Khi những cơn mưa trắng trời trút xuống thì tình trạng sạt lở ở khu vực núi cao và vùng trũng thấp lại càng trở nên nguy hiểm. Do đó, công tác phòng, chống và khắc phục sạt lở luôn được các cơ quan chức năng đặt lên hàng đầu nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân.
Để bảo đảm an toàn cho người dân và du khách, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đặt rào chắn và thông báo tạm dừng tham quan tại bán đảo Sơn Trà cho đến khi có thông báo mới. Ảnh: Đ.H.L |
Khắc phục sạt lở ở khu vực xung yếu
Năm nay, tuy mới đầu mùa mưa nhưng những trận mưa lớn đã làm ảnh hưởng một số đoạn đường lên bán đảo Sơn Trà. Khảo sát thực tế của chúng tôi thấy, tuyến đường Yết Kiêu - Bãi Bắc đã xảy ra sạt lở tại khu vực cách Khu du lịch InterContinental Danang Sun Peninsula Resort 300m về hướng đỉnh Bàn Cờ và được gia cố bằng bao cát. Ngoài ra còn có một số điểm sạt lở nghiêm trọng như tuyến đường Hồ Xanh - Bãi Bắc với 3 điểm sạt lở, tuyến Bãi Bắc - Cây đa với 5 điểm sạt lở; riêng tuyến Tiên Sa có 2 điểm sạt lở, 2 cây ngã chắn đường giao thông và đang bị đất đá chắn ngang lối đi.
Trước tình hình trên, ông Phan Minh Hải, Phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện ban quản lý đã cho lắp đặt 3 bảng thông báo tạm dừng tham quan tại 3 trạm gác Tiên Sa, Yết Kiêu, bãi xe APEC; đồng thời lắp đặt bảng khuyến cáo sạt lở, giăng dây cảnh báo các khu vực sạt lở nguy hiểm và đóng barie tạm dừng tham quan tại bán đảo Sơn Trà cho đến khi có thông báo mới. Bên cạnh đó, ban quản lý phối hợp UBND quận Sơn Trà và các đơn vị liên quan rào chắn, chốt trực 24/24 giờ tại khu vực trước chùa Linh Ứng để hướng dẫn người dân và du khách không tổ chức tham quan; tiếp tục cử lực lượng phát quang các cành cây gãy đổ, thu dọn đất đá, xử lý các điểm sạt lở nhỏ và phối hợp các đơn vị liên quan, hỗ trợ khắc phục sạt lở tại các tuyến du lịch.
“Để bảo đảm an toàn cho du khách và khắc phục sự cố do mưa bão gây ra, ban quản lý đề xuất Sở Du lịch thông báo các đơn vị lữ hành tạm dừng đưa đón khách tham quan tại bán đảo Sơn Trà cho đến khi các tuyến đường được sửa chữa, khắc phục. Bên cạnh đó, ban quản lý cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan triển khai các nội dung theo phân cấp quản lý chủ trì, huy động lực lượng, phương tiện cơ giới sớm khắc phục các vị trí sạt lở, hư hỏng hạ tầng đường, điện, cây gãy đổ… trên các tuyến đường tại bán đảo Sơn Trà”, ông Phan Minh Hải đề nghị.
Cũng là nơi thường xuyên xảy ra sạt lở nghiêm trọng, tình trạng mưa lớn kéo dài vào chiều 13-10 đã làm ta-luy dương đèo Hải Vân tại Km905+600 (quận Liên Chiểu) xảy ra sạt lở lớn. Điểm sạt lở này nằm ngay vị trí bị sạt lở do mưa bão hồi năm 2022, khiến khối lượng lớn đất đá đổ xuống mặt đường quốc lộ 1 và các khung sắt gia cố ta-luy dương cũng đổ sập gây tắc đường hoàn toàn.
Sau khi Khu Quản lý đường bộ III và Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố thực hiện các biện pháp khắc phục, đến ngày 15-10, các phương tiện giao thông mới chính thức được lưu thông. Tuy nhiên, đây vẫn là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất khi mưa lớn. Do đó, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố đã triển khai lắp bảng cảnh báo tại vị trí này và phân công lực lượng chức năng túc trực thường xuyên để hướng dẫn, điều tiết các phương tiện lưu thông qua đèo Hải Vân an toàn.
