Giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực

.

Bỏ phố về quê không còn là trào lưu dành cho người mộng mơ, thích cuộc sống an nhàn. Bởi lẽ, để thích nghi với nhịp sống xa phố thị, nhiều người phải đưa ra lựa chọn đòi hỏi sự tỉnh táo, thậm chí đôi chút gan lỳ.

“Bỏ phố về vườn”, cô gái Kim Út làm kênh Tiktok giới thiệu đặc sản quê hương.  Ảnh: NVCC
“Bỏ phố về vườn”, cô gái Kim Út làm kênh Tiktok giới thiệu đặc sản quê hương. Ảnh: NVCC

Từ ngày Kim Út (25 tuổi, quê Kiên Giang) chọn về quê Quảng Nam sinh sống, người dùng mạng xã hội quen với diện mạo mới của cô. Đó là một thiếu nữ xinh xắn trong chiếc áo bà ba giản dị cộng lối kể chuyện mộc mạc, tự nhiên. Cô thường xuất hiện trong những đoạn video giới thiệu ẩm thực, văn hóa, nếp sống người miền Trung nói chung, người Đà Nẵng, Quảng Nam nói riêng.

Tốt nghiệp Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Kim Út có 2 năm theo nghề được đào tạo, mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, một thời gian sau thấy mình không thực sự đam mê với nghề nên quyết định rẽ hướng tìm con đường mới. Để đưa ra quyết định này, Kim Út phải suy nghĩ, đắn đo rất nhiều. Cô nói, rời phố thị hiện đại, nơi đang có công việc với mức lương ổn định để về quê - với một cô gái tuổi ngoài đôi mươi, trước nay chưa quen làm những công việc tay chân nặng nhọc - là quyết định khó khăn. Chưa kể, chi phí sinh hoạt để duy trì cuộc sống cũng là một bài toán khó cần lời giải.

Tiktok “Út về vườn” là lựa chọn khởi nghiệp, thời gian đầu Kim Út may mắn có người thân hướng dẫn tỉ mỉ kinh nghiệm, kỹ năng làm nông. Cái gì chưa biết, cô tự học hỏi, tìm tòi thêm. Là “nông dân GenZ” thời công nghệ số, Kim Út chủ động quay phim, chụp ảnh những khoảnh khắc làm việc, sinh hoạt thường nhật, chia sẻ lên mạng xã hội. Không ngờ, những đoạn video đó thu hút sự quan tâm lớn từ phía cộng đồng mạng.

Kim Út chia sẻ: “Ban đầu, mình chỉ quay clip nấu nướng, làm vườn... đăng lên mạng. Nghĩ là làm cho vui thôi, không ngờ các clip ghi lại cuộc sống thường nhật lại được yêu thích. Lượt tương tác, theo dõi tăng nhanh, kênh “Út về vườn” ngay càng phát triển”.

Được biết, sau hơn nửa năm, kênh Tiktok “Út về vườn” có hơn 1.000.000 người theo dõi. Mỗi video thu hút hàng triệu lượt xem. Cô giới thiệu ẩm thực, văn hóa vùng nông thôn thông qua mâm cơm thường ngày và hướng dẫn làm các món đặc trưng của địa phương như: bánh xèo, bánh mỳ, cơm gà, kho cá... Để nội dung kênh thêm phong phú, cô học làm bánh, đan lát, làm đồ thủ công và công việc này cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định nhờ các hợp đồng quảng cáo.

Giống như Kim Út, chàng trai Đào Duy Tài (quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cũng là người sáng tạo nội dung số chuyên quảng bá cuộc sống, ẩm thực quê hương. Đầu năm 2023, Duy Tài đưa ra lựa chọn khiến nhiều người bất ngờ khi nghỉ việc về quê. Về quê, nhưng không có nghĩa là ngừng lao động, Duy Tài cải tạo nhà kho bằng tre nứa lụp xụp sau lưng nhà, làm thành căn bếp nhỏ bên sườn đồi. Đây là nơi chàng trai trẻ nấu những món ăn quê nhà. Các clip hướng dẫn nấu món ăn địa phương như: mỳ Quảng Đại Lộc, chuối chát nấu xương heo, cá lóc kho cọng lùng, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh bèo, chè sen... nhận được sự quan tâm, yêu thích của cộng đồng mạng.

Duy Tài cho biết, căn bếp còn là nơi “chữa lành”, để chủ nhà mời anh em, bạn bè ghé chơi, cùng tâm sự, chuyện trò. Sau gần một năm, kênh “Bếp bên sườn đồi” của anh đạt 50 ngàn người theo dõi. Series “Nấu ăn nhà người lạ” mà Duy Tài đang thực hiện, chia sẻ câu chuyện sinh động về cuộc sống bình dị của người dân xứ Quảng cũng nhận sự quan tâm đặc biệt. Đó là những thước phim chân thật, mang đến cảm giác thân thuộc cho người xem.

Có thể nói, giữa nhịp sống hiện đại, những người trẻ như Kim Út, Đào Duy Tài đang góp phần quảng bá, gìn giữ nét đẹp văn hóa, ẩm thực quê hương theo cách rất riêng và được nhiều người đón nhận.

NGÂN HÀ

;
;
.
.
.
.
.