân sách quận/phường từ một cấp ngân sách thành một đơn vị dự toán thì không còn nguồn kết dư, không còn dự phòng và không thể tăng thu ngân sách, dẫn tới khó khăn tại chỗ trong việc chủ động bảo đảm kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách về quốc phòng - an ninh, về phòng chống thiên tai/dịch bệnh và không ít nhiệm vụ phát sinh đột xuất trong năm trên địa bàn từng phường/quận.

Thực tế này đòi hỏi lĩnh vực tài chính - ngân sách cấp thành phố thuộc thẩm quyền của UBND thành phố phải có đủ điều kiện để làm tròn vai trò “ba trong một”. Trong khi chờ đợi sự hoàn thiện đồng bộ từ Quốc hội và Chính phủ nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” đầu-tiên - tiền-đâu này qua việc điều chỉnh bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội hay Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Sở Tài chính nên nghiên cứu tham mưu cho UBND thành phố khả năng tác nghiệp khẩn trương hơn nữa, tinh giản hơn nữa, rút ngắn hơn nữa quy trình thủ tục và thời gian giải quyết công vụ… đối với các đơn vị dự toán ngân sách “đặc biệt” là các UBND quận/phường, xem đấy là các khoản chi “nội bộ” của UBND thành phố, nhất là trong tình huống khẩn cấp.

Những con số nêu trong kết quả khảo sát mới đây như 73,5% cán bộ, công chức, viên chức quận, như 60% cán bộ, công chức phường có chung nhận xét rằng công tác quản lý tài chính ngân sách quận/phường khi chuyển sang thực hiện nhiệm vụ đơn vị dự toán không còn là một cấp ngân sách như hiện nay là chưa hợp lý, rất đáng để suy ngẫm! Ngoài ra, trong hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 còn có một vấn đề khác cũng liên quan đến quyền lực của HĐND thành phố, của UBND thành phố và của các chủ tịch UBND quận là cần tiếp tục quy định trong Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội và trong Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ một số nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND quận nhưng trước đây vẫn chưa được quy định cụ thể trong hai văn bản quy phạm pháp luật quan trọng này của Trung ương.

Về nguồn nhân lực thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14, ngoài vấn đề về số lượng đại biểu nói chung, số lượng đại biểu chuyên trách nói riêng của HĐND thành phố đã phân tích bên trên, còn có vấn đề số lượng cán bộ, công chức của bộ máy hành chính các quận, còn có vấn đề chất lượng công vụ của các chủ tịch UBND quận/phường nói riêng và của cả đội ngũ cán bộ công chức ở UBND quận/phường - bao gồm công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch được chủ tịch UBND phường ủy quyền ký tên và đóng dấu UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản theo nhu cầu của người dân.

Do vậy bên cạnh đề xuất về quy định cụ thể hơn cơ chế liên thông cán bộ, công chức giữa cấp quận và cấp phường, cần đề xuất việc bồi dưỡng, tập huấn tại chỗ cho đội ngũ này. Trong hai năm 2009 và 2010, Đà Nẵng đã thành công trong việc triển khai Đề án Tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND phường/xã trên địa bàn thành phố, mong rằng Đà Nẵng tiếp tục có những đề án hiệu quả tương tự nhằm góp phần thực hiện tốt hơn nữa mô hình chính quyền đô thị.

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.