Nếu ta không bước đi

.

Một anh bạn nói đúng: “Nếu ta không bước đi…”, vâng, nếu ta không bước đi thì chẳng bao giờ tới nơi nào hay tới cái gì cả. Còn khi ta cứ tràng giang đại hải trên yên xe đạp, có khi cũng chẳng tới đâu. Nhưng vẫn hơn là ngồi một chỗ. Albert Einstein nói: "Đời người như ngồi trên chiếc xe đạp. Chỉ có đi thì mới khỏi ngã". Đi và chạy. Bây giờ, có một số em bé 2, 3 tuổi bị “quy” là “tăng động giảm chú ý”. Nhiều em nói rất chậm, ngược lại, chạy rất hăng. Khi nói chậm hay chậm nói, thì vận động tăng lên như một giải pháp thay thế.

Còn khi đã nói được rồi, đã cân bằng giữa “lời” và “hành động”, thì hội chứng kia có thể không còn nữa. Con người vẫn hướng tới sự thăng bằng, nhưng là “thăng bằng động”. Phải đi phải nói thì mới giữ được thăng bằng. Tôi vẫn thường nghĩ lơ mơ như vậy, con nhái kia vì sao kêu con gà kia vì sao gáy? Vì sao cây thay lá, vì sao mầm xanh chọc thủng đất? Tôi cũng không nghĩ gì khi 29 tuổi, vào năm 1975 ấy. Tôi giống như đứa bé “tăng động giảm chú ý” cứ chạy đông chạy tây mà chẳng hiểu mình sẽ đi tới đâu.

Có lần ở Hà Nội cảm thấy bất an quá, tôi và một người bạn cùng đi chiến trường đã rủ nhau tới xin việc ở một tờ báo. Khi người ta ra đề bài sát hạch và tôi cắm cúi viết, rồi khi chờ đợi người ta nói mình trúng tuyển và kêu đi làm, tôi cũng chẳng nghĩ gì cả. Cho tới khi nhận được công văn từ trại trưởng trại sáng tác văn học Quân khu 5 Nguyễn Chí Trung xin tôi về làm thành viên của trại ở Đà Nẵng. Chỉ lúc ấy, tôi mới có cảm giác mình đã có được một chỗ để ngồi lại, một chỗ để tiếp tục lang thang trong tâm tưởng, về quá khứ và hướng tới tương lai, dù nó bất định thế nào. Một trường ca được tôi ấp ủ từ trong chiến tranh nhờ tờ công văn đơn sơ này sẽ được hiện lên qua những con chữ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sống là phải biết chấp nhận. Chấp nhận sự thay đổi. Nhưng cũng phải biết không chấp nhận. Được suy nghĩ một mình, với tôi là hạnh phúc. Rất nhiều suy nghĩ đã không thành hiện thực dưới bất cứ hình thức nào, nhưng luôn luôn suy nghĩ giúp tôi tiếp cận nhanh với mọi vấn đề. Đó cũng là hạnh phúc.

Lại trích thêm một câu của cụ Einstein qua nhà thơ Nguyễn Đỗ: “Sự khác nhau giữa thiên tài và ngu dốt ở chỗ thiên tài là hữu hạn”. Dĩ nhiên, ngu dốt là vô hạn. Nhưng rất ít người là thiên tài, còn bất cứ ai cũng phải đi qua ngu dốt để trở nên một người bình thường. Về mặt nào, ngu dốt chính là “lò luyện đan”, dù “linh đan” luyện qua “lò” này chưa chắc đã dùng được.

Tôi cũng đã phải liên tục trải qua những “lò luyện ngu dốt” để có thể đứng trong cuộc đời. Ngu dốt là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Với tôi, mọi cái trở nên bình thường. Không bao giờ nói trước mình sẽ viết như thế nào. Đó là một bí mật. Những câu thơ từ đâu ra, từ đâu tới, mình không biết. Chỉ biết, cái gì tới ngay trong đầu mình lúc ấy, được viết ra, thì nó là thơ của mình.

Giống như cây bưởi nhà tôi, khi nó vượt qua được ách nạn sâu rầy phá hại, tự nhiên chồi lộc bừng lên, nở hoa và kết trái đĩnh đạc. Những người sống sót qua chiến tranh cũng thường cho quả ngọt như thế, khi họ tự biết giá trị vô song của đời sống. Biết sống vì cộng đồng, vì đất nước, cũng là biết tạo quả ngọt cho mình. Bất chấp tất cả những tồi tệ. Cứ vững tin vào cách sống của mình nếu nó đúng, và nói như B.Pasternak: “Hãy sống, sống và cứ thế/ Sống và cứ thế, đến cùng”.

Những người như B.Pasternak, bằng tác phẩm của mình họ gieo những hạt giống thánh thiện xuống cánh đồng cuộc sống. Cho mọi người thu hoạch. Nhưng cũng phải biết lao động mới thu hoạch được, dù mình không trực tiếp gieo trồng. Trên cánh đồng mênh mông của kiến thức nhân loại, mình hoàn toàn có thể thu hoạch miễn phí, nhưng phải biết cách. Chưa cần “phát triển giống mới” gì cả, cứ thu hoạch những gì người khác, các thế hệ trước đã đổ mồ hôi gieo trồng, là được lắm rồi. Trên nền của những củ quả ấy, ta mới hy vọng sáng tạo được những loại củ quả mới.

THANH THẢO

;
;
.
.
.
.
.