Công nghiệp vi mạch bán dẫn cung cấp nền tảng kỹ thuật cho nhiều lĩnh vực của cuộc sống hiện đại, là một phần quan trọng của sự phát triển công nghệ và kinh tế toàn cầu. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường xuyên tiếp xúc, sử dụng các sản phẩm ít nhiều có chip bán dẫn. GS Jen Fuhua nổi tiếng về vi mạch ở Đại học Minghsin Đài Loan (Trung Quốc) từng khẳng định: “Nếu tư vấn giới thiệu cho doanh nghiệp Đài Loan đầu tư sản xuất chip ở Việt Nam, tôi sẽ chọn Đà Nẵng…”.
Ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn ngày càng phát triển tại Việt Nam. TRONG ẢNH: Bản đồ các công ty vi mạch tại Việt Nam. |
Sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden với nhiều cam kết và hành động thực tế, Việt Nam kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn lên tầm cao mới, thay vì gia công như hiện tại. Để có sự chuyển biến về chất và tạo đột phá cho ngành này, thì nguồn nhân lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Vừa qua, tại Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 07-8-2023, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, theo đó dự kiến đào tạo khoảng 30.000-50.000 nhân lực, chuyên gia.
Thiếu hụt nhân lực ngành bán dẫn
Không riêng Việt Nam, Hoa Kỳ cũng đứng trước lỗ hổng nhân lực về công nghiệp bán dẫn. Kết quả cuộc khảo sát “Chipping Away: Đánh giá và giải quyết lỗ hổng thị trường lao động đối diện ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ” cho thấy, đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn nước này sẽ phải đối mặt với việc thiếu hụt 67.000 chuyên gia có kỹ năng cao.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn, tuy nhiên theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ngành công nghiệp bán dẫn nước ta cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%.
Ở Việt Nam, một số trường đại học đã đào tạo về công nghệ bán dẫn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ thông tin và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Đà Nẵng… Riêng với Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa đã sớm đón đầu lĩnh vực này nên đã thành lập Khoa Điện tử viễn thông, Công nghệ thông tin và trong quá trình đầu tư phát triển cũng ưu tiên cho ngành này.
Đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch cần sự đầu tư từ Chính phủ, với các chính sách tập trung mũi nhọn vào ngành vi mạch. Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản đều có những công ty vi mạch thành công nhờ những chính sách ưu đãi của chính phủ, của địa phương. Việc cung cấp môi trường học tập, làm việc thú vị với các thách thức cho sinh viên có thể giúp họ trau dồi mỗi ngày và trở thành những chuyên gia thiết kế vi mạch xuất sắc. Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng rất có tiềm năng để đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bởi có nhiều lợi thế và yếu tố hỗ trợ. Đó là sự nhạy bén và vào cuộc nhanh chóng của lãnh đạo thành phố qua việc chỉ đạo ban hành các nghị quyết cụ thể về phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch của thành phố. Dân số Đà Nẵng trẻ, cần cù chịu khó và năng động, tạo thuận lợi cho đào tạo nguồn nhân lực mới trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Vị trí địa lý của thành phố thuận lợi giao thông đường biển, đường bộ, hàng không và có khu công nghệ cao - là trụ cột để phát triển thành phố trong tương lai.
Tại Đà Nẵng, nhiều trường đại học đang đào tạo các chuyên ngành liên quan đến sản xuất vi mạch được nhà sử dụng lao động tín nhiệm và đánh giá cao. Theo số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, nhân lực ngành vi mạch tập trung chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 85%) và một phần ở Hà Nội (khoảng 8%), Đà Nẵng (khoảng 7%-8%).
Tại Đà Nẵng hiện nay có các công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fptsemi, Sannei Hytechs… với khoảng 550 kỹ sư, trong số đó hơn 80% là cựu sinh viên Đại học Đà Nẵng. Đặc biệt, Đà Nẵng 3 năm liền đoạt giải Nhất “Thành phố thông minh Việt Nam”, thành phố đã hợp tác với nhiều quốc gia, có kinh nghiệm trong đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch nên dễ dàng chia sẻ kiến thức và kỹ thuật cũng như phát triển chương trình đào tạo.
Tập trung phát huy lợi thế và tiềm năng
Để phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch tại Đà Nẵng đòi hỏi sự hỗ trợ và cam kết mạnh mẽ từ chính quyền địa phương. Kinh nghiệm của các nước đi trước và thành công trong lĩnh vực này cho thấy, việc đầu tiên Đà Nẵng cần làm là xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn cho lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thiết kế và sản xuất vi mạch. Chiến lược này nên xác định các mục tiêu cụ thể, nguồn lực cần thiết và hướng đi của sự phát triển. Thành phố cần đề xuất Chính phủ hỗ trợ dự án phát triển vi mạch và dành một phần kinh phí cung cấp hỗ trợ tài chính cho các chương trình đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Bên cạnh đó cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học và trung tâm đào tạo có đủ cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại để hỗ trợ quá trình học tập và nghiên cứu. Tăng cường việc hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ trong việc phát triển chương trình đào tạo, hỗ trợ trang thiết bị và cung cấp cơ hội thực tập và làm việc cho sinh viên (như mô hình Intel đã làm với Đại học Bách khoa Đà Nẵng)cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển.
Ngoài ra, Đà Nẵng cần tìm kiếm, kêu gọi ít nhất 1-2 doanh nghiệp về vi mạch lớn hơn nữa và tạo các điều kiện ưu đãi tối đa để đầu tư, được vậy sẽ thu hút thêm các công ty khác. Đặc biệt nếu có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong vi mạch thì các anh em trong và ngoài nước sẽ mạnh dạn mở công ty ở Đà Nẵng như lời khẳng định của ông Nguyễn Bảo Anh, Team Leader của Công ty Synopsys Việt Nam, chi nhánh tại Đà Nẵng. Trong nguồn kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ, nguồn ngân sách địa phương có thể cung cấp hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu và sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bằng cách tổ chức các cuộc thi, học bổng, hoặc khuyến mãi cho các dự án đổi mới.
Ngành thiết kế và sản xuất vi mạch và thiết bị bán dẫn đóng vai trò chiến lược trong sự phát triển của thế giới hiện đại. Với những lợi thế riêng có của thành phố, với vai trò tích cực từ sự vào cuộc và đầu tư từ chính quyền các cấp, hy vọng thời gian đến Đà Nẵng sẽ phát triển thành công nguồn nhân lực thiết kế, sản xuất vi mạch, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn tại khu vực miền Trung và cả nước.
GS. TRẦN VĂN NAM