Lạ quen con cá, con tôm

.

Sinh năm 1932, trải qua nhiều công việc từ Bắc và Nam, đầu những năm 80 thế kỷ trước, ông Nguyễn Chước có lẽ là một trong rất ít người ở Đà Nẵng “đi buôn” quốc tế sớm nhất. Tay không theo nghĩa rộng của từ này: không vốn, không kinh nghiệm thương mại quốc tế, không kiến thức về con tôm, con cá xuất khẩu, không chuyên gia giỏi tư vấn… cái ông có là cơ chế. Mười ba năm làm giám đốc Seaprodex (Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung), lặn lội khắp các bãi bồi, sông rạch miền Trung để tìm hiểu đời sống con cá, con tôm đến thị hiếu tiêu dùng nước ngoài. Ông để lại dấu ấn một thời.

Ông Nguyễn Chước tiếp cố Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm cơ sở sản xuất Seaprodex năm 1992. Ảnh: K.N
Ông Nguyễn Chước báo cáo Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm cơ sở sản xuất Seaprodex năm 1992. Ảnh: K.N
Ông Nguyễn Chước cùng cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm trại tôm giống tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn năm 1991. Ảnh: K.N
Ông Nguyễn Chước hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm trại tôm giống tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn năm 1991. Ảnh: K.N

Từ công nhân làm đường đến kỹ sư điện

Sinh ra tại làng Bất Nhị (gần nhà cụ Trần Quý Cáp), xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bà đỡ nói “thằng ni đẻ bọc nên sáng dạ và sướng lắm”, chẳng biết ứng được bao nhiêu nhưng việc học và việc làm của ông đều vất vả. Học hết tiểu học, chiến tranh chống Pháp lan rộng, 14 tuổi nghỉ học tham gia du kích, làm văn phòng huyện Điện Bàn, bị bắt đi tù.

Năm 1954 cùng với anh trai tập kết. Không phải bộ đội chính quy, không phải cán bộ ngạch trật nên chàng trai được bố trí vào tổng đội Thanh niên xung phong mà việc chính là đi làm đường sắt, ban đầu khôi phục đoạn Hà Nội - Yên Bái, Lạng Sơn xong tuyến đường phía Bắc ấy lại chuyển xuống làm đường sắt Hà Nội - Nam Định.

Trong suy nghĩ thật thà, ông Chước cứ nghĩ sớm hoàn thành công việc xung phong này để trở về quê hương. Hai năm thành hai mươi năm với biết bao thay đổi, mà sâu sắc nhất là xây dựng miền Bắc và chống lại chiến tranh phá hoại của Mỹ.

Ban đầu là làm cán bộ (hành chính) sau đó là học viên trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương. Thất học nên học “băng” hai năm ba lớp. Hết cấp ba, vào Đại học Bách khoa, tốt nghiệp kỹ sư điện (1966). Công việc đầu tiên của chàng kỹ sư đường dây này là cán bộ kế hoạch của Ủy ban Kế hoạch tỉnh Quảng Ninh. Có nhiều chuyện để nhớ về khoảng thời gian đầu làm cán bộ ở một tỉnh giàu có tài nguyên và cảnh đẹp như thiên đường này. Sáu năm ở vùng đất mỏ, với ông là thời gian đủ để kiểm chứng kiến thức đã học và tích lũy kinh nghiệm thực tế.

Thời bao cấp, vai trò của Ủy ban Kế hoạch oách lắm, là “Ủy ban thứ hai” việc phân bổ vật tư, bố trí vốn, không gian phát triển… cho nên nhiều người muốn về làm việc. Giữa lúc sôi nổi và tràn đầy nhiệt huyết ấy, ông Chước được cử đi học tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Đó là ước mơ lớn của bất cứ cán bộ nào. Nước Đức xa xôi nhưng là một chân trời rất gần để thỏa niềm khao khát kiến thức, thủ tục xong xuôi, kể cả họp đoàn và nhận xong hành lý chỉ chờ ngày lên đường. Nhưng phúc bất trùng lai, trong cái náo nức ấy, kết quả kiểm tra y tế báo ông bị lao nặng. Đành vào Bệnh viện phổi Trung ương điều trị. Giấc mơ xuất dương không thành, sau khi lành bệnh ông được lệnh về Nam (1972), về khu 5 ác liệt nhưng gần gũi quê hương.

