Những tấm ảnh một thời xứ Quảng

.

Nhiếp ảnh gia người Đức Hans-Peter Grumpe là nhà nhiếp ảnh nghiệp dư, nghề chính của ông trước khi về hưu là giáo viên. Vào những năm 1991-1992, ông đi du lịch bụi thăm thú, chụp ảnh nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hans-Peter Grumpe đã đưa vào ống kính máy ảnh của mình những điều “độc lạ” trên hành trình khám phá và trải nghiệm.

Những chiếc xe khách
Những chiếc xe khách chở xe đạp trên nóc ở bến xe Đà Nẵng, năm 1992. Ảnh: Hans-Peter Grumpe

Với hàng nghìn bức ảnh, nhiếp ảnh gia người Đức đã hình thành các bộ sưu tập ảnh và đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội. Trong số đó có khá nhiều bức ảnh quý giá ghi lại những khoảnh khắc sinh động về cuộc sống đời thường của con người xứ Quảng thời “hậu bao cấp”.

Thời điểm đó, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) vẫn ở trong một “mái nhà chung”, đến năm 1997 mới chia tách thành hai đơn vị hành chính độc lập. Dấu ấn “hậu bao cấp” vẫn còn thấy rõ trong từng bức ảnh của Hans-Peter Grumpe. Đó là bức ảnh chụp cây cầu lót ván trên đường đến tháp Chiên Đàn ở thị xã Tam Kỳ, một chuyến xe khách chạy bằng than ở quốc lộ 1A, trên đường từ Quảng Nam đi Đà Nẵng hay những chiếc bàn ở quán làm từ bộ phận của máy bay Mỹ... Ngoài ra, ông còn chụp nhiều bức ảnh thú vị về cuộc sống, sinh hoạt của người dân xứ Quảng. Tiêu biểu là những bức ảnh chụp người dân địa phương gánh củi tại một đường mòn ở khu vực thánh địa Mỹ Sơn, khu chợ ở làng Trà Kiệu, Duy Xuyên, một cơ sở sản xuất đồ thiếc ở phố cổ Hội An, xưởng đóng thuyền bên bờ sông ở gần thị xã Tam Kỳ...

Hans-Peter Grumpe ghi lại những khung hình khá chân thực về cuộc sống “hậu bao cấp”, đặc biệt là phương tiện giao thông, đi lại, vận chuyển hàng hóa. Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, phương tiện giao thông, chuyên chở hành khách trong khu vực nội tỉnh, quãng đường ngắn thường là xe đò. Loại xe phổ biến khi ấy là Đờ Nôn/Rờ Nôn (Renauld Goélette), ra đời vào thập niên 50, 60 của thế kỷ XX do Pháp chế tạo. Vì khó khăn về nhiên liệu nên loại xe này thường được lắp thêm động cơ đốt than. Những chuyến xe Đà Nẵng - Tam Kỳ, Đà Nẵng - Huế, Đà Nẵng đi các huyện trong tỉnh đều dùng loại xe có động cơ này. Tài xế và phụ xe bị bụi đường và bụi than lấm lem mặt mũi. Nhu cầu đi lại, vận tải rất lớn nhưng chưa có nhiều xe chuyên dụng riêng nên ô-tô vừa chở người vừa chở hàng.

Xe thường chất đầy hàng hóa trên nóc, người bu bám phía sau đuôi xe, thậm chí còn ngồi trên mui xe. Cái bàn đạp phía sau xe gặp bữa đông khách cũng bu bám nhiều người. Nhưng hành khách cũng không dễ dàng đón được xe để đi lại, ngay cả trên tuyến đường quốc lộ, trục giao thông chính. Còn các tuyến đi những huyện miền núi như Trà My, Hiên, Giằng (cũ)... thì càng khó khăn hơn. Từ cái khung xe Đờ Nôn quen thuộc, chủ xe phải mang đến xưởng để độ lại thành xe rin 3 cầu cho “mạnh máy” hơn để chuyên dụng chở khách và hàng hóa đi lên vùng núi cao hiểm trở.

Rất nhiều bức ảnh sống động của Hans-Peter Grumpe kể lại “chuyện cổ tích” thời chưa xa: Đó là một xe khách cỡ nhỏ chở nước giải khát được chuyển lên nόc xe từ một chiếc xίch lô, bến xe Đà Nẵng năm 1992; Chiếc xe khách chở thêm một đống xe đạp và người trên nόc, bến xe Đà Nẵng năm 1992; Chiếc xe không cὸn chỗ trong khoang, hành khách phải đeo bám bên ngoài và ngồi trên nόc cùng hàng hόa, trên đường đi từ Tam Kỳ ra Đà Nẵng năm 1991...

Ngoài những bức ảnh chụp “xe than”, xe chở quá tải ở xứ Quảng, nhà nhiếp ảnh người Đức còn chụp xe tải, xe khách ở nhiều địa phương khác nhau trong nước. Những chiếc xe khách với “núi” hàng hόa ngồn ngộn trên nόc là hὶnh ảnh quen thuộc trên mọi nẻo đường ở Việt Nam đầu thập niên 1990. Tiêu biểu là bức ảnh chụp xe khách “siêu trọng” tại một bến xe trên tuyến đường từ Buôn Ma Thuột qua Pleiku đến Quy Nhơn, năm 1992; Phà rời bến với hai xe khách “siêu tải trọng”; Xe chở lồng tre đựng gà vịt trên phà ở bến phà Bίnh, Hải Phὸng năm 1991. Còn nhiều ảnh “độc đáo” khác như bức ảnh chụp chiếc xe lam nhὀ bé trên phố Hàng Khoai, đối diện chợ Đồng Xuân, Hà Nội năm 1993. Nó cũng không chịu thua kém xe khách về hiệu suất tải hàng hóa!

Nhà nhiếp ảnh Hans-Peter Grumpe công bố nhiều bộ ảnh về Việt Nam, đặc biệt về xứ Quảng thời “hậu bao cấp”. Điều thú vị nhất là những bức ảnh của ông tương đối quý hiếm, khi người nước ngoài ghi lại một cách chân thực bức tranh cuộc sống của quá khứ chưa xa. Nhiều hình ảnh chẳng những có giá trị về nghệ thuật thưởng ngoạn mà còn là tư liệu sống động để đối sánh xưa và nay, quá khứ và hiện tại. Đó cũng là cái quý báu và đầy thú vị của nghệ thuật nhiếp ảnh.

TẤN VỊNH

;
;
.
.
.
.
.