Truyện Kiều - nguồn cảm hứng bất tận

.

Dưới ngòi bút tài tình của thi hào lỗi lạc Nguyễn Du, 3.254 câu thơ lục bát trong truyện Kiều như chạm, như khắc những giá trị nhân văn sáng ngời trong lòng người đọc ở hàng chục quốc gia từ Đông sang Tây, Âu sang Á cả đương thời và hậu thế.

Tổng thống  Hoa Kỳ Joe Biden lẩy Kiều trong  tiệc chiêu đãi của Chủ tịch  nước Võ Văn Thưởng ngày 11-9.  Ảnh: Internet
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lẩy Kiều trong tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ngày 11-9. Ảnh: Internet

Trong lịch sử văn học Việt Nam và thế giới hiếm có một tác phẩm nào như truyện Kiều, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật đều là chất liệu và cảm hứng cho một loạt các loại hình từ bói Kiều đến nghệ thuật đậm màu sắc dân gian và đầy trí tuệ ra đời. Vịnh Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, trò Kiều... vốn quen thuộc với người dân Việt Nam từ trí thức đến bình dân.

Thấy mình trong Kiều...

Tác phẩm có cốt truyện xoay quanh cuộc đời trầm luân khổ ải của cô gái đức hạnh, tài hoa, bạc mệnh trải qua 15 năm lưu lạc khi mới tuổi đôi mươi. Vì chữ hiếu mà chấp nhận nghịch cảnh bán mình chuộc cha, sống ly tán, bị lừa gạt bán vào lầu xanh, làm vợ lẽ, làm người hầu, bị hành hạ thân xác, đọa đày nhân tâm… Mỗi một khổ đau, vinh nhục Kiều trải qua là “Tiếng thơ ai động đất trời” (Tố Hữu) Nguyễn Du mang đến cho người đọc một giá trị nhân văn cao cả hoặc đem đến một minh triết để nhận chân cuộc đời.

Tất cả những truân chuyên chìm nổi của cuộc đời Kiều cũng chính là những cung bậc cảm xúc, ngang trái mà mỗi người có thể gặp phải. Hoặc mượn Kiều để biểu đạt những tâm trạng khó lột tả mà ai đó trong đời nhiều khi phải nếm qua: “Sự đời đã tắt lửa lòng / Còn chen vào chốn bụi hồng mà chi” với bao tê tái ê chề duyên - nợ dù không khỏi tiếc nuối: “Đã tu tu trót, qua thì thì thôi”…. Cũng có khi mượn câu Kiều để bày tỏ thái độ sống đắp tai ngoảnh mặt trước thời cuộc: “Cũng liều nhắm mắt đưa chân / Để xem con tạo xoay vần đến đâu”.

Truyện Kiều còn trở thành chất liệu cho vô vàn các đề tài của hội họa, điêu khắc, thi ca… Năm 1884, vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, truyện Kiều được dịch ra tiếng Pháp. Từ đó đến nay ngót trên 100 năm, với trên 30 bản dịch qua 20 thứ tiếng (Pháp, Trung, Nga, Anh, Nhật, Đức, Tiệp, Hungari, Rumani, Hàn Quốc…) mạch ngầm nhân văn trong truyện Kiều vẫn tiếp tục chảy và tỏa sáng bất chấp rào cản về ngôn ngữ, tập quán khác nhau. Nói như nhà phê bình văn học nổi tiếng thế kỷ XIX Mộng Liên Đường: “Nguyễn Du có con mắt trông cả 6 cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”. Suốt 100 năm qua, truyện Kiều luôn được các học giả trên thế giới dành cho những mỹ từ: tác phẩm thể hiện quốc hồn, quốc túy, đỉnh cao của nền thơ ca cổ điển Việt Nam. “Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thật là một nền văn chương kiệt tác, tưởng có thể so sánh với những văn chương kiệt tác của bất cứ đời nào, nước nào cũng không thua vậy” (René Crayssac).

Một điều hết sức độc đáo là bất kỳ ai ở đâu trên thế giới này cũng có thể tìm thấy sự đồng điệu với Kiều, bởi hạnh phúc, nghịch cảnh, thất vọng, tan nát, đau thương… mà Kiều trải qua trong 15 năm chìm nổi là những cảm giác mà mỗi con người đều ít nhiều có nếm trải hoặc hình dung ra trong cuộc đời. Ai đọc truyện Kiều cũng thấy mình trong đó là vì thế, nên “bói Kiều” từ lâu đã trở thành sinh hoạt dân gian được ưa chuộng ở các vùng quê xưa.

Văn hóa ngoại giao và thơ Kiều

Trong lịch sử ngoại giao của Mỹ, với quốc gia từng có mối quan hệ đặc biệt như Việt Nam, làm thế nào lựa chọn phương tiện biểu đạt hết những ý tứ, mong muốn mà pháp lý chưa vươn tới, lại chạm được đến tầng sâu thẳm nhất của nhân tâm, để chiếm trọn niềm tin của đối phương thì mượn Kiều, lẩy Kiều là cách đi vào lòng người hiệu quả nhất!

Từ sau năm 1968, chính khách Mỹ hiểu rất rõ tâm hồn, cốt cách dân tộc Việt Nam qua truyện Kiều. Vì vậy, trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã mượn Kiều để bày tỏ thiện chí: “Sen tàn cúc lại nở hoa / Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân” biểu đạt ý nhị tình thế quan hệ giữa hai nước từng trải qua lịch sử hết sức bi thương, đổ nát, giờ cùng nhau gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, tràn trề niềm tin vào ngày mai ấm áp, rực rỡ! Cũng trong mạch cảm xúc đó, năm 2015, Joe Biden (lúc ấy là Phó Tổng thống Mỹ), khi đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ cũng mượn câu Kiều, rằng: “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” - biểu tượng dự báo tương lai tốt đẹp cho mối quan hệ Việt-Mỹ. Trong một dịp đến Việt Nam, khi nói chuyện với sinh viên, trí thức, Tổng thống Barack Obama chọn câu Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi” để tỏ thiện chí của một quốc gia đã từng in dấu sâu đậm trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Những dự cảm qua 3 lần mượn câu Kiều ở trên để biểu đạt tâm - ý là thông điệp khéo léo bày tỏ ý tứ khẳng định niềm tin vào lương tri và nhân tâm con người Việt Nam - một dân tộc quả cảm phi thường, giàu lòng nhân hậu. Ai cũng biết rằng, trong vòng 18 năm sau thiết lập bình thường hóa quan hệ (1995), kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ đã tăng hơn 300 lần, là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, Việt Nam xuất khẩu vượt mốc 100 tỷ USD.

Kết quả bang giao này giữa hai nước là căn cứ  thuyết phục để tháng 9-2023, trong đáp từ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại buổi tiếp, Tổng thống Mỹ Joe Biden lần nữa mượn câu Kiều để cảm thán, rằng: “Vinh hoa bõ lúc phong trần / Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày” hứa hẹn những điều tốt đẹp về mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai.

Truyện Kiều vượt lên trên câu chuyện về một người phụ nữ đức hạnh, tài sắc vẹn toàn, trải qua thăng trầm, nếm trải đủ các cung bậc cảm xúc hạnh phúc, khổ đau, vui buồn, sầu não, hội ngộ, biệt ly, sum vầy, tan tác, luyến ái… trở thành phương tiện để truyền tin, phù hợp để giao tiếp giữa con người cũng như giữa các quốc gia dân tộc trong mọi cảnh ngộ, tình huống.

Kỳ lạ thay, khi cuộc đời càng có nhiều đổi thay, nhân tâm biến động, những nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật của truyện Kiều càng tỏa sáng!

Qua mỗi câu Kiều, nếu ai đồng cảnh, hợp tình đều tìm thấy ở đó cách thức biểu đạt vừa sâu xa, thâm trầm mà ý nhị lay động lòng người. Truyện Kiều của đại thi hào lỗi lạc Nguyễn Du là minh chứng cho giá trị nhân văn cao quý thể hiện tâm hồn cốt cách dân tộc Việt Nam, qua bao thăng trầm biến thiên vẫn giữ gìn, tỏa sáng vượt không gian và thời gian, trường tồn cùng lịch sử nhân loại. Với kiệt tác xuất chúng này, năm 1964 tại Berlin, Chủ tịch đoàn Hội đồng hòa bình thế giới đã vinh danh nhà thơ vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới.

PHAN THỊ MỸ DUNG

;
;
.
.
.
.
.