Làm ăn hai tiếng quen mà lạ

Câu thơ phản ánh tâm trạng đêm cuối năm của Tố Hữu thật ra nói về quá trình từ bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường mới mẻ và khó khăn như thế nào. Nó không chỉ xa lạ mà còn phản ánh sự thay đổi quan trọng nhất trong đổi mới tư duy quản lý kinh tế. Đối với miền Trung và Quảng Nam - Đà Nẵng càng thấm thía giai đoạn mò đường này. Khi cụ Võ Chí Công ra Hà Nội làm bộ trưởng (Bộ Thủy sản), ông Chước chuyển về làm trưởng phòng kế hoạch Công ty thủy sản khu vực II, trong bối cảnh cán bộ hầu hết “chưa biết làm kinh tế, chỉ mới có khái niệm kinh tế”, ông ôm vở đến các ty thương mại học cách lập cân đối, hạch toán lời, lỗ, đánh giá hiệu quả kinh doanh…

Trong hoạt động kinh tế, linh hồn của đổi mới quản lý là cơ chế thị trường, nghĩa là lấy thị trường làm tín hiệu chính cho sản xuất, trao đổi (mua-bán) và tiêu dùng. Ở đây là một quá trình nhận thức quy luật, mà quy luật thì không có chuyện đi tắt đón đầu. Hồi đó ai cũng thuộc câu: quy luật là khách quan, ai không tuân theo quy luật thì sẽ bị quy luật trừng trị. Ai cũng biết nhưng bước vào thực tế việc “làm ăn” không chỉ “lạ” mà không khéo thân bại danh liệt.

Cuối của nhiệm kỳ đại hội Đảng lần thứ V, kinh tế nước ta rơi vào khủng hoảng. Lạm phát có năm tăng hơn 700%. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa nhưng dân miền Nam thiếu gạo, “biển khơi tôm cá đầy ghe” nhưng không đủ bán 0,5kg/người/tháng. Nước mắm vẫn là cái gì xa xỉ đối với nhiều nơi ở miền Bắc. Vì sao? Một câu hỏi bức thiết là làm sao khai thác hiệu quả nhất ngành thủy sản. Cùng với đổi mới tư duy quản lý của lãnh đạo bộ, các tổng công ty lần lượt ra đời. Năm 1983 ông Nguyễn Chước được bộ điều về làm Giám đốc Chi nhánh xuất nhập khẩu thủy sản Đà Nẵng (Seaprodex Đà Nẵng). Một giai đoạn mới sôi nổi và đầy thử thách bắt đầu.

Mười sáu con người, ½ ngôi nhà dùng làm trụ sở, một số ít thiết bị đông lạnh, phương tiện cũ kỹ. Cái lo nhất không phải là tìm kiếm nguyên liệu, mua bán mà là… nội bộ. Những con người vào sinh ra tử, không sợ súng đạn nhưng trước những bài toán về sản xuất, kinh doanh, đổi mới cơ chế quản lý… không phải là chuyện sớm chiều mà có. Ông Chước xây dựng phương án, trình bày cụ thể với các bước đi và biện pháp rõ ràng. Ai cũng có trách nhiệm với chi nhánh (thực chất là công ty độc lập), ai cũng được đãi ngộ xứng đáng bằng kết quả lao động và dĩ nhiên ai cảm thấy không thích ứng thì có thể chuyển công việc khác.

