Sau mỗi trận mưa lớn, một trong những hình ảnh cảm động là sự tận tình, lăn xả của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân cơ động, tình nguyện viên giữa mưa to, gió lớn với mục tiêu ứng cứu người dân thoát khỏi vùng nguy hiểm... Đó cũng chính là mục tiêu của thành phố trong việc ứng phó với thiên tai, theo phương châm "tính mạng người dân là trên hết".
Thanh niên Đoàn phường Hòa Khánh Nam cùng các lực lượng địa phương đưa xuồng ứng cứu người dân bị ngập sâu trên đường Hoàng Văn Thái ngày 14-10-2023. Ảnh: T.Y |
Còn người là còn của
Vừa xếp gọn quần áo cho vào túi xách, bà Nguyễn Thị Hạnh (tổ 32, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) vừa nói, từ đầu mùa mưa, bao giờ bà cũng để sẵn mấy bộ quần áo sạch trong túi xách dự phòng chuyện “chạy lụt”. Chưa qua hết đợt mưa tháng 10, gia đình bà đã 2 lần sơ tán đến UBND phường khi nước mưa tràn vào nhà hơn 1m. “Nhà tôi thấp nên nước ngập rất sớm. Vì điều này nên hễ thời tiết báo có mưa lớn là gia đình tôi mỗi người một tay kê đồ đạc lên cao rồi chuẩn bị ít tư trang chạy lụt”, bà Hạnh kể.
Chuyện chạy lụt, với người dân phường Hòa Khánh Nam vài năm qua không lạ, nhất là sau trận lụt lịch sử năm 2022. Lần ấy, nước lụt dâng cao trong đêm tối. Cả khu dân cư rối bời, hỗn loạn. Người người dắt díu nhau theo chân bộ đội, công an, cán bộ dân phòng đến tá túc tại trường học, UBND phường. Năm đó, gia đình bà Hạnh là một trong số hàng trăm gia đình khác buộc phải sơ tán chờ nước rút để bảo đảm an toàn. Bà nói, với người dân sống vùng thấp trũng, chuyện nước tràn vào nhà mỗi khi trời mưa lớn không lạ, nhưng đáng lo.
Đó cũng là lý do gia đình bà chỉ sắm sửa những vật dụng thật sự cần thiết cho sinh hoạt gia đình, phòng trường hợp hư hỏng do mưa lụt. Bà Hạnh nói thêm: “Cũng may, mỗi khi thời tiết chuyển biến xấu là có các lực lượng xuống tận nhà dân hỗ trợ chèn chống nhà cửa, hướng dẫn sơ tán đến nơi an toàn. Ngay như trụ sở UBND phường, năm nào cũng có người dân đến tá túc qua đêm. Mỗi lần như rứa, chúng tôi thường động viên nhau, còn người là còn của, quan trọng là an toàn tính mạng cho mình và người thân trong gia đình”.
Lý giải nguyên nhân các kiệt, hẻm ở đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái, Nam Cao, Phạm Như Xương… thường xuyên bị ngập sâu, nước chảy xiết trong mùa mưa, ông Bùi Trung Khánh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam cho biết, do khu vực này trũng, hệ thống mương cống thoát nước chưa bảo đảm, chưa kể được bao phủ bởi những quả đồi phía tây dẫn đến việc thoát nước càng chậm. Để bảo đảm an toàn cho dân, địa phương chú trọng củng cố các đội thanh niên xung kích, dân quân cơ động phòng chống thiên tai tại khu vực dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, nhất là các hộ dân sống ở khu vực ngập úng chủ động triển khai các phương án phòng chống và hỗ trợ nhau trong lụt bão.
Cũng theo ông Bùi Trung Khánh, trong 2 đợt mưa lớn vừa diễn ra vào tháng 10, hàng trăm hộ gia đình có nhà ở kiên cố trên địa bàn phường sẵn sàng cho người dân tá túc trong thời gian chờ nước rút. Nếu thời tiết diễn biến xấu hơn, người dân sẽ được chính quyền sơ tán đến trường học, công trình công cộng và hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết với phương châm “tính mạng con người là trên hết”.
Mưa lớn liên tục cũng khiến kiệt 279 Thái Thị Bôi (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) rơi vào cảnh ngập nặng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục hộ dân. Anh Nguyễn Thanh Thảo, Phó Bí thư Đoàn phường Thạc Gián cho biết, để phòng tránh tai nạn đáng tiếc, tại khu vực ngập sâu, đoàn thanh niên thường xuyên cử lực lượng thanh niên túc trực, kiên quyết ngăn chặn không cho người dân, nhất là trẻ em đi lại. Bên cạnh đó, đội thanh niên xung kích phòng chống thiên tai tích cực phối hợp chính quyền địa phương, lực lượng dân quân cơ động, tổ dân phố hỗ trợ người dân chèn chống nhà cửa và sẵn sàng sơ tán nhằm bảo đảm an toàn khi có mưa, bão xảy ra.
“Giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim”
Nằm dọc khu vực sông Cẩm Lệ nên chỉ sau vài ngày mưa lớn, trên địa bàn phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, sinh sống trên đường Nguyễn Nhàn cho biết, trận mưa lớn ngày 14-10 khiến gia đình chị trở tay không kịp. “Hôm đó vợ chồng tôi đi làm về thì nước đã mấp mé ngoài sân, chỉ kịp kê tủ lạnh, máy giặt và sắp xếp giường chiếu lên vị trí cao hơn. Vợ chồng tôi mới chuyển về đây sinh sống từ năm ngoái nên việc dọn lụt là một trải nghiệm hoàn toàn mới nhưng cũng giúp chúng tôi có nhiều kinh nghiệm ứng phó hơn”, chị Hương kể lại.
Ngoài tuyến đường Nguyễn Nhàn, trên địa bàn phường Hòa Thọ Đông còn có đường Cống Quỳnh cũng thường xuyên ngập nặng khi mưa lớn. Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông Nguyễn Ngô Trung Việt cho hay, để chủ động ứng phó, UBND phường lồng ghép công tác tuyên truyền tại các cuộc họp tổ dân phố, khuyến cáo người dân chuẩn bị sẵn đèn pin, áo phao, sạc dự phòng và chèn chống nhà cửa.
Trung bình, mỗi khu dân cư sẽ trang bị khoảng 10 áo phao, 2 phao cứu sinh, 100m dây thừng để tiện triển khai sơ tán khi có mưa bão xảy ra. Cùng với đó, Hội Chữ thập đỏ phường tổ chức nhiều lớp tập huấn về phòng ngừa thảm họa, sơ cấp cứu cho đội ngũ hội viên, tình nguyện viên và các đội xung kích phòng chống thiên tai. Nhờ đó, người dân được chia sẻ công thức lắp tay vịn cầu thang, kệ bếp nấu ăn, nắp đậy giếng nước, gia cố lan can gác lững để có một nơi ở an toàn trong mùa mưa.
Theo các chuyên gia, việc đầu tư vào cảnh báo, ứng phó và cơ sở hạ tầng là cách tốt nhất để bảo đảm sự an toàn cho người dân. Từ năm 2010, bên cạnh biện pháp ứng phó, mô hình nhà tránh bão đa năng đã có mặt tại hầu hết các quận/huyện, phường/xã Đà Nẵng. Trong điều kiện thời tiết bình thường, những ngôi nhà này là trạm y tế, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, nhưng khi xảy ra lũ lụt, thiên tai, sẽ trở thành nơi tiếp nhận người dân sơ tán với đầy đủ nhà vệ sinh, bếp sinh hoạt, kho dự trữ lương thực, phao cứu sinh và phương tiện liên lạc ra bên ngoài…
Tròn 10 năm sống yên ổn trong công trình “nhà chống bão”, gia đình chị Phan Thị Ba (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) khẳng định, ngôi nhà chịu được cấp gió 14, 15. Ngôi nhà có gác lửng và phần kỹ thuật (đặc biệt là phần móng, thân và mái nhà) xây dựng vững chắc với lớp tường dày 15cm, có sự liên kết giữa các bức tường dọc, ngang, tăng khả năng chống chịu sức gió lớn. Đặc biệt, phần mái được giằng kỹ để ứng phó với những đợt gió giật mạnh. Chị Ba cho biết thêm, việc sinh sống dưới “nhà chống bão” giúp gia đình chị yên tâm, không phải lo sơ tán khi trời mưa bão.
Cùng với chính quyền địa phương, lực lượng bộ đội, biên phòng, công an Đà Nẵng cũng túc trực hỗ trợ người dân khi xảy ra mưa lũ. Đại tá Đỗ Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng thành phố khẳng định, khi mưa bão xảy ra, lực lượng biên phòng thành phố nhanh chóng triển khai các phương án bảo vệ người dân theo phương châm “không để cho người dân phải chịu cảnh đói, rét và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ”.
Theo đó, hàng trăm chiến sĩ từ các đồn, trạm, Hải đội Biên phòng 2 và Trung đội thường trực cứu nạn (thuộc Bộ Chỉ huy) cùng phương tiện ô-tô, tàu, xuồng cứu hộ, phao cứu sinh và các dụng cụ cần thiết kịp thời có mặt ở những điểm ngập sâu, khẩn trương sơ tán người dân đến nơi an toàn và khai thông các tuyến đường ngập úng. Mặt khác, tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, cảng cá, lực lượng tích cực xuống giúp dân neo đậu tàu thuyền và hướng dẫn tàu thuyền ra vào trạm bảo đảm an toàn. Cũng theo Đại tá Đỗ Văn Đông, trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, chỉ chủ động ứng phó thôi vẫn chưa đủ mà phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng trong hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng.
Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị duy trì nghiêm các kíp trực, làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng cơ động lực lượng, phương tiện xử lý sự cố, tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, không để bị động bất ngờ. Đồng thời, tiếp tục cử các tổ, đội công tác địa bàn tiếp tục bám nắm tình hình, hỗ trợ bà con lương thực, thực phẩm và chăm sóc y tế khi cần thiết, với tinh thần “giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim”.
Có thể nói, công tác phòng, chống thiên tai tại Đà Nẵng nhiều năm qua được xây dựng trên nguyên tắc ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy giải pháp phòng, tránh là chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để bảo đảm an toàn cho bản thân, người dân cần tiếp tục chủ động phối hợp tốt với chính quyền địa phương để triển khai sớm các biện pháp ứng phó và nếu cần, sẵn sàng di chuyển đến nơi khác an toàn hơn.
TIỂU YẾN