Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước tại sông Cẩm Lệ, sông Cu Đê và lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, đến nay Đà Nẵng cơ bản đáp ứng nguồn nước sinh hoạt cho người dân, nhất là trong bối cảnh chịu tác động của tình trạng xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu El Nino.
Nhà máy nước Hòa Liên được thành phố đầu tư hơn 1.170 tỷ đồng nhằm giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân thành phố, đặc biệt trong mùa khô. Ảnh: T.Y |
Thách thức về an ninh nguồn nước
Dưới tác động tiêu cực của tình trạng xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu El Nino, Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều thách thức về an ninh nguồn nước. Nhiều năm theo dõi biến động khai thác và sử dụng nguồn nước sạch tại Đà Nẵng, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng nhiễm mặn là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Trước khi Nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120.000m3/ngày đêm chính thức hoạt động cuối tháng 5-2023, hơn 90% nguồn nước thô cấp cho thành phố được khai thác từ sông Yên, sông Cẩm Lệ thuộc vùng hạ lưu sông Vu Gia.
Việc phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nước sông Vu Gia khiến Đà Nẵng nhiều năm đối mặt với tình trạng mất an toàn cấp nước. Cùng với đó, vào mùa khô, tình trạng xâm nhập mặn với tần suất ngày càng tăng và kéo dài khiến lượng nước thô thu vào ở Nhà máy nước Cầu Đỏ luôn trong tình trạng thiếu hụt. Chưa kể, ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động xả thải đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Theo PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, nước là tài nguyên tái tạo nhưng không bền vững. Do đó, Đà Nẵng cần điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến vấn đề cấp nước, thu gom, xử lý nguồn nước phù hợp tình hình mới và áp dụng những biện pháp xử lý mạnh tay, theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, cũng như xây dựng hệ thống dữ liệu, ứng dụng các biện pháp khoa học, công nghệ mới trong công tác bảo đảm an ninh nguồn nước.
Tài nguyên mặt nước tại Đà Nẵng khá đa dạng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, chưa kể 51 hồ tự nhiên với tổng dung tích khoảng 6,1 triệu m3. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, việc phân bố dòng chảy không đều, biến đổi lòng dẫn sông khiến việc lấy nước, cấp nước của các nhà máy gặp khó khăn.
Bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho hay, trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất của thành phố được xác định khoảng hơn 275.000m3/ngày đêm. Trong chiến lược bảo đảm an ninh nguồn nước, thành phố đặt mục tiêu phải bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ngành kinh tế trọng điểm, thiết yếu.
Để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, Đà Nẵng tăng cường phối hợp tỉnh Quảng Nam trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cũng như ưu tiên hàng đầu cho việc khai thác, bảo vệ nguồn nước trên sông Cu Đê. Bên cạnh đó, để không quá phụ thuộc vào nguồn nước thô từ sông Vu Gia - Thu Bồn, Đà Nẵng đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng phát triển công suất khai thác từ 120.000m3/ngày ở thời điểm hiện tại lên 240.000m3/ngày năm 2030 và 400.000m3/ngày năm 2050 tại Nhà máy nước Hòa Liên, nâng nguồn nước thô cung cấp cho nhu cầu sử dụng của người dân thành phố tại sông Cu Đê lên 40%. Theo tính toán này, tương lai không xa Đà Nẵng sẽ hình thành một hồ chứa dung tích 50 triệu m3 trên sông Bắc (thượng nguồn sông Cu Đê) và Nhà máy nước Hòa Liên trở thành nhà máy nước lớn thứ 2 phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân thành phố.
Nhiều kịch bản ứng phó
Mới đây, sự kiện thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam ký kết thỏa thuận phối hợp quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng cho thấy hai địa phương đang nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam khẳng định, thành phố luôn coi trọng vai trò, trách nhiệm của mỗi địa phương trong hoạt động phối hợp kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ an toàn nguồn nước. Ngoài duy trì thể chế liên tỉnh - thành phố trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, cả hai tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm trên lưu vực các sông. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của mỗi địa phương trong việc giảm thiểu ô nhiễm, cải tạo, khôi phục và cải thiện chất lượng nước.
Cũng theo ông Lê Quang Nam, một bước tiến mới trong thỏa thuận hợp tác giữa Đà Nẵng, Quảng Nam là xây dựng được bản đồ các nguồn thải lớn xả vào lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước (đối với nguồn thải lớn ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề cấp nước sinh hoạt). Ở vùng giáp ranh giữa hai địa phương, thống nhất xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mặt khác, các giải pháp bảo vệ nguồn nước cũng được UBND thành phố tích cực triển khai, như công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt sông Cu Đê thuộc dự án Nhà máy nước Hòa Liên, nơi được cho là kho dự trữ nguồn nước quan trọng. Ông Đặng Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc bảo vệ và phát triển nguồn nước sông Cu Đê giúp thành phố giảm phụ thuộc vào lượng nước sông Vu Gia, qua đó giảm tác động của tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán và quá trình vận hành các nhà máy thủy điện khu vực thượng nguồn.
Để bảo vệ tốt nguồn nước dự trữ này, Đà Nẵng sẽ thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu tác động từ hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và nguồn thải từ hoạt động phát triển du lịch sinh thái. Ông Vinh khẳng định việc bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê và các sông chảy qua địa bàn thành phố là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, dựa trên các hoạt động bảo vệ rừng đầu nguồn và đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải phát sinh ở khu dân cư dọc bờ sông…
Thông tin từ Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), đơn vị đang tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nhằm tham mưu UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nước. Ông Lê Đức Quý, Phó Tổng Giám đốc Dawaco cho biết, sau khi vận hành Nhà máy nước Hòa Liên, tổng công suất cấp nước do đơn vị quản lý là 472.000m3/ngày, đêm.
Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt vào mùa khô, Dawaco xây dựng nhiều kịch bản ứng phó, như tăng thêm 15% công suất tại Nhà máy nước Cầu Đỏ. Trường hợp xâm nhập mặn cao (hơn 1.000mg/l), công ty sẽ đóng cửa thu nước tại sông Cẩm Lệ, tiến hành bơm nước sông Yên từ trạm phòng mặn An Trạch và nhanh chóng báo cáo UBND thành phố xem xét, điều chỉnh lưu lượng nước xả các hồ thủy điện, hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia nếu tình trạng thiếu nước vẫn diễn ra.
Song song biện pháp điều chỉnh quy hoạch liên quan đến vấn đề cấp nước, thu gom và bảo vệ an toàn nguồn nước, một giải pháp quan trọng khác được các cấp, ngành đặt ra là người dân cần hiểu rõ những thách thức về an ninh nguồn nước trong tương lai. Bà Thục Anh phân tích, để thực hiện hiệu quả chiến lược an toàn nguồn nước, Đà Nẵng cần bảo đảm đủ số lượng nguồn nước cấp và dự trữ cấp thông qua việc bảo vệ chất lượng nguồn nước và phòng, chống những tác hại tiêu cực do nước gây ra.
“Thay vì tư duy tiếp cận nước thỏa mãn tối đa nhu cầu sử dụng, người dân cần hướng đến sự tiết giảm tối đa nhu cầu nhằm giảm lượng nước khai thác, giảm xả thải và tăng khả năng tự phục hồi, tự làm sạch của mạch nước ngầm thiên nhiên”. |
TIỂU YẾN