Trái đất vốn dĩ không có đường, đường do con người đi mà thành. Một nơi có hàng triệu lít nước mắm tồn đọng hằng năm không tiêu thụ được vì giá và thủ tục hành chính ngược đời, còn ngoài Bắc thì thiếu cái thứ nước chấm quen thuộc nhưng lại xa lạ này. Ông Chước với sự nhạy cảm tiếp cận nguồn cung với giá hợp lý, thuê tàu chở và bán cũng với giá hợp lý. Khoản chênh lệch kha khá ấy, sau khi làm nghĩa vụ thuế đương nhiên thuộc về công ty. Câu chuyện bây giờ nghe rất vỡ lòng như vậy nhưng bấy giờ là một câu chuyện ghê gớm: Ai cho anh đi mua và bán để ăn chênh lệch? Nhớ lại câu chuyện “làm ăn” thuở ấy mới thấy cái “lạ” muôn trùng của việc làm ăn với nước ngoài.

Cá tôm ta có, nếu biết khai thác và bảo quản tốt sẽ là thứ thị trường Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc)… cần. Xe máy cũ đang ứ tại các bãi của Nhật, họ sẵn sàng bán chịu, ngư dân sẵn sàng ứng sản phẩm và nhận bằng xe máy. Thế là những kim vàng giọt lệ, cánh én… được làm cái chức năng đối lưu. Công ty sau vài năm bắt đầu làm ăn hiệu quả, đầu tư chiều sâu máy móc, tàu đánh bắt, tăng cường các khâu kỹ thuật chế biến theo yêu cầu thị trường nước ngoài. Seaprodex miền Trung trở thành thương hiệu xuất nhập khẩu hàng đầu, từ chỗ gần như không có gì đến đầu những năm 90 mỗi năm đạt kim ngạch xuất khẩu hàng chục triệu USD là bình thường.

Từ chỗ khai thác tự nhiên đến chỗ nuôi trồng là bước tiến có tính đột phá. Ngày đó, các nơi như Năm Căn (Cà Mau), Rạch Giá, Bình Thuận… trên các tấm biển hiệu, dòng chữ “tôm giống Đà Nẵng” là một bảo chứng thuyết phục. Con tôm giống của Seaprodex liên doanh với Úc, Malaysia với chất lượng tốt nhất được người nuôi tôm cả nước đón nhận nhiệt tình. Ngoài tôm giống, các trại nuôi tôm thương phẩm ở Núi Thành, Nha Trang, Bình Định… thôi thúc cả khúc ruột miền Trung. “Trúng tôm” không còn là chuyện may mắn, đó là sự khẳng định của con đường phát triển ngư nghiệp theo hướng hiện đại.

Seaprodex miền Trung phát triển thành thương hiệu được chú ý trong và ngoài nước, kinh tế biển khởi sắc và đời sống ngư dân miền Trung khấm khá có phần tác động tích cực của giám đốc Nguyễn Chước. Từ chỗ mò mẫm vừa làm vừa học trong lĩnh vực xa lạ với chuyên môn, ông đã góp phần làm cho con tôm, con cá miền Trung bơi xa, dĩ nhiên là bơi theo cách của thuở ban đầu hội nhập.

Ngày nay tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 11 tỷ USD, tăng 14 lần so với 1998, Việt Nam là một trong ít nước có kim ngạch cao của khu vực. Những năm ông còn làm cả nước mới xấp xỉ nửa tỷ USD, trong con số khiêm tốn có phần đóng góp đáng kể của Seaprodex miền Trung, chưa nhiều nhưng đóng góp của thuở ban đầu ấy có nhiều ý nghĩa.

Năm 1996 ông Chước nghỉ hưu, theo thời gian Seaprodex cũng dần khép lại. Tiếc rằng do nhiều nguyên nhân mà niềm tự hào kinh doanh hải sản của Seaprodex một thời sôi nổi dần mai một. Người chiến thắng là người biết ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt trong quản lý, tổ chức. Cuộc sống vốn vậy, nếu không tự đổi mới, không tự thích nghi và luôn làm mới sẽ bị đào thải. Hôm qua như vậy và ngày mai cũng như vậy.

Tháng 10-2023

KHÔI NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.