Lóc cóc guốc gỗ

.

“Mình bằng gỗ, cổ bằng da/ Khi bước ra đường thì kêu lóc cóc”. Câu đố xưa của trẻ con khi chơi với nhau nói về đôi guốc gỗ hình như giờ cũng ít người biết, vì số người đi guốc quá ít ỏi trong số hàng nghìn mẫu giày dép với đủ chất liệu khác nhau để lựa chọn.

Khách hàng lựa chọn mua guốc giữa gần cả nghìn mẫu guốc khác nhau. Ảnh: H.N
Khách hàng lựa chọn mua guốc giữa gần cả nghìn mẫu guốc khác nhau. Ảnh: H.N

Trong ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ mỗi cô gái thế hệ 7x, 8x, thế nào cũng đọng lại những đôi guốc gỗ. Hồi còn bé, hễ bé gái nào trong xóm có đôi guốc là vài hôm sau cả xóm rộn ràng hẳn lên vì tiếng guốc lóc cóc trên đường. Thực ra đôi guốc nào cũng có gắn đế cao su, nhưng bé nào cũng chạy nhảy, nghịch ngợm, mà cái đế cao su rất dễ rớt, nên tiếng lóc cóc là âm thanh không thể thiếu. Từ đó cho đến khi vào đại học, có thêm vài lần đôi guốc trở thành model của năm để các cô gái đua nhau đi guốc, đội nón lá, mặc áo dài đến trường. 

Bền bỉ giữ nghề

Trong gần cả trăm gian hàng giày dép của chợ Cồn, chỉ còn đúng 2 quầy bán guốc gỗ. Ở chợ Hàn hơn chục năm trước có một quầy guốc, giờ cũng vắng bóng. Chị Phạm Thị Tâm, chủ quầy Tâm Chanh, ki-ốt 114 chợ Cồn, khoát tay: "Hồi trước tiệm guốc trong chợ này nhiều lắm, hơn chục quầy, mà giờ chỉ còn chừng này!".

Trong không gian nhỏ hẹp chừng 10m2 chất đầy hoài niệm về một thời xa xưa khi guốc gỗ xuất hiện ở miền Nam từ đầu thế kỷ XX, nó là tiền thân của thiết kế giày dép sau này, trải qua nhiều thăng trầm để hôm nay hàng nghìn mẫu guốc là sự pha trộn của đủ sắc màu và chất liệu cho cái “cổ” (quai) guốc. Qua hơn trăm năm, vẫn giữ “thân” bằng gỗ, song chủ yếu là gỗ thông, mít và gỗ xoan, bền và nhẹ. Những đôi guốc của thời hiện đại bước ra từ quá khứ, khoác lên mình phong cách hiện đại hơn, để tiếp tục tồn tại cùng năm tháng.

Chị Tâm có 20 năm bán guốc ở chợ Cồn, kế nghiệp từ mẹ chị cũng có hơn 30 năm gắn bó với nghề bán guốc cho khách. Chị kể, hồi chưa thay mẹ tiếp quản gian hàng này, chị hay ra chợ phụ mẹ chào hàng, đóng guốc. Cũng trầy trật lắm mới học thuần thục. Mới đầu đo chân cho khách ướm thử rồi, nhưng đóng quá lên một xíu là cái quai nhích về phía ngón, mà hạ xuống không cân thì quai nằm vào giữa bàn chân, phải tháo ra đóng lại. Phải cân chỉnh chừng 1/3 bàn chân để đóng quai là vừa. Rồi biết cách đóng đinh thì guốc mới “ăn đinh”, đinh không bị trợt, nghiêng, xéo. Để đóng quai guốc thuần thục, không biết bao lần chị bị búa giập vào tay đau điếng. Có những năm guốc gỗ trở thành trào lưu của mọi cô gái, ngày bán cả trăm đôi. Giờ thì lai rai ngày bán 10-20 đôi. Gặp khách du lịch hay các bà, các chị ở nước ngoài về, mỗi người mua cả chục đôi.

Dù vắng khách song chị Tâm có hẳn chừng mười người là “khách ruột”, mua guốc quanh năm, chưa kể chị còn bỏ mối cho hàng chục quầy hàng giày dép ở các chợ khác, họ chủ yếu bán thêm. Hôm tôi đến, chị V.L, 40 tuổi đến chọn mua guốc cho con gái. Chị bảo, hồi xưa đi học toàn đi guốc, mặc áo dài. Đi thành quen nên giờ Tết đến, mặc áo dài là phải diện cùng đôi guốc gỗ. Con gái chị L. mới 4 tuổi cũng chỉ thích mang guốc.

