Về quê

.

Ông Tư được bố mẹ vợ bảo lãnh sang Mỹ định cư. Ngày đùm đề vợ con rời đi, ông tự trấn an rằng khi mọi thử ổn định, ông sẽ quay về thăm quê. Ấy thế mà đã hơn hai mươi năm trôi qua, ông chưa một lần đặt chân trở lại. Ở xứ người, ông Tư làm ăn dành dụm được chút của, con cái thành đạt, cuộc sống sung túc nhưng khuôn mặt ông lúc nào cũng phảng phất buồn. Bởi trong lòng ông canh cánh nỗi niềm của một kẻ tha phương. Mấy bận định đặt vé máy bay về Việt Nam nhưng khổ nỗi cứ lên kế hoạch xong xuôi thì lại hủy. Không công việc đột xuất thì con cháu đứa này ốm đau, đứa nọ đám cưới, sinh đẻ… Vợ ông mất cách đây hơn chục năm, từ đó mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay ông sắp xếp. Vì vậy, ông đành gác lại giấc mơ trở về trong suốt thời gian dài. Chần chừ mãi cho đến đầu năm vừa rồi, thằng Cả sang tu sửa lại cái sân. Chiều chiều hai cha con làm vài ly rượu. Nó bảo “Cha vất vả nhiều rồi, giờ cha nhớ quê thì cha cứ về. Mọi chuyện ở đây có con lo”. Trong cơn men say, ông gật gù đồng ý. Thế là nó đặt vé ngay. Suốt những ngày sau đó, ông Tư cứ bồn chồn, náo nức như trẻ con chờ Tết. Ông mong thời gian trôi nhanh để được về thăm mồ mả tổ tiên, thắp cho ông bà nén nhang, đi thăm bà con lối xóm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cuối cùng cái ngày ông mong đợi nhất cũng đến. Đáp hai chuyến bay ông về tới Việt Nam. Thằng cháu họ cầm điện thoại đứng chờ sẵn ở ga đến. Ông mừng rỡ ôm lấy Bình, vỗ vào vai bôm bốp cười.

- Ở ngoài còn đẹp trai hơn trong hình nữa.

- Chú có mệt không?

Ông Tư mỉm cười lắc đầu. Bình đẩy hành lý chất lên chiếc ô-tô màu đỏ. Ông Tư chưa vội mở cửa xe. Ông ngẩng mặt nhìn lên những đám mây bồng bềnh trôi. Phía xa xa, những mảng màu cam, màu tím quyện vào nhau sưởi ấm một góc trời. Ông hít một hơi thật sâu rồi thở phào nhẹ nhõm. Thật thoải mái, thân thuộc và bình yên!

Xe rời khỏi nhà ga, đi thẳng vào trục đường chính ra ngoại thành của thành phố. Người qua lại nườm nượp, hàng quán đông đúc, nhiều tòa nhà cao tầng sang trọng sừng sững trong nắng chiều. Ngày xưa thành phố này vốn trực thuộc tỉnh nhà. Thế nhưng đã sớm tách ra và phát triển vượt bậc, trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng. Ông ngoái nhìn thành phố đang thu nhỏ lại phía sau. Chiếc xe ra khỏi trạm thu phí, lặng lẽ lăn bánh qua cánh đồng lúa chín. Đi thêm chừng vài chục cây số thì Bình đánh lái rẽ vào con đường nhựa nhỏ.

- Xã mình đây chú Tư. Bình phá tan bầu không khí trầm lặng.

- Cháu không nhắc thì chú suýt không nhận ra. Ông Tư giật mình sửng sốt.

Hai mươi năm, thời gian đã gọt giũa mảnh đất nghèo nàn trở nên trù phú. Mọi thứ dường như đã thay da đổi thịt. Trong ký ức ông, con đường này nhỏ xíu. Cỏ chỉ mọc cằn cỗi hai bên, ở giữa là một rãnh đất màu trắng chừng hai gang tay. Tụi trẻ con đi xe đạp không khéo dễ bị xìa bánh ngã nhào xuống mương. Bây giờ đường được mở rộng gấp đôi, lại đắp lên một lớp hắc-ín dày, láng mịn. Thảo nào ông không có cảm giác thân quen. Ông đưa tay ra hiệu:

- Cháu kéo hộ chú tấm kính.

- Dạ!

Chiếc xe bon bon rẽ vào con kênh đã bê-tông hóa. Thuở trước, lũ con của ông chiều nào cũng chạy ra đây thả diều, thỉnh thoảng lại nhảy xuống kênh ngụp lội. Hai bên là đồng lúa rộng mênh mông thấp thoáng cánh cò ma giữa buổi trưa hè nắng gắt. Bây giờ con kênh đã khoác lên mình chiếc áo xi-măng xỉn màu loang lỗ. Cánh đồng cũng thu hẹp lại. Nhà cửa mọc lên san sát, kín cổng cao tường. Chẳng còn những đứa trẻ đầu trần, da đen nhẻm cưỡi lưng trâu cười toe toét. Tự dưng lòng ông cảm thấy buồn rười rượi.

