Bạo lực gia đình không còn là chuyện trong nhà mà đã trở thành vấn đề được xã hội quan tâm. Hiện nay, mỗi tổ dân phố, mỗi khu dân cư đều hình thành những hội, nhóm, CLB phòng chống bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc... Tuy nhiên, để tình trạng này chấm dứt, nhiều ý kiến cho rằng người dân cần chấp nhận bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội phải được giải quyết dựa trên cơ sở xóa bỏ định kiến giới.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Tú Oanh cho rằng phụ nữ cần độc lập về tài chính để góp phần xóa bỏ định kiến giới. Ảnh: T.Y |
Rào cản hạnh phúc
Cách đây không lâu, một phụ nữ (xin giấu tên) tìm đến Trung tâm Tư vấn các vấn đề hôn nhân, gia đình Viet Genius (quận Thanh Khê) nhờ giúp đỡ. Chị cho biết, chị và chồng kết hôn năm 2007. Sau thời gian về sống chung, nghe lời chồng, chị nghỉ việc ở nhà chăm sóc gia đình để anh toàn tâm, toàn ý phát triển sự nghiệp kinh doanh.
Tuy nhiên, những năm gần đây, chị thường xuyên bị chồng coi thường, lục đục chuyện tiền nong, mọi chi tiêu đều bị anh kiểm soát. Chưa kể, anh thường xuyên đi tối, về khuya, vợ hỏi thì trả lời cộc cằn “cô ở nhà thì biết chi công việc của tôi mà can thiệp”. Theo chị, dù đã cố gắng nhẫn nhịn nhưng thái độ xem thường, cợt nhã, thiếu tôn trọng của chồng khiến bản thân cảm thấy bị tổn thương, ngột ngạt và có ý định ly hôn.
Sau khi lắng nghe câu chuyện của chị, chuyên gia tâm lý Nguyễn Tú Oanh của Viet Genius cho biết, việc người vợ ở nhà nội trợ, bị người chồng xem thường là biểu hiện của định kiến giới và vấn đề này không hiếm gặp trong đời sống xã hội hiện nay. Nói cách khác, người chồng đã có những nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về vai trò, vị trí của người vợ trong gia đình, dẫn đến những biểu hiện, hành vi không đúng đắn. Tuy nhiên, với trường hợp này, chính người vợ đã tạo điều kiện thúc đẩy định kiến giới khi tiếp tục chịu đựng, nhẫn nhịn.
“Trường hợp này, tôi khuyên chị về nói chuyện trực tiếp với chồng nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong lòng. Đặc biệt, chị cần lập kế hoạch thay đổi tư duy, cảm xúc, hành động theo hướng độc lập tài chính và làm chủ cảm xúc của bản thân”, chị Oanh chia sẻ.
Cũng theo chị Nguyễn Tú Oanh, mỗi tháng Viet Genius đón tiếp hàng chục trường hợp đến tham vấn vấn đề hôn nhân, gia đình. Đa phần chồng/vợ cảm thấy không hài lòng với cuộc hôn nhân hiện tại và từng có ý định ly hôn. Qua chia sẻ của khách hàng nữ, chị Oanh nhận thấy trong xã hội có rất nhiều người chồng thường xuyên đi sớm, về muộn, không đóng góp kinh tế, không tôn trọng vợ con, thậm chí rất nóng tính và động tay, động chân khi người thân góp ý.
“Tôi nhận thấy bạo lực gia đình (bạo lực thể xác, tinh thần, tình dục và tài chính) có gốc gác sâu xa từ định kiến giới “trai trên, gái dưới”, “trọng nam, khinh nữ” hoặc “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”… Những áp lực vô hình từ định kiến giới khiến đàn ông, phụ nữ phải luôn gồng mình chịu đựng và khi không thể chịu đựng nữa thì xung đột, bạo lực gia đình rất dễ xảy ra”, chị Oanh thông tin thêm.
Một trong những mục tiêu cơ bản của bình đẳng giới, theo Luật Bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt, đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam, nữ trong phát triển kinh tế, xã hội và phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Tại nhiều địa phương, công tác phòng, chống bạo lực gia đình tập trung vào giáo dục giới tính, phát huy vai trò của gia đình, tộc họ trong giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử ở cộng đồng dân cư.
