Tín nhiệm và niềm tin

.

Ngày 25-10, với 470/472 đại biểu tán thành, chiếm 95,14% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Trưởng ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Thị Thanh cho biết, quy trình lấy phiếu tín nhiệm chặt chẽ, bảo mật, kiểm phiếu bằng máy do Viện Khoa học Công nghệ quân sự phối hợp thực hiện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu kín lấy phiếu tín nhiệm vào ngày 25-10-2023. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu kín lấy phiếu tín nhiệm vào ngày 25-10-2023. Ảnh: TTXVN

Kết quả được công bố trong buổi chiều cùng ngày. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp được công bố công khai, rõ ràng, minh bạch, hết sức thời sự. Tỷ lệ phiếu có khác nhau, mức tín nhiệm cao, thấp cũng khác nhau đối với từng chức danh, từng lãnh đạo cụ thể, nhưng điều đáng mừng là không có ai ở diện mức “tín nhiệm thấp” chiếm tới 50% trở lên. Nghĩa là không có ai thuộc diện phải tiến hành thêm bước nữa, theo như quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23-6-2023, của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Cụ thể, nghị quyết quy định, nếu người được lấy phiếu có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất. Việc đánh giá cán bộ theo 2 cấp độ là lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm sẽ bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện thận trọng, khách quan, khoa học; bảo đảm việc đánh giá của gần 500 đại biểu Quốc hội chặt chẽ, chính xác. Những con số thống kê được công bố trong chiều 25-10 qua lấy phiếu tín nhiệm sẽ khiến những người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn thêm một dịp nhìn lại mình, suy nghĩ, phân tích cặn kẽ, thấu đáo, khách quan nhất có thể, để “soi” lại mình, và sửa, xứng đáng với niềm tin của nhân dân!

Trước đó, sáng 15-5, phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sau khi tổng kết việc lấy phiếu tín nhiệm theo các quy định của Bộ Chính trị khóa XI và XII, ngày 2-2-2023, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị quy định và ngày 6-4 ban hành kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư…

Theo Tổng Bí thư, việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ. Công việc này được bắt đầu từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay. Mục đích của lấy phiếu tín nhiệm là thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ.

Có thể cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn trong thời gian qua thực sự là dịp để những người được lấy phiếu tín nhiệm thêm một lần tự soi, tự sửa, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác. Sự “sát hạch” ấy, rõ ràng, là điều rất tốt trong sinh hoạt chính trị, trong sự nêu gương của từng đồng chí lãnh đạo, cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu ở các cấp khác nhau, có thêm sự tu dưỡng, rèn giũa bản lĩnh của người cộng sản, không ngừng phấn đấu vì sự nghiệp chung của đất nước. Và thêm một lần nữa để mạnh dạn thấy rằng sự tín nhiệm bằng lá phiếu cụ thể thực sự là cơ hội quý báu để mỗi cán bộ nhìn lại mình, dũng cảm thừa nhận những hạn chế, tồn tại để kiên tâm sửa chữa, khắc phục, hoàn thiện, và ngày càng cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chung, thực sự đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên hàng đầu mà phụng sự.

Sự tín nhiệm, khi ấy, không hề làm thui chột, nhạt phai ý chí phấn đấu, sự cống hiến của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu; mà là ngọn lửa hun đúc, tôi rèn bản lĩnh, sự nhiệt tình cách mạng, để mỗi người thực sự xứng đáng với niềm tin của nhân dân, phấn đấu là “đầy tớ của nhân dân” như Bác Hồ căn dặn.

NGUYỄN TRI THỨC

;
;
.
.
.
.
.