Trời đã tối. Những đóm điện đường lập lòe trong màn đêm. Chiếc xe dừng lại trước ngôi nhà ba tầng sáng rực ánh đèn. Tường rào xi-măng phun màu trắng toát. Những chùm bông hồng leo Pháp nở đỏ rực làm ngôi nhà trở nên sang trọng bội phần. Bình hớn hở:

- Chúng cháu vừa xây nó được vài năm. Thời còn nhà cũ, vợ chồng cháu chẳng dám rủ bạn về chơi. 

Ông ậm ừ cười như mếu bước xuống xe. Ngày đó, ở mảnh đất này có hai ngôi nhà cấp bốn sát vách, chung sân. Hai anh em ông rào quanh bằng hàng chè tàu xanh mượt, cắt tỉa gọn gàng. Trong vườn trồng đủ loại bầu bí, mướp, rau củ và cả giậu mồng tơi tươi tốt. Cạnh đó là giếng nước trong vắt, mát lạnh. Phía sau nhà có bụi tre cao vút treo lủng lẳng những tổ chim dòng dọc.

- Chào chú Tư! Thủy nắm tay hai đứa con mỉm cười.

- Chào cháu!

Ông Tư cúi xuống nhìn cho rõ hai đứa trẻ. Thằng Bảo có đôi mắt đen, long lanh làm nổi bật khuôn mặt tròn trĩnh. Nhỏ Linh thì kế thừa của ông nội cái sóng mũi thẳng và cao.

- Chà! Trông đứa nào cũng giống ba như đúc.

- Dạ. Vợ cháu khéo đẻ thật. Bình gãi đầu cười.

Ông Tư theo chân Thủy và hai đứa cháu bước vào. Ngôi nhà được chăm chút sạch sẽ, thoang thoảng mùi sáp thơm. Nội thất sang trọng, cách bài trí theo kiểu phương Tây. Một chiếc kệ to đầy các loại rượu ngoại nhập. Nhìn con cháu có cuộc sống đủ đầy như vậy lẽ ra ông phải vui. Ấy thế mà tự dưng trong lòng ông lại có chút hụt hẫng, xa cách. Vốn dĩ ông nghĩ trở về để tìm lại kỷ niệm ngày xưa, thế nhưng giờ mọi thứ thay đổi quá nhiều khiến lòng ông không khỏi chơi vơi. Thắp nén nhang trên bàn thờ tổ tiên xong, vợ chồng Bình mời ông bữa cơm tối thịnh soạn.

Hôm sau, cả nhà quây quần ở phòng khách sau khi ăn uống tại một nhà hàng sang trọng. Trên bàn bày là một đĩa kiwi và mỗi người một bát yến. Thấy người chú có vẻ không mấy vui vẻ, Thủy bắt chuyện phá tan bầu không khí yên tĩnh.

- Chú biết không? Nhà hàng này mới mở nhưng tiếng tăm cả miền Trung này đấy. Những món ăn ở đây gần như là độc quyền.

- Vậy à? Chú thấy cũng khá ngon đấy.

Rồi ông quay sang gặng hỏi đứa cháu đang nằm sấp trên sofa xem điện thoại.

- Hôm nay cu Bảo không đi học sao?

Thằng cháu vẫn cứ dán mắt vào màn hình cảm ứng không buồn trả lời.

- Kìa Bảo! Trả lời ông đi con.

Thủy giật lấy điện thoại làm nó khóc thét lên bỏ chạy. Cô vội đi theo con dỗ dành. Bình vẫn thản nhiên ôm bé Linh. Hai cha con vẫn không rời mắt khỏi màn hình ti-vi. Ông Tư thở dài. Đột nhiên, trống ở đâu vọng về làm lòng ông rạo rực:

- Trống làng à?

- Dạ! Làng cúng tế đấy chú.

- Sao mày không dự?

- Tý nữa cháu có chút việc ở công ty.

- Ngày xưa, ông nội bây trọng những ngày này lắm. Sáng sớm đã lên xếp giấy, lau chùi lư hương. Tao với cha mày líu quíu chạy theo trải chiếu cho mấy cụ cúng kính. Cứ hễ trống đánh là mấy thằng anh có mặt ở sân làng để ăn bánh, chuối. Mặt mày đứa nào cũng hớn hở.

- Chú ơi! Giờ mấy thứ đó trong tủ lạnh đầy.

Ông Tư không nói gì thêm. Đôi mắt buồn sụp xuống kéo theo nếp nhăn hai bên thái dương chảy xệ. Ông vờ vươn vai đứng dậy rồi về phòng nằm suy nghĩ bâng quơ.

Chập choạng tối, vợ chồng Bình đi liên hoan ở công ty vẫn chưa về. Ông Tư ra lan can tầng hai ngồi nhấm nháp tách cà phê nóng. Mặt trời treo trên đỉnh núi, vài cánh chim bay cũng làm ông thấy thú vị.

Nghe tiếng ai đang đuổi gà “hụi hụi” bên dưới hông nhà, ông nhổm người đứng dậy dòm quanh.

- Sáu Cư!

Bà Sáu vẫn thản nhiên đập cây sào cột tàu lá chuối khô vào gốc dương liễu.

- Sáu Cư!

Lần này bà lẩm bẩm gì trong miệng rồi bước lên thềm hiên vào nhà. Ông Tư vội vã chạy xuống.

Chiếc cổng sắt cũ kỹ mở toang. Ngôi nhà cấp bốn hiện ra trước mặt. Con đường mòn dẫn vào sân rải đầy hoa cau, hai bên là hàng dâm bụt rũ hoa. Những cây chuối trổ buồng trĩu nặng ở một góc vườn. Mấy luống rau xanh um được rào chắn kỹ. Trước sân, mớ hoa mào gà, hoa hướng dương đang nở rộ. Thấp thoáng, vài con bướm chập chờn trong gió. Ông Tư vui mừng bước vào. Tụi trẻ con ngơ ngác nhìn, cúi đầu thay cho lời chào. Lúc này, bà Sáu Cư mới nheo mắt nhìn người đàn ông trước mặt thăm dò. Chưa kịp để bà lên tiếng, ông vội vã:

- Tư Cảnh đây! Tư Cảnh.

- Tư Cảnh à? Ông về khi nào?

- Mới hôm qua.

Bà Sáu cầm chiếc khăn tay quệt vội vết trầu trên khóe miệng. Mắt rơm rớm nhìn người bạn hàng xóm từ thuở nhỏ.

- Bà khỏe không?

- Ông nói gì…? Bà Sáu khẽ nghiêng tai, mấy sợi tóc bạc lất phất trong gió.

- Tôi hỏi lâu nay bà khỏe không?

- Ờ! Tui nhớ chứ. Ông đi cũng hơn hai chục năm rồi.

- Dạ! Thưa bác! Mẹ cháu bị nặng tai.

Vũ, đứa con út của Sáu Cư, vội vàng lên tiếng.

- Thằng cu Ròm phải không? Lớn thế này rồi à?

- Dạ! Chào bác! Nhân tiện bác qua đây, mời bác ăn cơm với chúng cháu cho vui.

Ông Tư gật đầu nhận lời ngay. Những món ăn đạm bạc, bình dị được dọn lên trên chiếc bàn gỗ cũ trước hiên. Cơm, cá rô phi chiên giòn, cà pháo, canh cải bẹ nấu tôm. Ông Tư nhìn bát cơm trắng trên tay rưng rưng nước mắt.

- Nhà hàng cũng không sánh với những món ăn này cháu ạ!

- Thật vậy hả bác?

Cả nhà cười ồ lên vui vẻ. Ông Tư ăn một mạch ba chén cơm canh. Bữa ăn càng đậm đà hương vị làng quê hơn với món tráng miệng là đùm bánh ú, vài trái chuối. Thằng cu Dần kể lúc nó cùng mấy đứa bạn đang đi xem lễ cúng làng về thì ông Hai Sơn dúi cho tụi nó. Chỉ có vài đứa con nít nên được một mớ. Nó nhoẻn miệng cười rần rật. Khi được tụi nhỏ gặng hỏi, ông Tư và bà Sáu chậm rãi kể lại những kỷ niệm về làng xóm, gia đình khi con cái còn thơ dại. Chuyện thằng Cả mê tắm sông để trâu ăn hết hai rò khoai lang của bà Tám. Nó sợ quá, lùa trâu qua tận xã khác, không dám về nhà. Thằng Bình đánh chết con rắn lục, nó xách đi quanh xóm dọa tụi con gái. Bé Mây con gái út của ông sợ rắn. Nó chạy cứ ngoảnh lại phía sau ngã xuống mương té gãy tay. Còn Thằng Vũ chiều nào cũng trốn mẹ đi đá bóng, bà Sáu tức quá quất cho nó mấy roi ở ngay sân chơi. Thế là nó giận mẹ cả mấy ngày. Cả nhà bỗng cười òa lên. Tụi cháu bà Sáu cứ chen chúc nhau ngồi vào lòng ông Sáu như người thân ruột thịt.

Trăng mười sáu tròn trịa rọi sáng sân nhà bà Sáu Cư. Gió mang theo mùi hoa sen về thoang thoảng, bát nước chè xanh pha gừng nóng hổi ấm áp hương vị quê nhà. Những câu chuyện kể hoài không dứt. Tiếng cười nói inh ỏi vang xa. Không ai biết rằng, trên sân thượng tầng hai, vợ chồng Bình cũng đang lắng nghe và mỉm cười.

NGỌC MỸ KIM

;
;
.
.
.
.
.