“Không tròn vai” là cách gọi tắt tình trạng né tránh, đùn đẩy đáng buồn trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nước ta nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Thực ra, cách đây 10 năm, tình trạng “không tròn vai” này - đương nhiên với những biểu hiện và mức độ ít bức xúc hơn - đã trở thành cơ sở thực tiễn để Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 6-11-2013 về “tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới”. Sau đó UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 958/KH-UBND ngày 7-2-2014 triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU. Qua hai văn bản gắn với phong trào “5 xây”, “3 chống” trong thực thi công vụ này, có thể thấy Đà Nẵng đã sớm nhận diện được tình trạng “không tròn vai” của cán bộ, công chức, viên chức thành phố.
Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY |
Nhờ vậy, mặc dầu thành phố bên sông Hàn không nằm ngoài bức tranh chung về hiện tượng né tránh, đùn đẩy trong thực thi công vụ của cả nước, nhưng qua tọa đàm Các giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay do Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức hồi cuối tháng 9 vừa qua, có thể khẳng định hiện nay ở Đà Nẵng vẫn có không ít người đang nỗ lực đến mức cao nhất có thể để hoàn thành công vụ.
Đó thường là những người đang phấn đấu thăng tiến trong công vụ, hoặc đang phấn đấu trở thành đảng viên/ cấp ủy viên, nhưng cũng có thể là những người đã hết tuổi quy hoạch hoặc chỉ muốn làm quần chúng ngoài Đảng/ làm đảng viên thường. Họ nỗ lực đến mức cao nhất có thể để hoàn thành công vụ xuất phát từ bản chất tốt đẹp về đạo đức công vụ, do tác dụng lan tỏa và truyền cảm hứng từ đồng nghiệp, nhất là từ người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương…
Đương nhiên, cũng có thể thấy, ở Đà Nẵng còn có không ít người xưa nay vẫn thuộc diện “sáng cắp ô đi tối cắp về”, lúc nào cũng sẵn sàng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Ngay trong số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi tối cắp về” này cũng không nên đánh giá theo kiểu “cá mè một lứa” - ai cũng sai và sai như nhau, mà vẫn có thể chia thành ba nhóm nhỏ.
Một là nhóm luôn cố tình lánh nặng tìm nhẹ, né tránh đùn đẩy cho người khác do xem công sở chỉ là chỗ qua ngày đoạn tháng. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn từng cảnh báo về tác hại của nhóm “không tròn vai” thứ nhất này trong ca khúc “Một đời người một rừng cây nổi tiếng”: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai…”. Hai là nhóm vì thấy không có lợi cho bản thân nên không làm gì và càng cố tình né tránh đùn đẩy cho người khác - kể cả những việc đúng luật và rất được lòng dân, tuy nhiên sẽ giành việc gì làm mà thấy mang lại lợi ích cho mình - kể cả khi biết làm như thế là sai luật, là mất lòng dân.
Ba là nhóm vì quá sợ vi phạm pháp luật, quá sợ liên lụy phải gánh trách nhiệm trước pháp luật. Nhất là trong trường hợp cùng một nội dung công việc nhưng các văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện, cùng một nội dung luật định nhưng lại có cách hiểu khác nhau nên cố tình né tránh đùn đẩy cho người khác.
Có thể thấy đây là nhóm cán bộ chiếm số đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm, và tác hại ít nhất của nhóm này - theo cách nói mang màu sắc dân gian của Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, đoàn Nam Định, khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên hồi tháng 6-2023: “Bên trong cán bộ sợ sai/ Bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”. Cách xử lý tình trạng “không tròn vai” của mỗi nhóm chắc sẽ không giống nhau, trong đó đáng chú tâm nhất là đối với nhóm thứ ba.
Về cơ bản lâu dài, phải tính chuyện sửa luật, ban hành luật mới phù hợp hơn với thực tiễn. Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố nên thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành để hình thành danh mục các vấn đề cùng một nội dung luật định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau hay cùng một nội dung công việc nhưng lại có hai văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất.
