Điều còn lại ở Nhà trạm Nam Chơn

.

Suốt dọc dài đường thiên lý xuyên qua Quảng Nam thời Triều Nguyễn có 7 nhà trạm, nay chỉ còn lại duy nhất nhà trạm Nam Chơn dù không nguyên vẹn sau 200 năm cùng với tên mình ghi lại trong những chiến công lịch sử dân tộc.

Vũng Sứng, nơi nghĩa quân Nghĩa hội Quảng Nam neo thuyền đổ bộ tập kích 2 đồn lưu trú của Pháp ở Nhà trạm Nam Chơn nửa đêm 28-2-1886. Ảnh: V.T.L
Vũng Sứng, nơi nghĩa quân Nghĩa hội Quảng Nam neo thuyền đổ bộ tập kích 2 đồn lưu trú của Pháp ở Nhà trạm Nam Chơn nửa đêm 28-2-1886. Ảnh: V.T.L

Nam Chơn là một trong bảy nhà trạm có công năng chuyển vận chỉ dụ, công văn, tin tức, thư từ từ kinh đô đến các địa phương trong nước và ngược lại bằng ngựa với hai chế độ: “mã thượng phi đệ” (phi ngựa giao nhanh) nếu có sự kiện cấp bách và “mã thượng trì đệ” (phi ngựa giao thường) khi thông tin bình thường.

Nhà trạm này ở thôn Hòa Vân (tục gọi làng Sứng, còn có tên làng Vân), nay thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Làng Sứng có trên chữ là Chơn Sảng Tây thôn, được cụ Lê Quý Đôn ghi vào Phủ biên Tạp lục (1776) trong mục “22 làng xã biệt nạp”.

Từ lưng chừng phía nam đèo Hải Vân nhìn xuống chân đèo, một vùng cây cối rậm rạp vuông vức hiện rõ dưới mắt nhìn, nằm về phía nam bãi cát vàng chói lóa dưới ánh nắng ngay bên Vũng Sứng có màu nước biển xanh biếc gợi cảm.

Muốn đến với di tích nhà trạm ở thôn Hòa Vân ta có hai cách. Một là thuê thuyền thúng của ngư dân Nam Ô hay Kim Liên. Hai là từ quán nước “Dốc Làng Vân” ở lưng chừng đèo băng qua đoạn đường mòn quanh co, gập ghềnh, khúc khuỷu dẫn xuống chân núi; cách này rõ là vất vả hơn, sau hơn hai mươi phút là đến.

Đến Hòa Vân, có thể nhận ra một vùng um tùm gỗ tạp mọc đầy trong một khuôn viên rộng lớn, chung quanh là bãi cát có thể đi một vòng quanh không vướng chân. Nhô cao trên màu xanh thẫm của cây lá là các góc tường đá cũ kỹ đượm màu thời gian, đủ hấp lực để giục ta len lỏi vào bụi rậm và “tận mục sở thị” một phần di tích nhà trạm Nam Chơn nằm cách bờ biển Vũng Sứng (còn gọi là Vịnh Sứng) chừng 50m.

Trước mắt ta hiện ra một tường thành xếp bằng đá, được xếp theo kiểu ta-luy từ dưới đáy hào nghiêng lên chừng 2,5m giựt cấp vào 1m, đến chân tường trên đá cũng được xếp nghiêng như thế cho đến đỉnh thành. Hào rãnh dưới chân thành rộng chừng 2,5m, dù qua thời gian cát phủ vẫn còn độ sâu non 1m bởi bên ngoài đối diện với thành trong vẫn còn nguyên một bờ vách xếp đá nghiêng lên ra phía ngoài, cao chừng hơn 2m, chắn cát. 

Một thành quách lẫn sâu vào bụi rậm quanh di tích khó có thể thám sát tường tận trong chuyến du khảo ngẫu hứng để tả tỉ mỉ về nó. Thế nhưng, chừng đó cũng đủ để hình dung một nhà trạm với quy mô xây dựng vững chắc, nơi từng có hơn 50 lính trạm và thừa dịch sống và công tác (như mô tả trong sách đã dẫn) thì chắc chắn phải có thêm những hạng mục phụ trợ như: nhà ở, nhà bếp, văn khố, vũ khố, giếng nước, chuồng ngựa… Tất cả dù đã biến thiên qua thời gian suốt 200 năm nhưng vẫn còn nền móng, thúc giục ta len lỏi khám phá tiếp… Nhưng cây cối mọc đầy ngăn bước, chỉ thấy cát phủ đầy trong thành, có lẽ những hạng mục kia đã bị vùi lấp dưới cát ấy chăng?

Thoát khỏi bụi râm vây bủa, men theo bờ thành phía nam xuống biển, ngồi bên bờ biển hít sâu gió nồm lồng lộng thổi, lại nhớ đến 2 sự kiện mà sử Tây và sử Ta đã trân trọng ghi chép rõ ràng:

Sự kiện thứ nhất: 9 giờ sáng ngày 18-11-1859, Chuẩn Đô đốc Page chỉ huy quân Pháp dùng binh thuyền hùng hậu tấn công vào Nam Chơn mong triệt phá đường tiếp viện của quân ta, gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của các lính trạm và pháo thủ được tăng cường trước đó. Bằng 4 phát súng thần công, trong đó có quả đạn trúng vào soái hạm Némésis làm đứt đôi thân hình thiếu tá Dupré Deroulède, máu vấy đầy mình Chuẩn Đô đốc Page; ngoài ra viên đạn này còn giết thêm một thủy thủ cầm lái, làm bị thương 2 chuẩn úy hải quân và mấy thủy thủ nữa. Tổn thất này đã làm Page khi rút khỏi Đà Nẵng ba tháng sau (1860) vẫn còn ám ảnh, bàng hoàng!

Sự kiện thứ hai: 27 năm sau, Đại úy Besson cùng 6 hạ sĩ quan của đội công binh Pháp chỉ huy công trình làm đường qua đèo Hải Vân đã chọn nhà trạm Nam Chơn làm sở chỉ huy. Nửa đêm 28-2-1886, chiến tướng Hồ Học (Thống Hay), một lãnh binh của Nghĩa hội Quảng Nam, đã chỉ huy chiếc thuyền chở nghĩa quân áp sát nhà trạm cùng với dân phu của công trường này nổi dậy tiêu diệt toàn bộ quân đồn trú, nghĩa quân đã cắt đầu của Đại úy Besson mang về Nam Ô tế chiến sĩ trận vong như một chiến lợi phẩm. Sự kiện này sử Tây gọi là “Tấn thảm kịch Nam Chơn”.

Suốt dọc dài đường thiên lý xuyên qua Quảng Nam thời Triều Nguyễn có 7 nhà trạm với kiến trúc như thế, trong đó có 6 nhà trạm không còn dấu vết. Chỉ còn lại duy nhất nhà trạm Nam Chơn dù không nguyên vẹn sau 200 năm cùng với tên mình ghi lại trong những chiến công lịch sử kể trên. Thiển nghĩ, di tích cần sớm được bảo tồn để có chuyện mà kể cho hậu thế về công sức tạo tác của tiền nhân gắn liền với những chuyện kể bi hùng trong lịch sử.

ĐẶNG PHƯƠNG TRỨ

;
;
.
.
.
.
.