Một đô thị phát triển thì chất lượng nước là tiêu chí quan trọng chi phối mọi hoạt động từ sinh hoạt đến sản xuất của người dân. Vì vậy, thời gian qua, Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) từng bước cải tạo dây chuyền xử lý nước, tự động hóa hệ thống, nâng cao công suất cấp nước đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cũng như bảo đảm mục tiêu an toàn, nâng cao chất lượng nước sạch toàn thành phố.
Công nhân vận hành hệ thống cấp nước tại Nhà máy nước Cầu Đỏ. Ảnh: XUÂN SƠN |
Xử lý nguồn nước thô
Để hiểu rõ quy trình xử lý nguồn nước thô và cung cấp nước, tôi ngược phố về phía Tây Nam quận Cẩm Lệ, đến Nhà máy nước Cầu Đỏ tìm hiểu. Nhà máy nước Cầu Đỏ là nhà máy nước lớn nhất của Dawaco, đóng vai trò quyết định trong hoạt động sản xuất cung cấp nước cho toàn thành phố. Đến đây, tôi choáng ngợp với diện tích 123.179m2 gồm nhiều công trình xử lý nước và nhà điều hành của Nhà máy nước Cầu Đỏ. Phóng xa tầm mắt, tôi có thể nhìn thấy dòng sông Cẩm Lệ in đậm trong ký ức bao thế hệ người dân thành phố. Con sông này cung cấp nguồn nước mặt cho Nhà máy nước Cầu Đỏ sản xuất nước sinh hoạt từ năm 1971 đến nay.
Tôi gặp ông Ông Văn Mỹ, Giám đốc Trung tâm Quản lý vận hành Hệ thống cấp nước Dawaco tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, ông Mỹ cho biết, nhà máy khai thác nguồn nước thô tại sông Cẩm Lệ thông qua trạm van phải cửa thu nước và nguồn nước sông Yên thông qua trạm bơm phòng mặn An Trạch. Chính vì khai thác trực tiếp nguồn nước mặt có đặc điểm độ đục cao đi kèm nhiều tạp chất vô cơ, hữu cơ hòa tan nên Nhà máy nước Cầu Đỏ thiết kế quy trình xây dựng vận hành theo công nghệ xử lý tiên tiến nhằm bảo đảm an toàn cho người dân khi sử dụng. Cụ thể, nguồn nước thô khai thác từ công trình cửa thu nước hoặc trạm bơm phòng mặn An Trạch sẽ điều tiết trữ lượng tại hồ sơ lắng. Từ hồ sơ lắng, nước thô tiếp tục trải qua 4 công đoạn như trạm bơm cấp 1 đến bể trộn, phản ứng, lắng, bể lọc rồi qua bể chứa, trạm bơm cấp 2.
Qua quá trình quan sát, có thể thấy từ trạm bơm cấp 1 nước thô bơm lên bể trộn và hòa tan với dung dịch hóa chất PAC (là một loại muối biến tính của nhôm clorua) tạo ra quá trình keo tụ kết bông. Lúc này, các hạt keo bị trung hòa điện tích, phá vỡ kết cấu bền vững, dính kết thành các hạt bông cặn có kích thước lớn, lắng xuống đáy bể và xả bỏ trong quá trình xả bùn bể lắng. Nước sau lắng với một ít hàm lượng cặn kích thước nhỏ còn lại sẽ loại bỏ ở các bể lọc nhanh trọng lực. Vì vậy, nước sau bể lọc gần như loại bỏ hoàn toàn tạp chất hòa tan, có độ đục dưới 2NTU và khử trùng clo để diệt vi sinh vật, virus, vi khuẩn. Đồng thời, tạo độ clo dư ở mức 0.5mg/l để nước sạch không bị tái ô nhiễm trên đường ống phân phối. Ở bước cuối, nước sạch dự trữ trong các bể chứa được các trạm bơm cấp 2 bơm ra mạng lưới đường ống phân phối cung cấp đến khách hàng.
An toàn khi sử dụng
Theo ông Ông Văn Mỹ, việc vận hành cung cấp nước và xử lý nước theo quy trình cơ bản nhưng đôi lúc nước sinh hoạt vẫn còn mùi và bị nhiễm mặn bởi một số thời điểm mùa hè, nguồn nước từ thượng nguồn sông Vu Gia bị khô kiệt, nước biển xâm nhập làm nước sông tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Để giải quyết tình trạng trên, Dawaco thực hiện kết hợp khai thác nước thô từ trạm bơm phòng mặn An Trạch và cửa thu nước. Trong mọi trường hợp, Dawaco luôn điều khiển kiểm soát nước sạch đầu ra tại Nhà máy nước Cầu Đỏ ở dưới mức quy định là 250mg/l, khi sử dụng nước sạch thời điểm này, sẽ có cảm giác nước lợ, không ngọt.
Năm 2023, mặc dù độ mặn tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ kéo dài nhiều ngày, diễn biến nghiêm trọng lên đến 6.840mg/l nhưng với việc đưa vào vận hành công trình nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày lên 420.000m3/ngày, Dawaco vẫn bảo đảm công tác cấp nước an toàn cho người dân trong suốt những ngày hè. Đối với nước có mùi đa phần do một số điểm cục bộ trên hệ thống đường ống là ống sắt cũ, khi Dawaco thực hiện công tác súc xả đường ống hoặc khi xử lý có 1 phần hàm lượng clo dư (trong ngưỡng cho phép) có thể gây mùi hơi nồng so với bình thường. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ nhanh chóng mất đi khi chúng ta xả nước trở lại sau 15 phút.
Có thể nói, bên cạnh việc cung cấp nước thì phải song hành cùng chất lượng nước, phù hợp ngưỡng an toàn cho người tiêu dùng. Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Minh Nam cho biết, để đạt mục tiêu cấp nước an toàn, nâng cao chất lượng nước sạch, Dawaco đầu tư xây dựng công trình nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ, cải tạo dây chuyền xử lý cũ bằng thiết bị công nghệ tiên tiến như: bơm ly tâm 2 cửa hút hiệu suất cao, tấm lắng Lamen, đan lọc HDPE 2 tầng… Song song, hệ thống giám sát điều khiển nhà máy nâng cấp tự động hóa hoàn toàn. Các khâu điều tiết lưu lượng sản xuất, định lượng hóa chất keo tụ, định lượng clo khử trùng điều khiển tự động khép kín, liên động với nhau theo quy trình công nghệ bảo đảm chất lượng nước sạch luôn đạt tiêu chuẩn trong mọi trường hợp biến động chất lượng nước thô (tình trạng nhiễm mặn vào mùa hè và nước đục vào mùa mưa).
Toàn bộ thông số vận hành chất lượng nước, điện năng, áp lực, lưu lượng, mức nước… được lãnh đạo, quản lý chuyên môn giám sát trực tuyến trên hệ thống Scada trung tâm điều khiển nhằm kịp thời kiểm tra, chỉ đạo, ứng phó với các sự cố, bất thường trong vận hành sản xuất. Thời gian đến, Dawaco định hướng chuyển đổi số toàn diện nâng cao năng lực quản lý và tiếp tục bám sát nhiệm vụ cấp nước an toàn về chất lượng, lưu lượng và áp lực. Tập trung giảm thất thoát nước và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm hoàn thành theo kế hoạch.
“Chúng tôi bảo đảm dịch vụ cấp nước đến tay người dân được kiểm soát kỹ theo quy chuẩn về chất lượng nước ăn, uống và chất lượng nước sạch sử dụng mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế. Ngoài công tác ngoại kiểm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thì công tác nội kiểm tại các Nhà máy nước Cầu Đỏ hay Nhà máy nước Sân Bay luôn tuân thủ quá trình sản xuất nước nên khách hàng yên tâm sử dụng”, ông Hồ Minh Nam khẳng định.
Đến nay, Nhà máy nước Cầu Đỏ có công suất thiết kế 290.000m3/ngày đêm, nhà máy Sân bay 30.000m3/ngày đêm và nhà máy nước Hồ Hòa Trung là 10.000m3/ngày đêm. Vì vậy, Dawaco vẫn bảo đảm việc cấp nước sử dụng cho người dân, doanh nghiệp sinh hoạt và sản xuất. Đó là điều may mắn khi thành phố có nguồn nước sạch duy trì ổn định nhiều thập kỷ qua nhưng cũng có thể chưa bền vững trong tương lai. Để bảo vệ nguồn nước và chất lượng nước đạt hiệu quả thì rất cần sự chung tay của cả cộng đồng cũng như ý thức sử dụng hợp lý tài nguyên nước từ những việc làm nhỏ nhất. Bởi đó không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần bảo vệ sự sống lâu dài cho thành phố nói riêng và cả hành tinh xanh nói chung.
HUỲNH TƯỜNG VY