Trên cơ sở ấy, đề nghị Quốc hội đưa vào nghị sự từng kỳ họp việc điều chỉnh, bổ sung hay thay mới. Trước mắt, cần sớm tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung vừa được Chính phủ ban hành hồi cuối tháng 9 nhằm thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị. Đương nhiên những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là người chấp nhận dấn thân, khác với những cán bộ “không tròn vai” chỉ biết phòng thân thủ thế.
Đánh giá theo kiểu “cá mè một lứa” - ai cũng sai và sai như nhau sẽ dẫn đến không nhìn nhận đúng mức vai trò người đứng đầu trong câu chuyện cán bộ, công chức, viên chức “không tròn vai” trong thực thi công vụ. Đây cũng chính là giải pháp nêu gương của người đứng đầu - giải pháp quan trọng nhất nhằm khắc phục tình trạng
cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Ở trên có nói, sở dĩ hiện nay vẫn có nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang nỗ lực đến mức cao nhất có thể để hoàn thành công vụ là do xuất phát từ bản chất tốt đẹp về đạo đức công vụ của bản thân, là do tác dụng lan tỏa và truyền cảm hứng từ đồng nghiệp, nhất là từ người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo cơ chế quyền lực thì người đứng đầu là thủ trưởng cơ quan, đơn vị được quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình - cấp dưới tham mưu đúng mà người đứng đầu quyết định sai dẫn tới phải chịu trách nhiệm đã đành, cấp dưới tham mưu sai và người đứng đầu quyết định sai theo cũng phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, người có nguy cơ sợ sai nhiều nhất, “nín thở qua cầu” nhiều nhất chính là những người đứng đầu.
Người đứng đầu “tròn vai”, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, chỉ biết “dấn thân” chứ không chịu “phòng thân” nhất định sẽ trở thành tấm gương ngời sáng, trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, địa phương noi theo. Ngược lại nếu người đứng đầu “không tròn vai” thì tác hại sẽ tăng gấp nhiều lần!
Cho nên bên cạnh nêu gương của người đứng đầu, còn phải tính tới một giải pháp mạnh tay hơn là thay thế cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức “không tròn vai” trong thực thi công vụ mà trước hết và chủ yếu là phải nhắm đến những người đứng đầu “không tròn vai” - mặc dầu thay thế người đứng đầu khó hơn nhiều lần so với thay thế cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dưới quyền, nào là phải tìm người nằm trong quy hoạch, nào phải tìm người còn đủ tuổi để bổ nhiệm và quan trọng hơn là phải tìm người đúng sở trường - được hiểu là đúng người, đúng việc…
Nếu không thì dẫu có không ít người sẽ được thay thế, sẽ bị buộc đứng sang một bên cho người khác làm nhưng tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức viên chức “không tròn vai” trong thực thi công vụ ở cơ quan, đơn vị, địa phương ấy vẫn không được cải thiện đáng kể, nguyên nhân là do xác định không đúng đích nhắm trong khi thực hiện giải pháp thay thế cán bộ.
Đương nhiên, đánh giá đâu là một người đứng đầu “không tròn vai” trong thực thi công vụ - không nỗ lực ngăn chặn tình trạng “không tròn vai” của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dưới quyền và nghiêm trọng hơn chính bản thân mình là người “không tròn vai” - đòi hỏi cấp có thẩm quyền phải hết sức cẩn trọng, không phải vì sợ không có người thay mà vì sợ có khi đây lại là hậu quả của việc xác định không đúng đích nhắm trong khi thực hiện giải pháp thay thế cán bộ! Hy vọng những vấn đề này sẽ được Ban Thường vụ Thành ủy giải quyết rốt ráo trong một văn bản mới sắp được ban hành nhằm thay thế Chỉ thị số 29-CT/TU vừa được tổng kết sau 10 năm thực hiện.
BÙI VĂN TIÊNG