Sinh viên kể chuyện Tết bằng hoa và đèn chiếu sáng

.

Ý tưởng đèn chiếu sáng “Rực rỡ Hàn giang” và đường hoa “Thìn ghé ngõ, Giáp sum vầy” của hai nhóm sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cùng đoạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng trang trí hoa và điện chiếu sáng phục vụ Tết Giáp Thìn 2024” do UBND thành phố tổ chức. Hai ý tưởng tái hiện hình ảnh Đà Nẵng lung linh bên dòng sông Hàn dưới ánh sáng muôn màu và sắc hoa rực rỡ kèm thông điệp mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Ý tưởng trang trí đường hoa “Thìn ghé ngõ, Giáp sum vầy” của nhóm 4 sinh viên khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đoạt giải Nhất. Ảnh: H.V
Ý tưởng trang trí đường hoa “Thìn ghé ngõ, Giáp sum vầy” của nhóm 4 sinh viên khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đoạt giải Nhất. Ảnh: H.V

Nói về ý tưởng trang trí đèn chiếu sáng “Rực rỡ Hàn giang”, Thái Thị Hồng Thủy, sinh viên lớp K20, Trưởng nhóm HT1907 cho biết, nhóm muốn tạo không gian đèn chiếu sáng thật đặc biệt để người dân và du khách thưởng thức buổi tiệc ánh sáng lung linh bên dòng sông Hàn thơ mộng. Hy vọng ý tưởng khi triển khai thực tế sẽ quảng bá hình ảnh thành phố đến du khách trong nước và quốc tế. “Nhóm đưa ra phương án thiết kế phù hợp thực tế ở tất cả hạng mục đèn áp dụng công nghệ chiếu sáng 3D, đường nét hình khối không quá phức tạp, vật liệu có sẵn. Cùng với đó, hình thức đèn chiếu khá lạ mắt, dễ nhìn và dễ gây ấn tượng”, Hồng Thủy bày tỏ.

Sinh viên Văn Hữu Toàn, thành viên nhóm HT1907 chia sẻ thêm, toàn bộ thiết kế đèn chiếu sáng tập trung ở những vị trí trung tâm thành phố như: Trung tâm Hành chính, cổng 2 làn tuyến đường Nguyễn Văn Linh, cổng 1 làn tuyến đường Lê Duẩn, khu vực cầu Rồng, đảo tam giác trước Kênh Truyền hình quốc gia khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) và các bùng binh lớn, cầu Bán Nguyệt... là nơi kết nối nhiều điểm du lịch nổi tiếng, chợ, khách sạn, nhà hàng và hàng lang các tuyến phố lân cận của thành phố.

Cụ thể, cổng 2 làn tuyến đường Nguyễn Văn Linh, có phân đoạn “Trời đất giao hòa” với ý tưởng “Xuân khởi” tạo nét hình ảnh đèn chiếu sáng đàn chim én vút bay lên từ những cánh quạt giấy kèm họa tiết truyền thống. Hay khu vực cầu Chữ T, biểu tượng đèn “Đà Nẵng vươn cao”, lấy hình ảnh con chim Lạc trong văn hóa Đông Sơn kết hợp hình ảnh cây tre truyền thống Việt Nam. Trước Trung tâm Hành chính, hình ảnh rồng cách điệu, màu sắc đèn chủ đạo vàng và xanh, mang lại sự cát tường, thịnh vượng, may mắn; đồng thời, kết hợp chi tiết hoa văn tạo nên tổng thể hài hòa giàu tính biểu tượng, toát lên nét xuân cổ truyền. Ngoài ra, những hình ảnh cá chép hóa rồng, tiểu cảnh lễ hội, ngày Tết truyền thống, đồng hồ, ông Công - ông Táo, biển cả… được nhóm thiết kế ở những vị trí còn lại.

Ý tưởng trang trí đường hoa “Thìn ghé ngõ, Giáp sum vầy” được đánh giá cao về nội dung, tính sáng tạo. Bùi Văn Quốc Trung, sinh viên lớp K18, Trưởng nhóm GT1002 cho biết, ý tưởng thiết kế đường hoa “Thìn ghé ngõ, Giáp sum vầy” xuất phát từ quá trình nghiên cứu văn hóa, lịch sử và yếu tố cảnh quan trong thời gian khá dài để đưa ra phương án phù hợp. Ý tưởng thể hiện rõ tinh hoa Tết Việt và đậm bản sắc văn hóa truyền thống, mang đến cho người dân một không gian Tết đa màu sắc với hình ảnh con Rồng có diện mạo mới mẻ. Nhóm chia đường hoa thành 3 trạm gồm: trạm 1 chuyến xe (phân đoạn bên trái đuôi cầu rồng) có ý nghĩa chất đầy yêu thương, chở mùa xuân về; trạm 2 (phân đoạn cầu chữ T) hành trình bôn ba cả năm, đến ngày giáp Tết và trạm 3 (phân đoạn bên phải đuôi cầu Rồng) là cả nhà quây quần bên nhau, ôn lại kỷ niệm. Mỗi trạm có 3-4 tiểu cảnh chính và các tiểu cảnh phụ.

Theo đánh giá của ông Đinh Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thì ý tưởng thiết kế trang trí hoa và đèn chiếu sáng của hai nhóm trên mang tính sáng tạo, ứng dụng cao, là nền tảng để đơn vị liên quan tham khảo đưa ra sự lựa chọn triển khai thực tế phục vụ Tết Giáp Thìn 2024.

HUỲNH VŨ

;
;
.
.
.
.
.