Để du khách có ấn tượng tốt tại điểm đến, đôi khi việc thu gom rác thải vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ hay sự an toàn khi tham gia giao thông tưởng chừng là chuyện nhỏ nhưng lại rất cần thiết để giữ chân du khách.
Sở hữu nhiều lợi thế về cảnh đẹp tự nhiên mà ít có nơi nào sánh bằng, hạ tầng du lịch vượt trội… Đà Nẵng được đánh giá là một điểm đến độc đáo thế nhưng thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm để giữ chân du khách. Ảnh: NGUYỄN TRÌNH |
1. Vào cuối tuần, tôi dẫn một đoàn du khách đi dạo quanh sông Hàn. Sau khi tham quan và chụp ảnh bên ngoài tòa nhà 42 Bạch Đằng, những chiếc vỏ chai nước suối khách vẫn cầm mãi trên tay mà không biết vứt vào đâu. Khi đến nơi có sọt rác ở cách đó khá xa, khách chần chừ rồi mới miễn cưỡng mở nắp thùng ra để mọi người bỏ vỏ chai vào cho khỏi bẩn tay. Còn khi dạo chơi trên cầu Nguyễn Văn Trỗi, những chiếc thùng rác màu xanh hở nắp bốc mùi nằm ngay trước lối vào khiến khách phải đứng ra xa để ném rác vào.
Giá như những vị trí thu hút du khách này có những chiếc thùng rác sạch sẽ xinh xắn thì sẽ gây ấn tượng đẹp hơn, làm sao để những chiếc thùng rác không chỉ là nơi đựng rác thải mà còn gửi đi những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường cũng là điều cần thiết.
Có thể thấy, việc lắp đặt thùng rác công cộng trên các tuyến đường và khu vực công cộng từng bước tạo thói quen cho mọi người trong hoạt động phân loại rác tại nguồn và chống rác thải nhựa; từ đó tuyên truyền, vận động người dân duy trì nếp sống văn minh đô thị và thân thiện với môi trường.
Do đó, cần lựa chọn mẫu thùng rác có tính chất phân loại rác tại nguồn, vừa mang tính thẩm mỹ, thân thiện với môi trường, vừa bảo đảm bền, đẹp và phù hợp với thói quen sử dụng của người dân. Chẳng hạn những chiếc thùng rác được trang trí bằng tranh vẽ hình các con vật ngộ nghĩnh rất thích hợp để đặt trong công viên và các khu vui chơi. Chúng không chỉ góp phần tô điểm cho không gian mà còn giúp các em nhỏ thích thú và rèn luyện ý thức bỏ rác đúng nơi quy định.
Hiện nay, một số thành phố lớn đã triển khai nhân rộng mô hình lắp đặt thùng rác công nghệ. Theo đó, nhằm tạo cho người dân thói quen giữ vệ sinh môi trường nơi công cộng, vứt rác đúng nơi quy định, cuối năm 2019, thành phố Hà Nội triển khai dự án lắp đặt hơn 11.000 thùng rác công nghệ kết hợp công năng quảng cáo. Đây là thùng rác công nghệ, được lắp tấm pin năng lượng mặt trời ở mái che, nguồn điện thu được để phát sáng bảng thông tin, quảng cáo phía trên thùng rác. Thùng rác có thiết kế 2 ngăn riêng biệt dành cho rác thải không tái chế và rác thải có thể tái chế với chú thích rõ ràng. Mỗi thùng rác có dung tích khoảng 80 lít, được đặt cách nhau khoảng 50m, bảo đảm thuận tiện cho người đi bộ trên vỉa hè cũng như du khách khi có nhu cầu bỏ rác. Việc thùng rác sử dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng ban đêm đã làm đẹp thêm cả tuyến phố, giúp người đi đường có thêm nhiều điểm bỏ rác văn minh.
2. Không ít du khách nước ngoài đến thành phố vẫn còn cảm thấy bất tiện khi số lượng nhà vệ sinh công cộng chưa nhiều, một phần không được sạch sẽ.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai mô hình “Thoải mái như ở nhà - comfort as home” theo hình thức xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng, đưa vào tiện ích “WC cộng đồng, miễn phí” trên ứng dụng di động Danang Smart City để người dân, du khách dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn dùng chung nhà vệ sinh miễn phí. Tuy nhiên, việc tuyên truyền vẫn còn hạn chế nên chưa đến được rộng rãi với tất cả du khách.
Hơn nữa, việc dùng chung nhà vệ sinh như thế khiến du khách cảm thấy không thoải mái khi họ sử dụng miễn phí nhà vệ sinh mà không sử dụng dịch vụ của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, lưu trú. Đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời khi thành phố còn thiếu nhà vệ sinh công cộng. Về lâu dài, thành phố cũng cần nghĩ đến việc đầu tư xây dựng, lắp đặt những nhà vệ sinh công cộng hiện đại để phục vụ du khách.
Mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai lắp đặt hai nhà vệ sinh công cộng thông minh tại địa chỉ số 8 Nguyễn Trung Trực và số 135 Nguyễn Huệ (Quận 1) từ nguồn xã hội hóa để phục vụ hoàn toàn miễn phí cho người dân với chi phí đầu tư 635 triệu đồng/một nhà vệ sinh.
Cả hai nhà vệ sinh thông minh này đều đạt tiêu chuẩn quốc tế ASEAN, gồm một buồng vệ sinh dùng chung và ki-ốt quản lý, có nhiều tính năng nổi bật như: quản lý, báo cáo sự cố từ xa thông qua mạng internet; thông gió, hút mùi, quạt tự động; khử khuẩn tự động bằng tia UV và hong sấy. Các thao tác đều sử dụng cảm biến tự động hoặc bàn đạp chân, tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn. Tất cả những loại rác gây tắc nghẽn bồn cầu mà lâu nay chúng ta thường vướng phải nơi công cộng sẽ được máy nghiền nát thành bọt nước hay cặn bùn trước khi đưa ra ngoài hệ thống xử lý tập trung. Đây là giải pháp giúp giảm thiểu tình trạng tắc nghẹt bồn cầu trong quá trình sử dụng, không cần phải đào hầm tự hoại, tiết kiệm mặt bằng bảo đảm vệ sinh môi trường.
Chính vì hai chữ “công cộng” đôi khi nhà vệ sinh là nỗi ám ảnh của nhiều người trong đó đa phần là du khách. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã “nâng tầm” nhà vệ sinh công cộng rất đẹp và hiện đại nhờ những thiết kế mang tính nghệ thuật cao hoặc tối giản đến mức ấn tượng.
Trong đó có thể kể đến nhà vệ sinh trong khuôn viên Centennial Park Amenities (Sydney, Australia) với thiết kế hình oval ấn tượng giữa khuôn viên xanh mát, gần gũi thiên nhiên và có hệ thống hiện đại, tiện nghi cho du khách. Hay nhà vệ sinh công cộng đặt ở bến cảng Wellington, New Zealand với thiết kế tựa như những chú ốc sên hoặc một sinh vật biển kỳ bí nào đó. Thiết kế bao gồm những chiếc đuôi kéo dài để tăng sự lưu thông không khí và lấy gió trời một cách tự nhiên. Cấu trúc này mang ý nghĩa như biểu tượng thể hiện sự kính trọng tới lịch sử và vai trò của ngành hàng hải lâu đời trong khu vực. Với những nhà vệ sinh công cộng như thế này thì không chỉ phục vụ tốt cho du khách mà còn gây ấn tượng đẹp về nơi mà họ đến tham quan.
3. Một trong những điều mà du khách nước ngoài lo sợ nhất khi đến đất nước ta là tham gia vào giao thông. Đặc biệt là phụ nữ và người già. Nhiều khách đoàn phải có hướng dẫn viên đứng ra vẫy tay khó khăn mới xin được đường để du khách đi qua. Tôi còn nhớ một vị khách đến từ Bỉ từng chia sẻ “không chỉ ở Đà Nẵng, mà đi đến nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam, điều làm tôi lo ngại nhất là giao thông. Tôi thấy không an toàn khi đi trên đường phố, đặc biệt là mối nguy hiểm khi qua đường”.
Nhiều du khách khuyên nhau rằng, để sang đường ở Việt Nam, các bạn nước ngoài cần chú ý quy tắc “3 S”: trước nhất là “See” tức bạn phải quan sát xem những người điều khiển xe có nhìn thấy bạn không, kế đó là “Signal” tức bạn phải có tín hiệu để những người lái xe chú ý đến bạn bằng cách giơ tay hay bất kỳ vật dụng gì, sau cùng là “Step by step” tức từng bước từng bước một qua đường để các phương tiện giao thông không bị bất ngờ.
Lữ hành, lưu trú và vận chuyển là một trong ba yếu tố quan trọng quyết định thành công của ngành du lịch và giao thông là “sợi dây” kết nối các yếu tố nói trên. Một điểm đến dù có hấp dẫn đến đâu nhưng giao thông không thuận lợi, kết nối không tốt sẽ không phải một điểm đến lý tưởng đối với du khách. Trước hết, hệ thống giao thông du lịch cần có sự thuận tiện và phải kết nối được với các địa điểm du lịch.
Bên cạnh đó, cần lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu cho người đi bộ trên tuyến phố có tình trạng giao thông phức tạp. Để đèn tín hiệu cho người đi bộ phát huy hiệu quả, công tác kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng đèn tín hiệu cũng cần quan tâm thường xuyên nhằm tránh hiện tượng du khách đã bấm nút nhưng đèn hỏng hoặc chuyển báo hiệu chậm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức văn hóa giao thông của người dân để xây dựng hình ảnh đẹp về một thành phố an bình, thân thiện trong mắt du khách.
ĐOÀN GIA HUY