Di dời người dân ra khỏi vùng thiên tai
So với các quận khác, huyện Hòa Vang là địa bàn nông thôn có nhiều đồi núi và cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ nên rất dễ xảy ra sạt lở nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân. Trong đó có 10 khu vực có nguy cơ sạt lở cao như khu vực Phú Túc, Hòa Thọ (xã Hòa Phú); khu vực Núi Sọ, Nghĩa trang Hòa Sơn (xã Hòa Sơn); các thôn Phò Nam, Tà Lang, Nam Yên, An Định (xã Hòa Bắc); khu vực đồi Lệ Mỹ tại thôn Quan Nam 3, đường ADB 5 thôn Trường Định (xã Hòa Liên).
Để chủ động ứng phó tình hình sạt lở, ngay từ đầu năm, lãnh đạo huyện đã làm việc với các ngành, địa phương liên quan đến các vấn đề bức xúc kéo dài của người dân trên địa bàn xã Hòa Sơn. Tại buổi làm việc, Huyện ủy giao UBND huyện khẩn trương đôn đốc các ngành liên quan tăng cường công tác phối hợp, chủ động làm việc với các sở, ban, ngành thành phố sớm có quyết định chủ trương đầu tư dự án “Di dời, bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, sạt lở đất tại xã Hòa Sơn và xã Hòa Bắc” trong tháng 4-2023.
Song song đó, Đảng ủy và chính quyền xã Hòa Sơn chủ động tuyên truyền cho người dân tại khu vực di dời hiểu rõ các chủ trương, kế hoạch di dời và chủ động đưa ra các giải pháp phòng chống nguy cơ sạt lở, tự bảo vệ tính mạng và an toàn tài sản của người dân. Đặc biệt, 6 hộ có nguy cơ mất an toàn cao do nhà ở bị lún, nứt được vận động di dời theo chính sách cho thuê nhà ở tạm của thành phố.
Riêng đối với các vấn đề liên quan đến khu vực Nghĩa trang Hòa Sơn, UBND huyện làm việc với Sở Xây dựng thống nhất đề xuất phương án trình thành phố giải quyết các vấn đề liên quan đến các hộ dân thuộc khu vực này như nước sạch phục vụ sinh hoạt, bảo đảm vành đai cách ly vệ sinh môi trường, di dời các hộ dân bị ảnh hưởng… Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, hiện nay xã đang thực hiện di dời các hộ dân ở khu vực Núi Sọ, thôn An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn).
Nghị quyết số 32/NQ-HĐND do HĐND thành phố ban hành ngày 19-7-2023 đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án di dời, bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, sạt lở đất tại hai xã Hòa Sơn và Hòa Bắc với tổng kinh phí gần 81,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, thực hiện trong giai đoạn 2023-2026.
Trong đó, thực hiện di dời 43 hộ dân, 137 nhân khẩu thuộc khu vực Núi Sọ, thôn An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn) và 20 hộ dân với 68 khẩu tại các thôn Tà Lang, Phò Nam, Nam Yên (xã Hòa Bắc) ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, sạt lở đất; đồng thời, xây dựng khu tái định cư Tà Lang - Giàn Bí để bảo đảm quỹ đất di dời các hộ dân tại khu vực xã Hòa Bắc theo kế hoạch thực hiện Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp hiện nay, ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội huyện và các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho nhân dân triển khai thực hiện pháp luật về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Từ đó, nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai, biện pháp phòng tránh; phổ biến kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống các loại hình thiên tai đến mọi tầng lớp nhân dân. Cùng với việc hướng dẫn người dân chủ động các phương án chằng chống nhà cửa ứng phó bão lớn là tăng cường công tác kiểm tra các hộ dân có nhà ở không kiên cố, nhà tạm của các dự án và những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, lũ quét để có phương án di dời, sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Tổ chức trực ban 24/24 giờ Ngày 23-10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố thành phố ban hành Công điện 11/CĐ-PCTT về Ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất và gió mạnh, sóng lớn trên biển. Theo đó, các đơn vị có liên quan thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết tin gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển để chủ động phòng tránh. Các lực lượng vũ trang, UBND các quận, huyện, xã, phường sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống do thiên tai có thể gây ra. Các sở, ngành, UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, mưa, lũ; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; thường xuyên báo cáo công tác ứng phó và tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra nếu có. |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG