Thời gian qua, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng áp dụng nhiều phương pháp nhân giống mới gồm phương pháp hữu tính bằng gieo hạt, phương pháp giâm hom, phương pháp nuôi cấy mô. Qua đó không chỉ bảo tồn các loài cây quý hiếm mà góp phần phát huy các loài cây bản địa, cây trồng phục vụ sản xuất, mở ra nhiều tiềm năng và triển vọng mới trong phát triển kinh tế.
Chuối thanh tiêu bản địa nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô được trồng thử nghiệm tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Ảnh: Đ.H.L |
Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống cũng là lúc những vạt chuối thanh tiêu ở vườn nhà ông Nguyễn Phước ở Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang trở nên xanh mát mắt sau mùa hè khô hạn. Đây là giống chuối thanh tiêu được Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng hỗ trợ giống cho các hộ nông dân ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang từ việc nhân giống bằng phương pháp kỹ thuật nuôi cấy mô.
Trồng thử nghiệm giống chuối thanh tiêu
Chia sẻ về giống chuối thanh tiêu này, ông Nguyễn Phước cho biết, sau khi được Phòng Khoa học ứng dụng, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng cung cấp 100 cây giống chuối thanh tiêu trồng thử nghiệm từ năm 2022, đến nay chuối thanh tiêu vườn nhà ông phát triển tốt. Do hợp đất nên chuối sinh trưởng nhanh, từ đó ông nhân giống ra trồng rộng hơn, tuy nhiên ông Phước cho biết, so với các giống chuối khác, chuối thanh tiêu thân yếu, dễ gãy khi bị gió quật.
Cùng đợt trồng thử nghiệm với hộ ông Nguyễn Phước, 100 cây chuối thanh tiêu trồng trên vườn ông Phạm Văn Kiêm ở thôn Ninh An, xã Hòa Nhơn đến nay bắt đầu nhảy cây con sau khi mưa xuống. Ông Kiêm cho biết, cây chuối phát triển tốt nhưng khí hậu ở thôn Ninh An lại không thích hợp. Vào mùa hè, vườn chuối thanh tiêu nhà ông bị héo khô vì thiếu nước. Sau khi trồng thử nghiệm 100 cây chuối thanh tiêu trên diện tích 400m2 do Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng hỗ trợ giống, đến nay ông mới thu hoạch được 5-7 buồng. Vừa qua, gặp thời tiết khô hạn, vườn chuối bị héo khô.
Là người trực tiếp phối hợp với hai hộ dân ở xã Hòa Nhơn triển khai trồng thử nghiệm hơn 200 cây chuối thanh tiêu từ kỹ thuật nuôi cấy mô, ThS. Đinh Hữu Quốc Bảo, chuyên viên Phòng Khoa học ứng dụng cũng cho rằng, đây là giống chuối địa phương được trung tâm lựa chọn sau khi khảo sát một số cây bản địa ở xã Hòa Nhơn, lấy mẫu về nghiên cứu. Mẫu được đưa vào phòng thí nghiệm ươm cây con, rồi nhân giống vườn ươm. Sau khi được cây con nuôi cấy mô thì đem ra trồng thử nghiệm ở xã Hòa Nhơn. Trong 3 tháng đầu, Trung tâm Công nghệ Sinh học hỗ trợ nông dân theo dõi, sau đó chuyển giao cho nông dân tự chăm sóc. Giống chuối thanh tiêu này trồng kéo dài từ 9 đến 10 tháng thì trổ buồng và đến nay ghi nhận kết quả cây sinh trưởng tốt.
Nói về tính hiệu quả của giống chuối thanh tiêu, bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Nhơn cho biết, hiện nay có nhiều giống chuối được trồng trên cánh đồng Hố Dư, trong đó có chuối thanh tiêu. Tuy nhiên, giống chuối thanh tiêu do Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng cung cấp mới chỉ trồng thử nghiệm ở hai hộ ông Nguyễn Phước và ông Phạm Văn Kiêm. Trong khi vườn chuối hộ ông Nguyễn Phước phát triển tốt thì vườn chuối ở hộ ông Phạm Văn Kiêm cho năng suất không cao do hạn hán vào mùa hè và ngập úng vào mùa đông.
Nhân giống thành công với nhiều loài cây quý
Ngoài chuối thanh tiêu bản địa, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng còn nghiên cứu thành công nhiều giống cây trồng khác như đào chuông, lan gấm, các loại cúc, nấm… Đối với cây hoa đào chuông, trung tâm lấy mẫu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, sau đó vào mẫu rồi nhân mẫu ra rễ để tạo cây. Sau 3 năm thí nghiệm, đến nay thu kết quả tạo được cây hoàn chỉnh và hiện đang nghiên cứu thêm. “Việc thực hiện thí nghiệm thành công giống cây đào chuông Bà Nà góp phần vào việc triển khai đề tài bảo tồn cây đào chuông của Đà Nẵng.
Với cây lan gấm, trung tâm đã thực hiện thành công nhân giống trong phòng thí nghiệm và trồng ra bên ngoài. Đây là loài cây dược liệu quý hiếm được lấy mẫu từ bán đảo Sơn Trà và Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa. Đến nay, trung tâm đã trồng mô hình thành công trên 100m2. Trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục mở rộng nghiên cứu thêm bởi đây là loài cây mới, chưa có cơ sở khoa học đầy đủ nên cần nghiên cứu kỹ về hoạt tính dược liệu và có những đánh giá khoa học, cụ thể thì mới triển khai trồng đại trà”, ông Nguyễn Quyết, Trưởng phòng Khoa học ứng dụng, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng giải thích.
Trong khi đó, việc áp dụng phương pháp kỹ thuật nuôi cấy mô đối với các loại cúc và hoa đồng tiền đã giúp loài cây này chống chịu bệnh tốt, không bị héo xanh và phù hợp với việc trồng đồng đều trong chậu. Với thành công này, trung tâm đã trồng thử nghiệm mô hình và cung cấp giống cho người dân có nhu cầu. Ưu điểm của kỹ thuật nuôi cấy mô là không phải chờ hạt mà chỉ lấy một phần bộ phận của cây là có thể tạo ra nhiều cây con. Nhờ đó, thuận tiện trong việc cất giữ giống và chủ động nguồn giống khi có sẵn cây con được nuôi trong bình ở phòng thí nghiệm.
Hiện nay, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng cũng đã thực hiện thành công phương pháp phân lập đối với các loại nấm như nấm sò (bào ngư), linh chi đỏ, linh chi xanh, đông trùng hạ thảo… Đối với phương pháp này, trung tâm thực hiện lựa chọn giống tốt, sau đó phân lập nhân giống qua các cấp, rồi trồng thử nghiệm và đánh giá kết quả. Sau khi thực hiện thành công, trung tâm lưu mẫu và cung cấp giống cho người dân có nhu cầu. Ngoài ra, trung tâm còn thực hiện phương pháp phân lập vi sinh để làm chế phẩm vi sinh và phân bón cho cây trồng.
Theo ông Nguyễn Quyết, đối với cây thân gỗ thì trung tâm sẽ chọn phương pháp gieo hạt và giâm hom; còn đối với cây thân thảo thì áp dụng kỹ thuật nuôi cấy mô bởi phương pháp này có ưu điểm là sinh trưởng nhanh. “Khó khăn hiện nay của trung tâm là cơ sở vật chất chưa bảo đảm thực hiện chuyển đổi số để tự động hóa trong các khâu triển khai và theo dõi công trình nghiên cứu, chẳng hạn như theo dõi quá trình nghiên cứu trên máy tính. Bên cạnh đó, trung tâm còn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị cho vườn ươm, nhu cầu nguồn giống. Đặc biệt, công tác lưu giữ giống vẫn còn gặp nhiều khó khăn do phải cấy chuyển qua môi trường mới và kiểm tra định kỳ. Do đó, rất cần sự đầu tư để nâng cao kỹ thuật và đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất”, ông Quyết đề xuất.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG