Nhiều người vẫn cho rằng con trẻ bây giờ thật sướng khi vật chất đủ đầy, cha mẹ chăm lo cho từng ly từng tý… Điều đó thực ra cũng chỉ đúng một phần, bởi học sinh thời nay có một thứ “vô hình” luôn… đè nặng lên các em, đó là áp lực học tập! Dường như, nhiều phụ huynh giờ đây đều muốn con mình học giỏi, nhưng liệu tất cả học sinh có khả năng thành công hay không? Giá nào phải trả? Có nên nghĩ đến việc bảo vệ trẻ khỏi áp lực học tập nặng nề khi áp lực này làm trẻ thất bại thay vì thành công, gây đau khổ cho trẻ và ngăn cản trẻ phát triển?
Một bà mẹ nhà ngay kế bên nhà tôi chia sẻ: “Con trai tôi 6 tuổi đang học lớp 1. Cô giáo nói cháu học không tập trung, không nhớ gì hết và không thể ngồi yên làm bài tập. Cháu có lười biếng không? Tôi sợ trí thông minh của cháu không được bình thường. Ngay cả khi chơi ở nhà, cháu cũng lăng xăng, thay đổi hoạt động liên tục.
Cháu đi học lúc 7 giờ, ăn trưa ở trường, rồi ra về lúc 16 giờ, về nhà ăn tạm, rồi đi học thêm 2 giờ, về nhà ăn cơm tối và làm bài tập, xem tivi và đi ngủ lúc 22 giờ 30, nhưng vào giường ngọ nguậy và không ngủ trước 23 giờ 30. Cháu thường hay mắc bệnh vặt”.
Qua chia sẻ của người mẹ thì rõ ràng nhịp sống này của cậu bé không phù hợp với lứa tuổi. Bà mẹ này cũng từng đưa con đi khám bệnh vì cô giáo nói bé thiếu tập trung hoặc kém trí nhớ. Song việc muốn đưa kiến thức vào đầu một trẻ còn quá nhỏ nhiều hơn 6 giờ mỗi ngày cũng giống như đổ 1 lít nước vào một chiếc cốc nhỏ - làm tràn cốc.
Thực ra thì với độ tuổi lên 6 tuổi, trẻ chỉ có thể tập trung tối đa 45 phút với cùng một chủ đề. Trẻ cần được nghỉ ngơi, hoạt động vui chơi và thư giãn cơ thể đều đặn. Vì thế, khi trẻ có giờ rảnh là “lăng xăng”. Đó là lúc trẻ có thể làm những gì mình muốn và không làm điều không thích. Vì thế nên để trẻ thoải mái vui chơi, đừng gò bó khiến trẻ bực bội…
Giấc ngủ cũng có vai trò rất quan trọng. Trẻ 6 đến 11 tuổi cần ngủ 8 - 10 giờ mỗi ngày. Trẻ ngủ trễ dễ bị kích động, căng thẳng, và kiệt sức nên khó tập trung. Vậy cũng không lấy làm lạ khi thấy trẻ này hay mắc bệnh vì căng thẳng (stress) làm giảm sức đề kháng. Khi bệnh cũng là lúc trẻ có cơ hội nghỉ ngơi, được cưng chiều và không bị áp lực học tập!
Hay như một trường hợp khác, tôi có người bạn trung niên tên Nam, có cậu con trai út cũng “có vấn đề”. Bác Nam tâm sự: “Tôi là kỹ sư đang làm việc ở một công ty quốc tế. Con trai đầu lòng của tôi tốt nghiệp bác sĩ lúc 25 tuổi. Con trai kế và cũng là út, 14 tuổi học giỏi các môn tiếng Việt, lịch sử, nhạc, văn, nhưng rất kém các môn toán, lý, hóa. Mỗi khi có kiểm tra, cháu hay bị đau bụng và chỉ làm được nửa bài. Tôi đã gặp giáo viên của cháu và thấy cô cũng không nghiêm khắc với cháu lắm. Ở nhà, cháu ít nói, cháu thường ở trong phòng, lướt mạng và chơi video game nhiều. Ở lớp cháu kém tập trung...”.
Nghe lời tâm sự của bác Nam tôi thấy con bác đang ở lứa tuổi vị thành niên. Ở tuổi đó, nhiều trẻ tự cô lập và ít giao tiếp với bố mẹ, người lớn mà dành thời gian quan tâm đến những gì xảy ra nơi bạn bè nhiều hơn; con trai nghĩ đến con gái, bận tâm về nhiều vấn đề mà không dám nói ra. Cha và anh cả là những “nhà chuyên môn”, khoa bảng. Dường như trẻ muốn đối nghịch với “khuôn mẫu gia đình” để tự xây dựng tính cách cá nhân. Áp lực này có thể giải thích cho cơn đau bụng khi có những buổi kiểm tra căng thẳng.
Chính vì vậy, theo tôi, tốt nhất bác Nam cần trấn an con trai mình bằng việc nói là không bắt buộc con theo gót chân bố và anh để được yêu thương. Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Phụ huynh đừng quát mắng, đánh đập con, cũng không nên so sánh với anh, chị, mà cần được động viên để tăng thêm sự tự tin vào bản thân và nỗ lực trong khả năng của con.
Vấn đề này cha mẹ cũng nên lưu ý đến khả năng về sự trầm cảm có thể xảy ra ở tuổi vị thành niên, khi trẻ thiếu tự tin, cảm thấy mình vô dụng vì thất bại trong học tập. Nếu trẻ vị thành niên có biểu hiện thu mình trầm trọng, không vui cười, ăn ít hoặc ăn quá nhiều, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều, có ý nghĩ đen tối, luôn cảm thấy mệt mỏi, thì phụ huynh nên giải thích cho trẻ và tìm gặp một chuyên viên tâm lý để được giúp đỡ...
Tóm lại, căng thẳng học tập là điều không mong muốn. Thay vì tạo áp lực, làm con trẻ mất tự tin, phụ huynh nên tìm cách động viên thay vì để trẻ luẩn quẩn với các điểm số. Để có thể yêu thích học tập, trẻ cần có điều kiện thư giãn, phát huy trí tưởng tượng và vui đùa với bạn bè.
NGUYỄN THỊ LOAN