“Tính ra guốc vẫn rẻ hơn giày dép, như giày trẻ em mỗi đôi giá cũng phải 150.000 đồng trở lên, chừng đó thì mua gần được 3 đôi guốc”, chị L. nói. Một cặp vợ chồng khác đến mua guốc cho bé gái 3 tuổi. Anh chồng bảo vợ chọn cho con đôi guốc quai nhung, kể mỗi năm mua cho bé 4-5 đôi. Chị Tâm gợi ý đưa guốc cũ ra chị đóng quai lại cho nhưng bà mẹ trẻ bảo thôi không cần chị ạ, mua đôi mới cũng được.

Chị Tâm xởi lởi, vui vẻ nói về nghề, chỉ cho tôi cách thức đóng quai một đôi guốc. Đó hình như cũng là tính cách của những người bán hàng ở cái chợ này, khi nó là trung tâm đón tiếp khách hàng của thành phố và phân phối hàng hóa đi các nơi khác.

Chị Tâm còn nhận sửa chữa các loại guốc đã qua sử dụng với giá rất “mềm”, đóng đế, đóng quai tùy theo loại chỉ vài chục ngàn. Sau nhiều công đoạn tỉ mẩn, đôi guốc lại trở nên mới tinh. Guốc mộc rất bền, để lâu ngày không sử dụng chỉ xuống màu, chứ không hư hao như giày dép thông thường. Đinh cũng phải sử dụng 4 loại khác nhau về hình dáng, độ dài, tùy theo đóng đế hay đóng quai. Hiện guốc không còn nghe tiếng khua kêu lóc cóc nữa vì được lót đế bằng cao su cho êm, chống trượt và lâu mòn.

 Nhiều bà mẹ chọn mua guốc gỗ cho con gái, truyền đam mê đi guốc gỗ cho con, bởi mẹ từng có những năm tháng gắn bó với áo dài, guốc gỗ. Ảnh: H.N
Nhiều bà mẹ chọn mua guốc gỗ cho con gái, truyền đam mê đi guốc gỗ cho con, bởi mẹ từng có những năm tháng gắn bó với áo dài, guốc gỗ. Ảnh: H.N

Vàng son một thuở

Một quầy guốc không rộng lắm nhưng cũng đủ treo hàng nghìn mẫu guốc cho trẻ em và người lớn. Khách mua hàng như lạc vào thế giới của những đôi guốc mộc đủ màu sắc, kiểu dáng, cao thấp. Nhiều nhất vẫn là guốc dành cho phụ nữ, từ đế bằng đến đế cao cả chục phân, quai guốc được kết thành những đóa hoa.

Phần lớn phụ nữ trung niên chuộng đi guốc hơn các cô gái trẻ, đặc biệt là loại đế cẩn ốc xà cừ, giá có nhỉnh hơn các loại khác.Bù lại, đôi guốc mang 1-2 năm vẫn chưa hỏng. Kế đến là guốc dành cho trẻ em, màu sắc nổi bật, tươi sáng hơn rất nhiều, mỗi đôi có giá dao động 50.000 - 70.000 đồng. Trên mặt guốc vẽ thêm nhân vật hoạt hình xinh xắn. Chân đi guốc cũng ít bị nứt gót hơn đi dép.

Muốn có đôi guốc ưng ý, khách hàng phải dành thời gian dừng chân để chọn. Đầu tiên là chọn đế guốc, từ kích thước, kiểu dáng, màu sắc, độ cao, đến các loại hoa văn khắc trên đế. Sau đó, lại phải chọn lựa quai guốc, từ hơn 100 kiểu quai sẵn có. Không thích loại đơn sắc truyền thống, có thể chọn hoa văn sặc sỡ. Ngoài ra, còn có loại quai nhựa trong, quai đính nơ, đá lấp lánh, quai bằng vải nhung…

Thời vàng son, mỗi quầy bán cả trăm đôi guốc mỗi ngày, nhất là những ngày giáp Tết. Song, giờ mới bán được 2 đôi, giọng chị Tâm đã hào hứng: “Vậy là có dĩa cơm trưa”. Dù sao thì nghề vẫn nuôi được người, níu chị Tâm ở lại với nghề lâu hơn, theo tiếng đóng guốc lóc cóc phát ra giữa ồn ào tiếng chợ.

Âm thanh của quá khứ

Theo sử sách, trước năm 1975 ở hai làng Nam Ô, Xuân Dương (quận Liên Chiểu) có nghề đóng guốc. Nghề guốc đã nuôi sống nhiều gia đình, thời kỳ thịnh nhất là thập niên 40, 50, 60 của thế kỷ XX. Guốc làm ra ngoài bán ở các chợ của Đà Nẵng còn đưa đi Huế và các nơi như Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang... Nhưng giờ nghề này đã thành quá vãng.

