Thương nhớ khoai chà

.

Khoai chà - món ngon dân dã quê tôi - giờ đây được xem là giống khoai quý được lưu truyền như sản vật của đất trời giữa vùng cát Trà Đõa, Quảng Nam. Món ăn này luôn nhắc nhớ về tuổi thơ cơ cực của lũ trẻ như chúng tôi đã may mắn được nuôi lớn nhờ sản vật quê nhà.

Quê tôi đất đai cằn khô, việc trồng khoai phải dựa vào nước trời. Vậy nhưng củ khoai quê tôi như hấp thụ được tinh túy của trời đất nên ngọt, thơm, bùi, bở, hơn hẳn khoai lang ở các vùng lân cận. Má tôi kể, ngày trước, cứ vào mỗi mùa thu hoạch khoai, nhà nào ít thì đủ ăn, nhà nào nhiều thì mang ra chợ bán. Bán không hết thì làm khoai chà. Nhà ngoại lúc ấy đông con nên ngoại làm cả gần chục ghè khoai chà để dành ăn quanh năm. Những ghè khoai chà trong ký ức tuổi thơ gian khó của má khiến tôi thuộc nằm lòng câu ca truyền miệng của người dân xứ Quảng: “Quảng Nam có lụa Phú Bông, có khoai Trà Đõa, có sông Thu Bồn”.

Món khoai chà phải xúc bằng lá mít mới ngon. Ảnh: H.T.T
Món khoai chà phải xúc bằng lá mít mới ngon. Ảnh: H.T.T

Người dân xứ Quảng quê tôi làm khoai chà rất công phu và tỉ mẫn. Để chế biến được khoai chà ngon, sạch và thơm thì phải kỹ càng từ khâu chọn khoai, nấu củ và phơi khô. Khoai tươi khi thu hoạch về sẽ được cắt hai đầu, vạt những chỗ sâu, cạo bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài, rồi rửa thật sạch, quan trọng nhất là khi nấu khoai phải đổ vừa nước và giữ đều lửa để khoai không bị cháy hoặc nhão. Canh khoai sao cho nước vừa cạn cũng là lúc khoai vừa chín thì nhắc xuống bếp. Khoai lang sau khi luộc chín để nguội rồi cho vào cối giã nhỏ, sau đó dùng rổ thưa chà cho bột khoai rơi xuống chiếc nong. Khoai chà phải được phơi lúc trời nắng giòn thì bột khoai mới thơm ngon được.

Có lẽ chính động tác chà tạo nên tên gọi “khoai chà” cho món ăn. Ngày trước, người dân Quế Sơn ăn khoai chà mọi lúc mọi nơi: ăn điểm tâm, ăn nửa buổi, ăn chiều, ăn khuya hay mời bạn như một món quà quê dân dã khi bạn đến thăm nhà. Ăn khoai chà cũng có nhiều cách. Người thích vị ngọt dịu vốn có của khoai, cứ để vậy mà nhâm nhi, người thì ngào đường có thêm một ít gừng rồi dùng lá mít xúc những hạt khoai cho vào miệng. Những người không thích ngọt như tôi thì có thể ăn khoai cùng cá kho mặn. Khi ăn cho vào chén, đổ một lượng nước ấm hoặc nước sôi để nguội vừa đủ, chờ vài phút cho khoai nở rồi mới ăn.

Khoai chà quê tôi có vị ngọt dịu, thơm lừng của khoai, nồng nàn hương nắng gió miền Trung. Người ăn sẽ dễ dàng cảm nhận được những hương vị của khoai, nồng nàn của nắng gió quyện lẫn vào nhau, vừa dân dã, thanh tao lại thật gần gũi với thiên nhiên. Khoai chà vốn là hành trang không thể thiếu của bao nhiêu thế hệ sinh viên Quế Sơn như chúng tôi những ngày xa nhà. Bởi vậy người Quảng đi xa, nhớ quê se thắt nhiều khi lại ray rứt thương hoài chén khoai chà đong đầy tuổi thơ, thoang thoảng đâu đó hương của lá mít ùa về đan xen nhau như kết nối con người trở về với thiên nhiên gần gũi của “đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, rượu hồng đào chưa nhấm đà say”.

HUỲNH THANH THẢO

;
;
.
.
.
.
.