Bà Lưu Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu cho biết, hiện địa phương có sẵn một danh sách địa chỉ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, gồm Công an phường, Hội LHPN phường, Tổ hòa giải khu dân cư, các CLB nói không với bạo lực gia đình… Định kỳ mỗi tháng, các cấp hội phụ nữ tổ chức tư vấn pháp luật và trang bị kỹ năng xử lý tình huống, nguy cơ bạo lực gia đình cho chị em. Chưa kể, mỗi năm, Công an phường tổ chức 2 lần đối thoại với người có hành vi bạo lực và phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực gia đình.
Bà Nghĩa cho hay: “Dù thường xuyên tổ chức các lớp truyền thông về bình đẳng giới, nhưng đôi nơi vẫn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Chưa kể, nhiều chị em bị bạo lực chọn cách im lặng, thay vì lên tiếng nhờ sự hỗ trợ từ cộng đồng. Một trong những nguyên nhân sâu xa là do tư tưởng định kiến giới đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân, nên hiệu quả chưa đạt như mong muốn”.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Bạo lực gia đình không thể giải quyết hiệu quả nếu chỉ được coi là vấn đề của một cá nhân hoặc gói gọn trong phạm vi gia đình. Chưa kể, định kiến giới hiện đang tồn tại ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ công việc, học tập, cuộc sống hôn nhân đến các mối quan hệ ngoài xã hội.
Thông tin từ Hội LHPN thành phố, có hơn 60% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng trải qua ít nhất một lần bị bạo lực và hơn 80% vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình, định kiến giới. Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hoàng Thị Thu Hương cho biết, thời gian qua, thông tin về các vụ bạo lực gia đình có giảm nhưng tính chất nghiêm trọng ngày càng tăng. Trong nhiều vụ việc, phụ nữ, trẻ em trở thành nạn nhân trước thói vũ phu của người chồng, người cha trong gia đình. Theo bà Hương, bạo lực gia đình giờ đây trở thành vấn đề của toàn xã hội.
“Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, chúng tôi luôn yêu cầu chị em phải mạnh mẽ lên tiếng khi có hành vi bạo lực. Bởi nếu người trong cuộc không lên tiếng, chúng tôi không thể biết trước nguy cơ để có cách hỗ trợ, can thiệp kịp thời”, bà Hương nói.
Được biết, trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố, Hội LHPN thành phố đang tiến hành rà soát, đánh giá các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, chủ động bố trí kinh phí, huy động mọi nguồn lực xã hội để duy trì và nhân rộng các mô hình, nhất là những địa phương thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình. Trên cơ sở này, hội sẽ tham mưu công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, từ năm 2022, Đà Nẵng trở thành địa phương thứ 4 trong cả nước thành lập “Ngôi nhà Ánh Dương” nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Ngôi nhà nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu tác động của Covid-19 lên nhóm dân cư dễ bị tổn thương - bảo đảm tiến trình quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng - nơi đặt Ngôi nhà Ánh Dương, cho biết sau hơn 1 năm hoạt động, địa chỉ đón tiếp hàng chục lượt phụ nữ đến tham vấn dịch vụ pháp lý, tư pháp liên quan đến lĩnh vực hôn nhân, gia đình.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Ngôi nhà Ánh Dương nhằm tiếp nhận, tư vấn, kết nối, hỗ trợ can thiệp kịp thời các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại trên địa bàn thành phố”, ông Thành thông tin.
Có thể nói, sự quan tâm của cộng đồng, xã hội trước những vấn đề về giới giúp rõ hơn thông điệp “hãy hành động để chấm dứt bạo lực gia đình, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em” mà các cấp, hội đoàn thể triển khai hiện nay. Dẫu vậy, để câu chuyện này đi đến một cái kết có hậu, thì việc làm trước tiên là người trong cuộc cần lên tiếng và người dân cần xem đây là vấn đề cộng đồng cần phải giải quyết trên cơ sở tôn trọng, phối hợp và hòa giải.
TIỂU YẾN