Trong cuốn “Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm” của Phạm Công Luận, có dẫn: “Theo tác giả Vương Đằng, trước khi có kiểu guốc tân thời được ưa chuộng, trước năm 1910, ở miền Nam đã có guốc vông, làm bằng thân cây vông, đa số tự chế để dùng. Nhưng hồi xưa, ai làm nấy xài, vừa dầy vừa thô, mỗi bên hông có khoét lỗ hình chữ nhựt. Muốn gắn quai, người ta chêm mỗi bên một miếng nêm bằng cây, đi lâu hoặc bị vấp, miếng nêm lỏng hay văng ra thì người ta dừng lại và ngồi xuống gõ, vỗ, chêm lại cho cứng. Quai guốc thời ấy đơn giản, cái gì cũng có thể dùng làm quai nếu chắc chắc và dẻo, trong đó có vỏ dừa khô, thường được dùng làm quai khi chưa có kiểu da cao su, da quai nhung đóng vắt ngang như kiểu guốc tân thời”.

Nhiều tài liệu cho biết, guốc là vật dụng đi chân của cả nam và nữ, đế bằng, thấp bằng gộc tre, quai mây cốt bảo vệ đôi chân trong mùa giá rét và tránh nóng. Sau đó, đôi guốc được trau chuốt hơn về hình dáng với loại gỗ có trong vườn nhà như mít, xoan, de, mỡ, dàng dàng, kiểu “tự cung tự cấp”. Từ sản phẩm “tự cung tự cấp” đến sản phẩm hàng hóa, đôi guốc đã đi một bước dài trong lịch sử, kéo theo sự ra đời của nghề làm guốc, nổi tiếng với làng nghề Bình Nhâm (Thuận An, Bình Dương), làng Đơ Đồng (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), làng Kẻ Giày (Liên Trung, Đan Phượng, Hà Nội).

Hiện ở Đà Nẵng, tất cả nguyên vật liệu đều được tiểu thương nhập về từ Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó thân guốc được gia công tại các xưởng ở Bình Dương. Để làm ra đôi guốc phải mất rất nhiều công đoạn. Từ cây gỗ thô ráp, sần sùi, để làm ra đôi guốc bền, đẹp và nhẹ thì phải dùng chủ yếu là những loại gỗ như xoan, thông, mít, được cưa khúc, bổ khổ sau đó cho vào máy xẻ, tiếp đến là công đoạn mài thô để định hình hình dạng của chiếc guốc. Tiếp đến là công đoạn mài bóng, mài nhẵn và phun sơn. Những chiếc đế guốc sau đó được các tiệm nhập hàng về, rồi xuất đi các tỉnh trong cả nước với đầy đủ nguyên phụ liệu từ đế, quai, đến các loại đinh, để cho ra những đôi guốc thành phẩm.

Theo thời gian, đôi guốc gỗ tưởng như lạc hậu, chỉ còn là quá khứ. Nhưng đi guốc bao giờ cũng có cái hay của nó, vì đi guốc sạch và thoáng bàn chân, có cảm giác dễ chịu khi da chân tiếp xúc với mặt gỗ. Guốc cũng gợi cảm giác của sự quý phái, đoan trang khi mặc áo dài. Guốc mộc đã vượt qua khuôn khổ của “mộc” và sự đơn điệu về kiểu dáng với mũi vuông, nhọn, tù. Đế thì đủ hình đủ dạng, đặc hay rỗng, eo hay thóp nhưng thường là gót rời, từ thấp vài phân đến cao cả chục phân.

Đôi guốc bé nhỏ là thế nhưng là sự hội tụ tinh hoa của các nghề mộc, sơn mài, tơ lụa, đính hạt thêu tay…, nâng niu đôi bàn chân chị em. Đôi guốc cũng làm cho chị em nữ tính hơn, duyên dáng hơn bởi khi đi guốc phải nhẹ nhàng, khéo léo, không thể vội vàng hấp tấp, không thể cẩu thả lê quẹt.

Cùng với áo dài, nón lá, guốc mộc từ xưa đã gắn liền với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam với bước đi khoan thai, từ tốn. Đó cũng là nét đẹp của trong văn hóa của người Việt. Dù chưa được “hồi sinh” mạnh mẽ, song sức sống bền bĩ của những đôi guốc vẫn giữ được nét đẹp của các bà, các chị trong những dịp quan trọng như lễ, Tết mà đôi giày hiện đại đôi khi không thay thế được.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.